Trường THPT Tân Phú: Phát huy truyền thống Anh hùng lao động

Thứ ba - 04/12/2018 23:08
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Từ một ngôi trường được dựng bằng tranh tre, lại phải di dời sau nhiều lần chia tách, đến nay, Trường THPT Tân Phú (huyện Ðịnh Quán) đã có một diện mạo khác. Tuy trải qua nhiều khó khăn, tập thể nhà trường vẫn luôn nỗ lực vượt khó, trở thành “cái nôi” đào tạo nhiều nhân tài.​

Xứng danh “anh cả”

Trường THPT Tân Phú được thành lập vào tháng 8-1976. Năm học đầu tiên, trường tuyển sinh được 2 lớp (lớp 10 và 11) với tổng số 56 học sinh; đội ngũ sư phạm chỉ có 7 giáo viên. Vì chưa có cơ sở nên trường phải dạy và học nhờ tại một trường học khác.


 Cô và trò Trường THPT Tân Phú cùng xem lại hình ảnh tư liệu của nhà trường tại phòng truyền thống.

Năm học 1977 - 1978, trường chuyển vào khu kinh tế mới Ðồng Hiệp xây dựng mô hình trường vừa học vừa làm, gắn với nông trường Bộ trồng lúa, mía. Học kỳ I của năm học này, ngoài dạy và học, thầy trò Trường THPT Tân Phú phải lao động khai hoang đất để cải thiện đời sống (trồng khoai lang, lúa…); tự khai thác gỗ, tre và vận động UBND các xã Phú Cường, Phú Túc, Phú Hòa, Phú Hiệp giúp đỡ tiền, tre, lá dừa để làm nhà nội trú cho học sinh, làm nhà ở cho giáo viên… Cuối năm, thấy học sinh có dấu hiệu bỏ học nhiều, thầy Trần Thế Xương, Hiệu trưởng nhà trường đã tham mưu với UBND huyện cho trường chuyển địa điểm về lại khu vực huyện Ðịnh Quán. Cuối hè năm ấy, thầy trò Trường THPT Tân Phú lại tiếp tục dắt nhau vượt chục cây số vào rừng chặt cây, cắt tranh, tập đánh tranh, tự dựng lớp để học, nhà tập thể để ở. Chưa đầy 2 tuần, thầy trò dựng được 7 phòng tranh tre nứa lá làm phòng học và 7 gian nhà làm nhà nội trú cho thầy cô giáo.

Những năm sau đó, để có đủ phòng học, nhà trường phải mượn cơ sở vật chất, phòng học của nhiều cơ quan của huyện trong suốt một thời gian dài. Tuy vậy, chỉ sau hơn 10 năm, đến năm học 1989 - 1990, sĩ số học sinh của trường đã tăng lên hơn 3.800 học sinh với hơn 80 lớp học tại điểm trường chính. Các phân hiệu của Trường THPT Tân Phú sau này phát triển đông học sinh nên đã tách ra thành trường mới. Tính đến nay, có 5 trường được “sinh ra” từ Trường THPT Tân Phú là: THPT Ðiểu Cải, THPT Ðoàn Kết, THPT Ðịnh Quán, THPT Phú Ngọc và THCS Lê Thánh Tông.

Năm học 1999 - 2000, Trường THPT Tân Phú được tỉnh đầu tư xây dựng cơ bản với tổng số tiền gần 6 tỷ đồng. Kể từ đây, trường bắt đầu có diện mạo khang trang, sạch đẹp hơn. Sau niềm vui về ngôi trường mới, năm học 2000 - 2001, trường được đón nhận danh hiệu “Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới”. Với một trường học có “tuổi đời” còn khá trẻ, mới 25 năm, việc được đón nhận danh hiệu cao quý này thực sự là một kỳ tích. Làm nên kỳ tích ấy là công sức lao động, giảng dạy, học tập của nhiều thế hệ thầy và trò Trường THPT Tân Phú.

Hiện nay, hệ thống các trường phổ thông đã phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh, các trường “sinh sau đẻ muộn” đều có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại hơn. Tuy vậy, Trường THPT Tân Phú vẫn giữ được vị thế của người “anh cả” ở khu vực Tân Phú - Ðịnh Quán. Xét trên địa bàn toàn tỉnh, những năm gần đây, điểm đầu vào của Trường THPT Tân Phú tuy thấp hơn nhiều so với một số trường trong tỉnh, đặc biệt là các trường ở khu vực TP. Biên Hòa; chất lượng học sinh không đồng đều. Tuy nhiên, Trường THPT Tân Phú vẫn đạt được những thành tích rất đáng nể. Ðiển hình như trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, trong số 3 thí sinh đạt điểm 9 môn Toán của tỉnh thì có 2 thí sinh học tại Trường THPT Tân Phú.

Nỗ lực vượt khó

Trường THPT Tân Phú dù “nằm” ở vùng sâu, vùng xa nhưng đã xây dựng được những nét văn hóa riêng. Trong đó, nhiều thế hệ học sinh của trường vẫn nhớ về rừng cây Ðông Nam bộ thu nhỏ trong sân trường. Trường THPT Tân Phú được bao phủ bởi màu xanh của nhiều loại cây. Thầy Ðỗ Văn Ban, một trong 7 giáo viên đầu tiên của Trường THPT Tân Phú và là Hiệu trưởng “đời” thứ hai của trường bộc bạch: “Với ngôi trường mến yêu, mỗi lần trở lại, tôi rất thích dạo một vòng dưới bóng mát của cây xanh và ngắm nhìn cây cảnh. Tôi đã từng ước mơ trong khuôn viên của trường có những mảng rừng nhỏ, trồng cây sao cho bốn mùa đều có cây xanh, có hoa và thoảng hương. Một vườn cây phân tán biểu trưng cho các họ, các loài cây của núi rừng Ðông Nam bộ, điểm xuyết một vài cây biểu trưng của miền Bắc, miền Trung và những cây “văn học nghệ thuật”…”.

Với ước mong đó cùng với sự ủng hộ của Ban giám đốc Lâm trường Tân Phú cùng 2 kỹ sư lâm nghiệp là cựu học sinh của trường, Trường THPT Tân Phú đã có được một rừng cây Ðông Nam bộ thu nhỏ. Theo thầy Ban, danh mục thực vật ở Trường THPT Tân Phú khi đó có 50 loài cây thân gỗ lớn, từ những tên cây dân dã như dầu rái, sến mủ, bằng lăng ổi… đến những cây “văn chương đài các” như giáng hương, ngọc lan, đào tiên… hay những loài cây đã đi vào thơ, nhạc như hoa sữa, phượng vĩ, kơ nia… Danh mục cây nhỏ và cây thảo cũng có đến hơn 90 loài.

“Hiện nay, cảnh quan của trường đã có nhiều thay đổi, khu rừng thu nhỏ cũng không còn được nguyên vẹn như trước nhưng chỉ vài chục năm nữa thôi, nhiều cây trong sân trường này sẽ thành cây cổ thụ! Tiếng cây reo trong gió ngày khai trường, ai có nghe chăng phảng phất những tấm lòng”, thầy Ðỗ Văn Ban bồi hồi...

Theo thầy Ban, học sinh Trường THPT Tân Phú trên nền “vượt khó thành anh hùng” đã vượt qua chính mình, vượt qua sự nghèo khó để chiếm lĩnh tri thức, tự thân lập nghiệp. Nhiều người đã làm vẻ vang cho nhà trường, lớp học sinh đi trước giúp đỡ lớp học sinh đi sau. Các thế hệ cựu học sinh đều tìm về thăm trường với sự kính trọng, tình yêu thương chân thành đối với thầy cô, bạn bè.

Dưới mái Trường THPT Tân Phú, nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành. Rất nhiều người đã trở thành người thành đạt, có địa vị trong xã hội. Có thể kể đến như nhạc sĩ Ngọc Lễ, người đã sáng tác bài hát “Trường ơi” khi anh là học sinh lớp 10 của trường (năm học 1976 - 1977); kiến trúc sư Lương Trọng Vũ, người đã thực hiện bản thiết kế Trường THPT Tân Phú hiện nay. Trong thiết kế, trường có một phòng truyền thống nằm bên phải, gần ngay cổng trường. Ở đó, rất nhiều hình ảnh, tư liệu quý của trường còn được lưu giữ đến tận ngày nay.

Những thế hệ học sinh sau này của nhà trường khi đến tham quan phòng truyền thống đều có thể mường tượng ra thế hệ cha, anh đã sinh hoạt và học tập như thế nào. Từ những khu vực hoang sơ, họ đã tạo nên trường, lớp học. Khu ký túc xá đơn sơ vách tre, lợp lá, trường học bốn bề gió lộng, học sinh chỉ học một buổi, buổi còn lại phải tăng gia sản xuất nhưng vẫn nỗ lực học tốt để thành tài. Ðó là tấm gương sinh động nhất cho những thế hệ đi sau noi theo.

Hải An

Tác giả: Lê Hải Yến

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây