(CTT-Đồng Nai) - Với lãi suất thấp, thời gian trả nợ có thể kéo dài lên đến 25 năm, chương trình hỗ trợ vay vốn nhà ở xã hội của Ngân hàng Chính sách xã hội được xem là kênh tài chính thiết thực, nhân văn trong việc giúp những người lao động thu nhập thấp có nơi ở ổn định, để họ yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế.
Căn nhà mới khang trang của ông Nguyễn Ngọc Tùng
Căn nhà mới khang trang, ấm áp này là cả một giấc mơ của vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Tùng và bà Bùi Thị Thanh Tâm, cả hai vợ chồng đều là cán bộ, công chức đang công tác tại xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc. Gần 30 năm tham gia công tác tại địa phương với đồng lương chỉ vừa đủ trang trải sinh hoạt gia đình, số tiền dư giả tích lũy cũng chẳng là bao để có thể sửa sang lại căn nhà đã mục nát, xuống cấp. Năm 2019, gia đình ông Tùng được Ngân hàng-Chính sách xã hội huyện Xuân Lộc giải quyết cho vay 200 triệu đồng từ chương trình nhà ở xã hội, với số tiền đó, gia đình ông đã góp thêm để xây dựng nên một ngôi nhà khang trang sạch đẹp. Khi đã an cư, gia đình ông Tùng yên tâm công tác, nuôi dạy hai người con chăm ngoan, học giỏi.
Trường hợp khác là anh Hồ Nguyễn Tuấn Anh, ngụ tại ấp 3, xã Xuân Tâm. Tuấn Anh là kỹ sư xây dựng, sau khi ra trường, anh về quê lập nghiệp rồi lấy vợ. Dù đã được cha mẹ cho đất ở nhưng vợ chồng anh vẫn không kiếm đủ tiền làm nhà. Cách đây 2 năm, Tuấn Anh cũng được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải quyết cho vay 500 triệu đồng để xây nhà. Với sở trường là một kỹ sư xây dựng, Tuấn Anh đã thiết kế một ngôi nhà nhỏ thật khang trang, tiện ích với giá thành tối ưu nhất. Trong ngôi nhà này, gia đình anh sống rất đầm ấm, hạnh phúc, đến nay Tuấn Anh cũng đã mở được một công ty riêng.
Qua khoảng 10 năm thực hiện Nghị quyết số 100 ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, đến nay, Ngân hàng chính sách xã hội huyện Xuân Lộc cũng đã giải quyết cho 45 hộ vay với số tiền 22,5 tỷ đồng, số tiền vay tối đa của mỗi họ có thể lên mức 500 triệu đồng, một số tiền không nhỏ so với những vùng nông thôn. Tuy nhiên, do một số quy định về thủ tục, điều kiện chứng minh hóa đơn tài chính, lãi suất tăng cao,… khiến nhiều trường hợp có nhu cầu vay nhưng khó có thể tiếp cận, dẫn đến chương trình này chưa thực sự phát huy hết tính hiệu quả. Ông Ngô Mạnh Chính- Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Xuân Lộc: Trong quá trình triển khai chúng tôi cũng gặp một số khó khăn như sau: đối tượng có nhu cầy vay ít; phần lớn đất đai do cha mẹ để lại chưa đảm bảo các điều kiện để xây dựng nhà ở. Các hộ vay thường có nhu cầu xây dựng nhà vào dịp cuối năm trong khi chi nhánh ngân hàng phải đăng kí để được phân bổ ngay từ đầu năm. khó khăn nữa là các cơ sở vật liệu xây dựng ở vùng nông thôn thường chỉ xuất hóa đơn bán lẻ, không xuất được hóa đơn tài chính (nên không đảm bảo điều kiện cho vay). Đặc biệt là lãi suất hiện đang điều chỉnh tăng cao từ 4,8% lên đến 6,6%, mức lãi suất khá cao. Chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ giảm mức lãi suất xuống thấp hơn khoảng 5,5% để người dân dễ dàng tiếp cận hơn,…
Như ông bà xưa có câu “an cư-lạc nghiệp" và Nghị quyết 100 ngày 20/10/2015 của Chính phủ ra đời cũng không ngoài mục đích đó. Chủ trương của Nghị Quyết này nhằm hướng đến hỗ trợ những người có thu nhập thấp, người yếu thế trong xã hội. Thiết nghĩ! Để phát huy hết tính hiệu quả và ý nghĩa nhân văn của Nghị quyết thì cần có sự điều chỉnh phù hợp, kịp thời nhằm giúp nhóm đối tượng này có thêm cơ hội tiếp cận, thụ hưởng.
Tác giả: Hải Đình
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập