Tiếng kẻng an ninh giữ bình yên xóm ấp

Thứ tư - 22/08/2018 01:10
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Trước đây, tình hình an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn xã Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ) diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng trộm cắp nông sản, chó, gà, vịt… thường xảy ra, gây bức xúc trong nhân dân. Trước tình hình đó, Đảng ủy, chính quyền và công an xã đã chọn ấp 4 để triển khai thực hiện thí điểm mô hình “Tiếng kẻng an ninh”.​

Sau hơn 1 năm thực hiện, mô hình “Tiếng kẻng an ninh” đã mang lại hiệu quả tích cực trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, góp phần bảo đảm ANTT, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Theo đánh giá của các cấp lãnh đạo, đây là mô hình hoạt động hiệu quả cần được nhân rộng.

Hiệu quả từ tiếng kẻng an ninh

Những năm qua, âm thanh của tiếng kẻng an ninh đã trở nên quen thuộc với người dân ấp 4, xã Sông Nhạn. Hồi kẻng vang lên báo hiệu cho người dân biết có kẻ lạ mặt đột nhập vào địa bàn mà đề phòng cảnh giác. Đồng thời cũng thông báo đến các thành viên trong tổ tự quản, công an cùng nhân dân phối hợp vây bắt đối tượng phạm tội. 

Tích cực tham gia cùng phong trào giữ gìn ANTT, hơn 1 năm nay, gia đình ông Lê Nguyên Ngọc (Bí thư Chi bộ ấp 4) đã sắm cái kẻng treo trước cổng, khi cần thì gõ báo động để nhận sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhân dân, công an. Ông Ngọc cho hay, trước đây trên địa bàn ấp nói riêng, xã nói chung thường xảy ra nạn trộm vặt gà, vịt, chó, nông sản…, nhất là vào các mùa giải bóng đá hoặc dịp cuối năm, lễ, Tết. Nhiều đối tượng trộm chó tỏ ra liều lĩnh, sẵn sàng cầm hung khí hăm dọa, tấn công khi bị phát hiện, gây hoang mang, bức xúc trong nhân dân. Tuy nhiên, từ khi mô hình “Tiếng kẻng an ninh” đưa vào hoạt động đến nay đã giảm rất nhiều tình trạng mất tài sản của người dân, bà con yên tâm hơn. “Từ khi có tiếng kẻng an ninh, người dân ý thức hơn trong vấn đề phòng chống tội phạm. Còn đối tượng xấu cũng dè chừng, không dám manh động như trước nữa. Theo tôi, đây là mô hình tốt cần được nhận rộng để đem lại sư yên bình cho nhân dân, góp phần cho xã hội ngày càng tốt hơn”, ông Ngọc đánh giá.


Bí thư Chi bộ ấp 4 Lê Nguyên Ngọc (đầu tiên bên trái) bên kẻng an ninh của gia đình.

Là người sinh sống và công tác lâu năm tại địa phương, ông Nguyễn Bá Thảo (Công an xã Sông Nhạn) chia sẻ, thật ra tiếng kẻng an ninh đã có hơn 10 năm tại xã Sông Nhạn. Đầu năm 2006, lúc ấy ông Thảo làm Trưởng công an ấp và tình hình ANTT đang diễn biến phức tạp, đối tượng thường đột nhập nhà dân vào ban đêm để bắt trộm gà, vịt, heo con… Trước tình hình trên, ông Thảo đã đề xuất về việc thành lập tổ an ninh và tổ chức họp dân để tuyển chọn những thanh niên, đàn ông khỏe mạnh tham gia vào lực lượng. Đồng thời, chọn những địa điểm trung tâm ấp để đặt kẻng báo động (dùng mâm xe làm kẻng), khi nào kẻng báo động được đánh lên thì bà con chạy tới để truy bắt tội phạm. Nhờ vậy mà đối tượng trộm cắp đã giảm đáng kể. Đến năm 2010, có một số lý do nên kẻng báo động bị ngưng hoạt động một thời gian. Sau này, khi ông Trương Quang Khánh lên làm Phó công an xã đã tiến hành phục hồi lại tiếng kẻng an ninh với quy mô, hoạt động hiệu quả hơn.

Phó công an xã Sông Nhạn Trương Quang Khánh cho biết thêm, xã Sông Nhạn có 8 ấp, hơn 2.200 hộ với hơn 10.000 nhân khẩu. Đời sống của bà con đa số làm nông nghiệp, một số thanh niên trẻ đi làm công nhân. Xã nằm giáp ranh với nhiều địa phương khác, như: xã Bình Sơn, Cẩm Đường, Bình An (Long Thành), xã Lộ 25 (huyện Thống Nhất), xã Xuân Quế (huyện Cẩm Mỹ), trong đó một số xã trọng điểm về an ninh trật tự. Từ đó, trên địa bàn cũng hay xảy ra tình trạng trộm cắp, đua nóng xe máy, trộm nông sản, chó, gà… Đa số đối tượng từ nơi khác đến và chủ yếu dùng xe máy làm phương tiện thực hiện hành vi trộm cắp tài sản của bà con.

Từ thực tiễn trên, Công an xã Sông Nhạn chọn ra mô hình phòng chống tội phạm phù hợp, hiệu quả. Theo đó, Phó công an xã Sông Nhạn Trương Quang Khánh tìm hiểu trên mạng và tham khảo những người lớn tuổi và biết thông tin ở ấp Suối Đục (xã Sông Nhạn) có tộc người Hoa trước đây thường dùng mõ tre để phòng ngừa trộm cắp. Nhà nào cũng sắm một cái mõ để khi xảy ra trộm cắp thì gõ báo động và cùng nhau xua đuổi, bắt đối tượng. Tuy nhiên, mõ tre không còn phổ biến, trong khi địa phương đã từng áp dụng mô hình Tiếng kẻng an ninh rất hiệu quả. Từ đó, ông Khánh tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã và xin ý kiến chỉ đạo của Công an huyện về việc thực hiện mô hình “Tiếng kẻng an ninh”. Sau khi xem xét, lãnh đạo các cấp đều nhất trí cao vì cho rằng đây là mô hình hay, hữu ích trong giữ gìn ANTT. “Đầu năm 2017, chúng tôi triển khai thực hiện mô hình điểm “Tiếng kẻng an ninh” tại ấp 4 và được người dân tham gia nhiệt tình. Hiện đã có 164/201 hộ đã sắm kẻng an ninh. Tiếng kẻng không chỉ đánh khi có trộm cắp tài sản mà còn dùng trong cấp cứu, phòng cháy chữa cháy…”, ông Khánh nói.

Người dân tích cực tham gia

Cùng với tiếng kẻng an ninh, Công an xã đã tiến hành củng cố lại các tổ tự quản chặt chẽ, quy mô hơn. Đến nay, trên địa bàn xã có 15 tổ tự quản với 110 thành viên. Khi nghe tiếng kẻng báo động của người dân thì những thành viên trong tổ tự quản tiên phong trong việc giữ gìn ANTT, phòng, chống tội phạm. Ngoài ra, các tổ tự quản còn phối hợp với lực lượng công an đi tuần tra đêm trên địa bàn.

Từ khi thành lập đến nay, mô hình “Tiếng kẻng an ninh” và Tổ tự quản đã hỗ trợ công an phá được nhiều vụ trộm cắp xảy ra trên địa bàn. Có thể kể đến vụ việc một phụ nữ chạy xe máy chở 2 con nhỏ đi trên đường vắng, hai bên là lô cao su; hai đối tượng thanh niên đã ép xe và kề dao vào cổ nạn nhân hăm dọa. Sợ hãi, người phụ nữ đã bỏ xe để các đối tượng cướp và dẫn 2 con chạy vào lô cao su. Nhận được tin báo của người dân, tổ tự quản phối hợp cùng Công an xã đã mai phục và chặn lấy lại xe trả lại người bị cướp.


 ​Tổ tự quản ấp 1 cùng Công an xã Sông Nhạn đi tuần tra trên địa bàn.

Lần khác, một đối tượng đột nhập vào vườn của người dân bẻ trộm măng bán kiếm tiền tiêu xài. Người dân phát hiện và gõ kẻng báo động, ngay lập tức lực lượng tổ tự quản đã có mặt kịp thời bắt đối tượng giao nộp cho cơ quan công an xử lý theo quy định. Trường hợp của gia đình ông Lê Văn Ý (58 tuổi, thành viên tổ tự quản tại ấp 1) cũng bị kẻ xấu đột nhập vào vườn hái trộm khoảng 60kg bưởi. Biết tin, lực lượng tổ tự quản đã quyết liệt truy đuổi và đã lấy lại được số bưởi trên. Cũng từ đó, ông Ý tích cực tham gia tổ tự quản từ nhiều năm nay và có nhiều đóng góp giữ gìn ANTT tại địa phương.
Phó công an xã Sông Nhạn Trương Quang Khánh nhận xét, từ khi có mô hình “Tiếng kẻng an ninh” và Tổ tự quản, tình hình ANTT trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực, được các cấp lãnh đạo đánh giá cao. Thời gian tới, công an xã tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân nhân rộng mô hình này tại các ấp còn lại.
Tâm huyết với phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc
Ông Nguyễn Văn Mạnh (Tổ tự quản ấp 1, xã Sông Nhạn) chia sẻ, các thành viên trong tổ tự quản đều là nông dân lao động, ban ngày họ phải lên nương rẫy làm việc để lo đời sống kinh tế gia đình, đêm đến tập trung lại để làm nhiệm vụ tuần tra địa bàn. Mặc dù kinh phí hoạt động không có, mọi sinh hoạt, ăn uống đều tự túc, nhưng các thành viên trong tổ đều tích cực tham gia với mong muốn gìn giữ sự yên bình cho xóm ấp. “Các thành viên tham gia Tổ tự quản là những người thật sự tâm huyết, họ không nghĩ đến quyền lợi cá nhân mà sẵn sàng đem công sức của mình ra phục vụ xã hội nhằm đem lại sự bình yên cho xóm ấp. Do đó, bất cứ lúc nào khi người dân gõ kẻng báo động hoặc công an yêu cầu là chúng tôi có mặt ngay”, ông Mạnh tâm sự.

Thành Nhân

Tác giả: Lê Thành Nhân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây