(CTT-Đồng Nai) - Đảm bảo thực hiện đúng - đủ - kịp thời chính sách dành cho người có công với cách mạng là một trong những nhiệm vụ được huyện Thống Nhất thực hiện có hiểu quả. Đồng thời, địa phương cũng huy động, kết nối được sự chung tay từ cộng đồng để thực hiện tri ân gia đình chính sách có công bằng vật chất lẫn tinh thần.
Đảm bảo không bỏ sót người có công thụ hưởng chính sách
Huyện Thống Nhất hiện có 552 đối tượng hưởng chính sách người có công với cách mạng, trong số này có 3 Mẹ Việt Nam anh hùng.
Để thực hiện tốt Đề án xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, trong những năm qua huyện tổ chức lễ Truy điệu và an táng 5 hài cốt liệt sỹ chưa biết tên. Các liệt sỹ được an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Trảng Bom.
Đồng thời, để giải quyết dứt điểm các trường hợp tồn đọng về xác nhận, công nhận người có công, đặc biệt đối với liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ, người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền, rà soát, hướng dẫn, kiến nghị giải quyết chế độ người có công. Kết quả, 2 Mẹ Việt Nam Anh hùng được phong tặng, 21 người được truy tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng và 29 gia đình được tặng Huân chương độc lập.
Đặc biệt từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã và đang triển khai đồng loạt xây, sửa nhà cho người có công. Mục tiêu của chương trình là không để gia đình người có công nào phải sống trong những mái ấm thiếu vững chắc, hư hại. Việc làm này đã được cộng đồng và nhất là những gia đình người có công ghi nhận, trân trọng.
Trong đó, huyện Thống Nhất có 245 trường hợp nhận được chính sách hỗ trợ này của nhà nước. Gia đình bà Trần Thị Thanh Hoa (con gái của liệt sĩ, xã Lộ 25) là 1 trong số gia đình người có công của tỉnh được hỗ trợ tiền xây, sửa chữa nhà ở. Gia đình bà được nhận số tiền 40 triệu đồng từ chương trình. Tuy không đủ xây được căn nhà, nhưng chính sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước dành cho gia đình bà đã tạo nên đòn bẩy rất lớn làm thay đổi số phận. Bởi khi biết ý định của gia đình xây nhà của bà Hoa, bà con hàng xóm đã đến để góp ý và cho vay thêm tiền để làm nhà. Trong quá trình xây dựng bà con ai cũng mang quà đến tặng với cà phê, gạo, thức ăn... để nấu cho thợ xây dựng ăn uống hàng ngày. Ngày vào nhà mới, chính quyền địa phương, hàng xóm đến trao cho chúng tôi những vật dụng cần thiết.
Ngoài ra, hàng tháng, huyện thực hiện chi trả trợ cấp kịp thời cho các đối tượng có công với cách mạng, tổng số tiền 20 năm qua là hơn 170 tỷ đồng. Riêng trong những dịp lễ 27-7, Tết Nguyên đán, UBND huyện hướng dẫn UBND các xã, thị trấn tặng quà cho 43 ngàn lượt đối tượng người có công với cách mạng với tổng kinh phí hơn 14 tỷ đồng. Ngoài thực hiện chính sách trợ cấp hàng tháng, điều dưỡng, cấp dụng cụ chỉnh hình theo quy đinh, huyện còn làm cấp tiền ưu đãi trong giáo dục và đào tạo cho gần 1,7 ngàn lượt học sinh, sinh viên là con của người có công với cách mạng với tổng số tiền là 6,3 tỷ đồng.
Kết nối nguồn lực xã hội tri ân người có công
Bên cạnh đảm bảo chế độ chính sách dành cho người có công được thực hiện xuyên suốt, liền mạnh, huyện Thống Nhất cũng đã đẩy mạnh và huy động được nguồn lực cộng đồng cùng quan tâm, chăm sóc người có công với cách mạng.
Cụ thể, hiện mỗi xã, thị trấn đang tiếp tục đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công”. Đến nay 10/10 xã, thị trấn của huyện được công nhân đạt “xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công”.
Như trường hợp ông Nguyễn Văn Liên (xã Bàu Hàm 2) nhiều năm qua đã tự nguyện thờ cúng Mẹ Việt Nam Anh hùng cùng 3 liệt sĩ đã không còn người thân. Cộng đồng người Hoa tại xã Bàu Hàm 2 cũng đã xây dựng miếu thờ liệt sĩ. Mỗi dịp 27-7 và Tết Nguyên đán, bà con tại đây cùng tổ chức lễ tưởng niệm, dâng hương, tổ chức bữa cơm cúng giỗ cho liệt sĩ…
Ngoài ra, nhiều gia đình chính sách có công còn duy trì việc trợ giúp cho đồng bào khó khăn. Thời gian qua, gia đình thương binh Trần Ngọc Hòa (xã Bàu Hàm 2) rất quan tâm đến những hoàn cảnh kém may mắn trong cộng đồng. 15 năm qua, gia đình này đã trợ cấp thường xuyên cho 8 gia đình nghèo, hộ neo đơn với số tiền 600 ngàn đồng/hộ/quý.
Mỗi năm, UBND huyện vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” với số tiền trên 70 triệu đồng để hỗ trợ xây, sửa nhà, thăm hỏi, ốm đau bệnh tật động viên gia đình chính sách người có công trên địa bàn. Hay thông qua sự vận động của UBND huyện Thống Nhất, Trường đại học Nguyễn Huệ đã tiến hành trao tặng số tiến 140 triệu đồng để xây dựng 2 căn nhà tình nghĩa cho người có công tại xã. Hiện các Mẹ Việt Nam Anh hùng đều được nhận phụng dưỡng hàng tháng đến trọn đời do các cơ quan, đơn vị phụ trách.