Những mô hình hay trong đồng báo dân tộc thiểu số ở Long Khánh

Thứ năm - 25/01/2024 14:33
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) Thành phố Long Khánh hiện là nơi sinh sống của 12 dân tộc thiểu số với gần 13 ngàn người. Trong số này có 21 cá nhân được công nhận là người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Long Khánh Phạm Văn Hoàng, thời gian qua, nhiều mô hình hay cũng như các cá nhân tiêu biểu trong đồng báo dân tộc thiểu số có đóng góp tích cực với công tác khuyến học, bảo vệ môi trường, tham gia xây dựng địa phương… đã được lựa chọn để tuyên dương gương người tốt việc tốt.

Trưởng ấp Lác Chiếu, xã Bảo Quang Vi Kim Cường tìm hiểu hoàn cảnh của em Thị Ánh Tuyết để từ đó thành viên mô hình Cộng đồng các dân tộc thiểu số tiếp sức đến trường tặng xe đạp cho em
Trưởng ấp Lác Chiếu, xã Bảo Quang Vi Kim Cường tìm hiểu hoàn cảnh của em Thị Ánh Tuyết để từ đó thành viên mô hình Cộng đồng các dân tộc thiểu số tiếp sức đến trường tặng xe đạp cho em

Nhiều mô hình thiết thực trong đồng bào dân tộc thiểu số

Thời gian qua, TP.Long Khánh là địa phương triển khai có hiệu quả mô hình kết nối đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) tham gia vào các phong trào, mô hình xây dựng địa phương. Điều này góp phần thể hiện vai trò của đồng bào DTTS trong bảo tồn văn hóa, phát triển kinh tế và thể hiện trách nhiệm xã hội.

Theo ông Đặng Thanh Hiếu, Trưởng phòng Dân tộc thành phố Long Khánh, năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số tại đây đã vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm ủng hộ trao gần 1,6 ngàn phần quà cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ khó khăn, người già neo đơn, tàn tật với số tiền 585 triệu đồng. Đồng thời, 60 học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, khó khăn có thành tích học tập tốt đã được người có uy tín trong đồng báo dân tộc thiểu số ở địa phương hỗ trợ thường xuyên để đến trường.
Một trong những hoạt động sôi nổi, tích cực của đồng bào các DTTS tại Long Khánh là thể hiện được vai trò, trách nhiệm đối với công tác khuyến học.

Như tại xã Bình Lộc, nhiều năm qua mô hình khuyến học trong cộng đồng người Hoa đã được duy trì đều đặn qua đó giúp nhiều học sinh các dân tộc có thêm điều kiện thuận lợi đến trường. Định kỳ hàng năm, thông qua đóng góp, đồng bào trao từ 100-160 học bổng cùng đồng phục cho học sinh thuộc gia đình khó khăn, trẻ mồ côi. Đồng thời, tại đây còn duy trì mô hình dạy ngoại ngữ miễn phí cho mọi người.

Còn tại xã Bảo Quang, nơi có đông thành phần DTTS sinh sống, như: Chơro, Hoa, Tày, Nùng… đã hình thành mô hình Cộng đồng các DTTS tiếp sức đến trường. Mô hình có 24 thành viên tham gia là đồng bào các dân tộc sinh sống tại địa phương. Từ năm 2018 đến nay, mỗi tháng, từng thành viên tự tiết kiệm trong chi tiêu của gia đình để góp 500 ngàn đồng xây dựng quỹ cho mô hình.

Trước dịp trao tặng quà vào đầu năm học mới, tổng kết năm học hay khi nhận được tin học sinh nào khó khăn cần xe đạp, quần áo, hỗ trợ điều trị bệnh là các thành viên vận động thêm từ người thân, bạn bè. Điều này góp phần lan tỏa tinh thần hỗ trợ học sinh khó khăn trong cộng đồng chứ không riêng gì thành viên mô hình Cộng đồng các DTTS tiếp sức đến trường thực hiện. Em Thị Ánh Tuyết, học sinh lớp 7, Trường THCS Bảo Quang cho hay: “Nhờ có xe đạp các cô chú trong mô hình Cộng đồng các DTTS tiếp sức đến trường tặng mà đoạn đường 3km từ nhà đến trường với con dễ đi hơn”.

Giữ gìn mỹ quan khu dân cư

Cùng với đó, việc thay đổi từ nhận thức đến hành động trong xử lý rác sinh hoạt, trồng cây tạo cảnh quan trong đồng bào dân tộc thiểu số cũng được cải thiện tích cực. Theo Trưởng ấp Lác Chiếu (xã Bảo Quang) Vi Kim Cường, ấp có 3,4 ngàn người. Trên 50% dân số ấp là đồng bào Chơro, còn lại là các DTTS khác. Đời sống của bà con chủ yếu làm nông nghiệp nên khu vực ruộng rẫy trên địa bàn rất nhiều, nhiều khu vực vắng vẻ dễ trở thành những điểm tập kết rác tự phát. Rồi chai lọ thuốc trừ sâu, phân bón sau khi nông dân sử dụng là nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước, không khí nghiêm trọng.

Vậy nên tùy vào thực tế mà định kỳ hàng tuần hay hàng tháng bà con trong ấp cùng nhau thu gom rác, phát quang dọc các tuyến đường. Những đoạn mương bị sụt lún được bà con khơi thông dòng chảy. Với nông dân, ban ấp yêu cầu phải thu gom chai lọ, bao bì thuốc trừ sâu để đúng nơi quy định sau khi sử dụng để không ảnh hưởng đến chính mình cũng như người khác.

Ngoài ra, nếu trước đây, bà con có thói quen xử lý rác thải sinh hoạt, động vật chết là thả trôi theo các dòng suối hay nơi nào vắng vẻ thì đem đến đó vứt. Hay trong quá trình chăn nuôi không chú ý đến việc thu gom chất thải mà để tràn lan. Nhưng hiện nay, điều này đã có nhiều thay đổi tích cực và đồng bào chủ động tham gia làm đẹp ngõ, sạch nhà.
Theo ông Nguyễn Minh Cần, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Hàng Gòn (xã Hàng Gòn), ấp là nơi tập trung đồng bào dân tộc Chơro sinh sống với 150 hộ. Gia đình nào cũng có thiết bị nghe nhìn, liên lạc nên việc tuyên truyền, vận động cũng thuận tiện hơn. Để làm đẹp cho khu đồng bào sinh sống, thông qua hỗ trợ của chính quyền địa phương, bà con tại đây trồng hoa, cây xanh dọc từng tuyến đường. Mỗi gia đình nhận trách nhiệm chăm sóc cây trước nhà mình.

Riêng với việc thu gom rác, nhà nào nằm trên đường xe dịch vụ công ích đi qua làm dịch vụ thì đăng ký và đóng tiền thu gom rác hàng tháng. Nhà nào xe chưa đến thì tự đào hố sau vườn để gom rác và có cách xử lý tại chỗ. Nhờ vậy mà tình trạng từng ụ rác lớn xuất hiện trong những đoạn đường rẫy vắng trên địa bàn giảm hẳn.

Tác giả: Nguyễn Vân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây