(CTT-Đồng Nai) - Những năm qua, thư viện các huyện, thành phố đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cấp phần mềm quản lý thư viện số, tăng cường số hóa tài liệu, xây dựng các bộ sưu tập số, hoàn thiện và bổ sung các tiện ích trực tuyến. Các hoạt động được cập nhật liên tục trên Website, Fanpage, Youtube của từng đơn vị.

Các em học sinh Trường THCS Thạnh Phú, xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu sử dụng máy tính tra cứu sách, phục vụ cho hoạt động học tập và giải trí
Các em học sinh Trường THCS Thạnh Phú, xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu sử dụng máy tính tra cứu sách, phục vụ cho hoạt động học tập và giải trí
Thư viện H.Vĩnh Cửu vài năm trở lại đây đã và đang tích cực ứng dụng công nghệ trong phát triển văn hóa đọc. Ngoài áp dụng phần mềm điện toán đám mây, kết nối với toàn bộ hệ thống các thư viện trong tỉnh, phòng đọc Thư viện H.Vĩnh Cửu cũng trang bị hệ thống máy tính hiện đại, kết nối internet hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường đọc hiện đại và linh hoạt trong mọi khâu nhằm phục vụ bạn đọc một cách tốt nhất. Hằng năm, Thư viện H.Vĩnh Cửu tăng cường vốn tài liệu số nhằm đa dạng hóa và tăng tỷ lệ tài liệu số trong tổng số vốn tài liệu của đơn vị.
Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao H.Vĩnh Cửu Nguyễn Thị Minh Chi cho hay, việc ứng dụng công nghệ trong phát triển văn hóa đọc được H.Vĩnh Cửu quan tâm và đã thực hiện từ nhiều năm nay. Thư viện huyện áp dụng phần mềm điện toán đám mây, kết nối với toàn bộ hệ thống các thư viện với phần mềm Lạc Việt Vebrary gồm 8 phân hệ: biên mục, quản trị hệ thống, lưu thông, bổ sung, mượn liên thư viện, quản lý báo tạp chí, kiểm kê, opac; đồng thời, xây dựng phòng đọc sách với hệ thống máy tính kết nối Internet.
Từ năm 2022 H.Vĩnh Cửu đã “thí điểm” xây dựng thư viện số tại Trường THCS Thạnh Phú, xã Thạnh Phú. Với kinh phí đầu tư hơn 2,5 tỷ đồng, Thư viện Trường THCS Thạnh Phú được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại như: Hệ thống máy tính phục vụ tra cứu sách, màn hình tương tác giúp thư viện có thể kết nối được với các đơn vị bên ngoài, 30 máy tính bảng được tích hợp phần mềm đọc sách, phần mềm học tiếng Anh; phần mềm quản lý của thủ thư; máy quét mã QR, hệ thống camera… Toàn bộ hệ thống sách và thiết bị của thư viện được số hóa hoàn toàn nên việc quản lý trả sách và tìm sách cho mượn của nhân viên thư viện trở nên đơn giản hơn.

Thư viện các huyện: Long Thành, Định Quán… tích cực xây dựng nhiều video giới thiệu sách đăng tải trên trang mạng xã hội
Thư viện các huyện: Long Thành, Định Quán… tích cực xây dựng nhiều video giới thiệu sách đăng tải trên trang mạng xã hội
Tại Thư viện TP.Long Khánh, Thư viện H.Thống Nhất, Long Thành, Định Quán… cũng bắt nhịp xu thế của công nghệ 4.0. Các thư viện tích cực thực hiện chuyên mục giới thiệu sách và định hướng cho bạn đọc những thể loại sách hay, sách mới và các hoạt động văn hóa đọc, các ngày kỷ niệm thông qua việc xây dựng video đăng tải trên các trang mạng xã hội Youtube và Facebook.
Cán bộ Thư viện H.Thống Nhất Lê Thị Duyên cho hay, hiện tại, tổng số lượng sách của thư viện huyện có trên 25 ngàn bản sách. Hằng năm, Thư viện huyện Thống Nhất bổ sung hơn 1 ngàn bản sách mới, phục vụ cho hoạt động đọc sách trên địa bàn. Hướng đến chuyển đổi số, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, Thư viện huyện Thống Nhất đã tổ chức cho cán bộ thư viện đi tập huấn về chuyển đổi số, đã ứng dụng công nghệ, giới thiệu hàng chục cuốn sách qua Facebook và website của đơn vị. Trong đó, chú trọng thực hiện các clip, thiết kế bài thuyết minh về sách và văn hóa đọc sinh động bằng các phần mềm….