Những cựu chiến binh vượt khó làm giàu

Chủ nhật - 29/07/2018 21:26
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Sau khi xuất ngũ trở về cuộc sống đời thường, nhiều cựu chiến binh (CCB) tại xã Bảo Vinh, TX. Long Khanh đã bắt tay vào sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống. Mặc dù gặp không ít khó khăn, nhưng với bản lĩnh của người lính cụ Hồ đã giúp họ vượt qua tất cả và trở thành những tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế gia đình.​

Nỗ lực vươn lên

Đến thăm gia đình CCB Huỳnh Thị Phượng (61 tuổi, thương binh 3/4, ấp Bảo Vinh A), nhiều người cảm phục tấm gương vượt khó vươn lên làm giàu trên vùng đất Long Khánh. Bà Phượng sinh ra và lớn lên tại quê hương Bình Định. Bà từng tham gia bộ đội tại đơn vị 309, thuộc Quân khu 7; sau đó đi chiến trường K (hỗ trợ nước bạn tại chiến trường Campuchia), bị thương với tỷ lệ 41% (hiện một số mảnh bom vẫn còn nằm trong người). Cuối năm 1982, bà xuất ngũ, trở về quê nhà.

Tuy nhiên, cuộc sống ở quê khó khăn, năm 1984, bà Phượng đã cùng người thân vào Đồng Nai tìm nơi tạo dựng cơ nghiệp. Đến xứ người với nhiều cái không: không tài sản, không nghề nghiệp, không nhà cửa, đất đai…, bà xin ở nhờ nhà người khác để hằng ngày đi làm thuê kiếm sống. Năm 1988, bà gặp người cùng cảnh ngộ đi làm thuê là ông Trương Công Lý (quê Hà Tĩnh, hiện 64 tuổi, Phó chủ tịch Hội CCB, kiêm Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Bảo Vinh) và hai người đã nên nghĩa vợ chồng.


 Cựu chiến binh Huỳnh Thị Phượng (thứ tư, từ trái sang phải) trong chuyến tham quan tại Hà Nội do Tỉnh hội tổ chức mới đây.

Sau khi cưới nhau, vợ chồng bà Phượng tiếp tục đi làm thuê dành dụm tiền, đồng thời vay mượn thêm để mua 2,5 sào đất. Hai vợ chồng dùng một góc nhỏ của mảnh đất để dựng lều ở, phần đất còn lại trồng tiêu, cà phê, rau và làm chuồng để nuôi heo. Ngoài ra, bà còn mượn đất ruộng bỏ trống của người dân xung quanh để cải tạo và trồng đủ các loại: nấm rơm, đậu, dưa, bí, ớt… để tăng thêm thu nhập. Hằng ngày, cứ đúng 3 giờ sáng, hai vợ chồng bà thức dậy đi ra đồng làm việc đến tối mịt mới về. Nhờ chăm sóc kỹ, vườn cây của gia đình trở nên tươi tốt và cho năng suất cao.

Ngoài ra, từ một cặp heo mua trả góp ban đầu (47.000 đồng/cặp) đã được bà Phượng nuôi nhân lên thành đàn với 6 heo nái và hàng chục heo thương phẩm. “Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai”, gia đình bà bắt đầu ăn nên làm ra, trả hết nợ, mua thêm 1,1 ha đất ruộng trồng lúa 3 vụ/năm. Năm 1996, cuộc sống bắt đầu khá giả, vợ chồng bà mua thêm đất ở ngoài đường lớn của xã, xây dựng nhà cửa kiên cố và ở ổn định từ đó đến nay.

CCB Vũ Văn Dũng (sinh năm 1960, bệnh binh 2/3, ngụ ấp Suối Chồn) cũng là tấm gương sáng về tinh thần khắc phục khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, khác với bà Phượng, ông Dũng lại thành công với mô hình trồng nấm mèo với thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.


Cựu chiến binh Vũ Văn Dũng và mô hình trồng nấm mèo của gia đình.

Ông Dũng cho biết, ông sinh ra tại tỉnh Hưng Yên và tham gia bộ đội từ năm 1978. Ông được phân công vào khóa huấn luyện 4 tháng tại Tiểu đoàn căn cứ Sân bay Biên Hòa (TP. Biên Hòa), sau đó được điều ra TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) học sĩ quan 3 năm. Năm 1981, ông được điều ra công tác tại Sân bay Kép (thuộc Trung đoàn 927, Sư đoàn 371 Không quân) với nhiệm vụ trực chiến biên giới tại tỉnh Bắc Giang. Năm 1990, trong một lần tham gia huấn luyện cùng đồng đội, do sơ suất nên ông đã bị thương với tỷ lệ mất sức 70%. Sau đó, ông xin nghỉ công tác và về quê lấy vợ, sinh con.

Một lần, ông Dũng quay trở lại Đồng Nai, thấy đất đai ở đây rộng rãi và có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế. Trở về, ông chia sẻ câu chuyện với vợ và cả hai cùng đồng lòng vào Đồng Nai (chỗ ở hiện nay) lập nghiệp từ năm 1998. “Thời gian đầu chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn vì vốn liếng không nhiều, nghề nghiệp chưa có, chưa định hình là phải làm gì, nên đôi lúc cũng nản… Nhưng rồi, vợ chồng động viên nhau và kiên trì tìm việc làm để vươn lên”, ông Dũng kể.

Vợ chồng ông Dũng vay mượn tiền mua mảnh đất rộng 150m2 (trị giá 50 triệu đồng) để mở quán bán tạp hóa, phần đất phía sau dùng làm chuồng nuôi heo. “Chúng tôi làm ăn gặp nhiều may mắn, làm gì cũng trúng mùa, được giá. Lúc bấy giờ, nuôi heo có lời lắm, một con heo thịt bán lời 1 chỉ vàng, 10 con thì lời cả cây vàng. Nhờ đó mà cuộc sống gia đình dần đi vào ổn định”, ông Dũng tâm sự.

Không dừng lại ở đó, năm 2007, thấy nghề trồng nấm mèo ở TX. Long Khánh phát triển và đem lại hiệu quả cao nên ông Dũng học hỏi làm theo. Khi nắm vững quy trình sản xuất, ông đã mạnh dạn mua thêm 3 sào đất để trồng nấm mèo. Theo ông, một năm gia đình trồng 3 lứa, mỗi lứa treo 60.000 bịch nấm và chăm sóc khoảng 2 tháng là cho thu hoạch. Nếu thu hoạch trúng vào thời điểm giá nấm cao thì ông lời từ 200 - 250 triệu đồng/năm, còn giá nấm thấp thì ông cũng lời từ 70 - 100 triệu đồng/năm. Nhờ thu nhập từ nghề trồng nấm, buôn bán, chăn nuôi heo mà ông có điều kiện lo cho 2 người con (một trai, một gái) học đại học, ra trường ai cũng có việc làm ổn định với mức thu nhập cao.

Tình đồng chí, đồng đội

Chủ tịch Hội CCB xã Bảo Vinh Hoàng Xuân Việt cho biết, trong những ngày đầu mới thành lập, Hội CCB xã chỉ có vài chục hội viên, nhưng đến nay số lượng hội viên đã tăng lên 172 người và được chia thành 5 chi hội tại các ấp; trong đó, hội viên được hưởng các chế độ chính sách chiếm 40%. 

Thời gian qua, Hội luôn quan tâm đến đời sống của các hội viên, đến từng gia đình để thăm hỏi và động viên, hỗ trợ kịp thời, nhất là những hội viên được hưởng các chế độ chính sách. Hội cũng đã thành lập Câu lạc bộ CCB sản xuất giỏi và hiện đã đi vào hoạt động ổn định. Mục đích thành lập câu lạc bộ nhằm tập hợp, khuyến khích, động viên các CCB còn sức khỏe tiếp tục tăng gia sản xuất; tham gia các hội thảo khoa học kỹ thuật để biết cách làm kinh tế sao cho đạt hiệu quả cao. Câu lạc bộ còn kết hợp các quỹ tín dụng, ngân hàng chính sách xã hội để tạo điều kiện cho bà con vay vốn đầu tư vào sản xuất.

Bên cạnh đó, Hội CCB còn thành lập Tổ hợp tác để liên doanh, liên kết làm ăn. Nhờ đó, hội viên có điều kiện thuận lợi để làm ăn và vươn lên trong cuộc sống. Hiện số hội viên có kinh tế khá giả chiếm đến 60%, còn lại là trung bình, không có hộ nghèo. “Một số đồng chí tuy thương tật nhưng vẫn phấn đấu làm kinh tế giỏi và trở thành điển hình của Hội, như: bà Huỳnh Thị Phượng, ông Vũ Văn Dũng, ông Vũ Xuân Viêu… Họ là những tấm gương “đầu tàu” để động viên những hội viên khác noi theo”, ông Việt nói.

Tích cực tham gia các phong trào của địa phương

Chủ tịch Hội CCB xã Bảo Vinh Hoàng Xuân Việt cho hay, ngoài siêng năng lao động, làm kinh tế giỏi, các hội viên còn tích cực tham gia các phong trào của địa phương. Cụ thể, năm 2012, xã phát động phong trào xây dựng nông thôn mới thì Hội CCB là lực lượng nòng cốt, tích cực vận động người dân, mạnh thường quân hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng; làm một số tuyến đường giao thông theo chuẩn “sáng - xanh - sạch - đẹp” trên địa bàn... Ngoài ra, Hội còn thành lập Câu lạc bộ phòng chống tội phạm và duy trì đều đặn, hiệu quả trong nhiều năm nay. “Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nhân rộng những mô hình đã làm được để các đoàn thể khác tham khảo; tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đặc biệt, Hội tiếp tục quan tâm để nâng cao hơn nữa đời sống hội viên”, ông Việt cho biết thêm.

Thành Nhân

Tác giả: Lê Thành Nhân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây