Tăng cường hoạt động giáo dục kỹ năng

Thứ sáu - 20/10/2023 09:57
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

​(CTT-Đồng Nai) Bằng cách đổi mới nội dung, hình thức tổ chức, hoạt động giáo dục kỹ năng sống (GDKNS) trong nhà trường ngày càng được học sinh đón nhận. Điều này không chỉ giúp học sinh có thêm kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ bản thân, hội nhập tốt mà còn góp phần quan trọng trong việc xây dựng mô hình trường học hạnh phúc.

Tại Trường THCS Trường Sa (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa), từ đầu năm học mới đến nay, học sinh của trường đã được tham gia nhiều buổi GDKNS với nhiều chủ đề khác nhau.

* Học sinh mong chờ giờ học kỹ năng sống

Tổng phụ trách Đội Trường THCS Trường Sa Nguyễn Thị Xuân Viên chia sẻ: “Mỗi tuần chúng tôi lại chọn một chủ đề GDKNS khác nhau để trang bị cho các em. Chẳng hạn, mới đây nhà trường đã được Công an P.Trảng Dài cử cán bộ đến nói chuyện về chủ đề Tác hại của thuốc lá điện tử với sức khỏe. Đây là chủ đề rất “hot" hiện nay, vì thuốc lá điện tử đã xâm nhập vào trường học và nguy cơ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe học sinh. Khi được nghe nói chuyện về chủ đề này, học sinh rất chăm chú, không chỉ lắng nghe mà còn mạnh dạn đặt thêm nhiều câu hỏi". 

c93d4ae7fefb29a570ea.jpg?t=1752456061

​​​​​​​Học sinh Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (TP.Biên Hoà) học kỹ năng phân loại rác

Trường tiểu học Tam Phước 4 (P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) hàng tháng thường tổ chức khá nhiều hoạt động GDKNS cho học sinh, nhờ đó áp lực học tập giảm bớt, đồng thời tạo hứng khởi cho các em. Đây cũng là cách nhà trường xây dựng mô hình Trường học hạnh phúc.

Hiệu trưởng Trường tiểu học Tam Phước 4 Lê Thị Hồng Yến chia sẻ, những hoạt động GDKNS nhà trường tổ chức không đơn thuần chỉ là sân chơi. Qua mỗi hoạt động đã giúp các em rèn luyện kỹ năng sống, tình yêu thương và sự sẻ chia trong cuộc sống.

Cô Yến dẫn chứng: “Khi nhà trường phối hợp với đơn vị GDKNS biểu diễn một tiểu phẩm ngắn nói về sự hy sinh, vất vả của cha mẹ để các em có tiền ăn học khiến rất nhiều học sinh khóc vì xúc động. Điều đó cho thấy trong mỗi em đều có cảm xúc và tình yêu thương".

Hay cách đây không lâu, ở Trường tiểu học Tam Phước 4 có em V.N.H.N. lớp 5 và em L.T.N.P. lớp 1 chẳng may bị bệnh nan y, hoàn cảnh gia cảnh lại khó khăn. Khi thông tin này được phổ biến trong buổi chào cờ đầu tuần, học sinh của cả 33 lớp (từ khối 1 đến khối 5) đã quyên góp được số tiền trên 130 triệu đồng hỗ trợ em N. và 124 triệu đồng hỗ trợ em P. Có nhiều em còn mang heo đất tiết kiệm đến lớp khui để hỗ trợ cho bạn.

Cô Yến xúc động chia sẻ thêm: “Không có gì vui hơn là các em ngay từ nhỏ đã biết sống yêu thương, mỗi em đều có sẵn tính thiện và nhà trường có trách nhiệm phải phát huy những đức tính tốt đẹp đó".

Em Nguyễn Thị Hồng Ngọc, học sinh lớp 11, Trường THPT Tân Phú (H.Định Quán)  bày tỏ: “Em mong muốn giảm số tiết học văn hóa, tăng số tiết học GDKNS để trang bị những kiến thức từ thực tiễn cuộc sống mà chúng em đang rất cần, như làm thế nào để sống an toàn trong thế giới số, hay cơ hội để tìm hiểu và trải nghiệm những ngành nghề tương lai…".

* Cần sự đồng hành của phụ huynh

Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn - Tân Mai (P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) Vũ Thị Ni Na chia sẻ: “Trong môi trường giáo dục hiện đại, ngoài kiến thức thì không thể xem nhẹ việc giúp các em hình thành kỹ năng sống tốt, sống có cảm xúc, biết yêu thương và chia sẻ. Khi có kiến thức tốt lại có kỹ năng sống tốt sẽ vận dụng và xử lý tốt các tình huống đặt ra trong cuộc sống. Đơn cử có những vấn đề được xem là nhạy cảm như quan hệ tình dục an toàn, nếu chúng ta cứ né tránh, không trang bị thì rất có thể một ngày nào đó các em sẽ phải trả giá".

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch cho biết, năm học 2023-2024 hoạt động GDKNS tập trung vào trang bị các kỹ năng cần thiết cho học sinh hiện nay. Trong đó, cần thiết nhất là kỹ năng tham gia giao thông an toàn, phòng chống đuối nước, an toàn cháy nổ và sử dụng mạng xã hội, tác hại của thuốc lá nói chung, trong đó có thuốc lá điện tử… Điều đáng mừng là khi đội ngũ giáo viên dạy kỹ năng sống còn thiếu thì các sở, ngành, đặc biệt nhất là Công an tỉnh và các huyện đã nhiệt tình về tận các trường hỗ trợ, do đó nhà trường và học sinh rất phấn khởi.

Mặc dù có nhiều kết quả tích cực nhưng theo Ban giám hiệu nhiều trường phổ thông, hoạt động GDKNS hiện nay vẫn còn thiếu nhiều điều kiện cần thiết để phát triển đúng mức. Chẳng hạn, trong Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 dù dành nhiều dung lượng hơn cho hoạt động GDKNS nhưng nhiều trường vẫn không có điều kiện để triển khai, nhất là ở những trường không đủ lớp học 2 buổi/ngày. Dù là môn trải nghiệm nhưng nhiều giáo viên lại không sáng tạo trong cách dạy khi vẫn nặng về lý thuyết và thiếu thực hành vận dụng.

Bên cạnh đó, nguồn kinh phí tổ chức các sân chơi GDKNS đang thực thực sự “bó buộc" các nhà trường, nhất là các cơ sở giáo dục công lập. Hiệu trưởng một trường THCS ở H.Trảng Bom chia sẻ: “Kinh phí ngân sách cấp cho nhà trường hàng năm chỉ đủ trả lương giáo viên và các hoạt động thường xuyên khác. Muốn tổ chức các hoạt động GDKNS buộc phải huy động nguồn đóng góp của phụ huynh, tuy nhiên muốn có thu thì cũng rất “chật vật" vì nhiều phụ huynh còn khó khăn.

Tác giả: Hoàng Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây