Học sinh làm giấy trầm

Thứ hai - 21/08/2023 09:16
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

​(CTT-Đồng Nai) Huyện Tân Phú là địa phương có hàng trăm cơ sở sản xuất trầm hương, trong đó phụ phẩm của quá trình chưng cất trầm hương là bã trầm. Tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn này, 2 chị em Trần Ngọc Thanh Thùy và Trần Ngọc Thùy Trâm (học sinh Trường THCS Quang Trung, TT.Tân Phú, H.Tân Phú) đã lên ý tưởng và nghiên cứu quá trình sản xuất giấy trầm. Loại giấy này có tính năng chống thấm nước, chịu nhiệt và có thể tái sử dụng.

Giải pháp nghiên cứu này đã xuất sắc vượt qua nhiều vòng thi và đoạt giải nhất cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên - nhi đồng tỉnh Đồng Nai năm 2023.

Tận dụng nguyên liệu bã trầm

Ông Trương Thanh Khoan, một “nhà khoa học nông dân" nổi tiếng của Đồng Nai. Không chỉ tạo ra chế phẩm sinh học để tạo trầm từ cây dó bầu, ông còn có xưởng chưng cất trầm hương để xuất khẩu tinh dầu trầm, nước cất trầm hương và chế tác trầm kiểng. Những sáng chế của ông đã góp phần nâng cao thương hiệu trầm hương của H.Tân Phú.

Ông Khoan là ông ngoại của Thanh Thuỳ và Thuỳ Trâm. Vì vậy, Thuỳ, Trâm đã được trực tiếp chứng kiến quy trình sản xuất các sản phẩm từ trầm hương, hiểu được giá trị kinh tế của loại cây này. Dưới sự hướng dẫn của mẹ (là giáo viên dạy Hóa học), chị em Thùy, Trâm đã cùng nghiên cứu để tạo nên giấy trầm.

d77e31a87e69ac37f578.jpg?t=1752814360

Trần Ngọc Thanh Thùy (trái) và Trần Ngọc Thùy Trâm thử nghiệm độ chịu nhiệt, chống thấm của giấy trầm. Ảnh: H.GIANG

Thanh Thùy chia sẻ: “Bã trầm hương là sản phẩm phụ của quá trình chưng cất trầm hương. Để tạo nên tinh dầu trầm, người ra đem xay nhỏ cây trầm hương (tức là cây dó bầu đã có trầm) rồi đem chưng cất ở nhiệt độ từ 90-1000 độ C trong thời gian 8-12 giờ. Sản phẩm của quá trình chưng cất này là tinh dầu trầm và nước cất trầm hương còn bã trầm trở thành phụ phẩm. Phụ phẩm này có thể tận dụng để làm nhang trầm (vì khi bị đốt cháy bã trầm cháy âm ỉ không bùng cháy thành ngọn lửa lớn như gỗ khác) hoặc dùng để ủ gốc cho cây vì bã trầm có độ ẩm cao nên giữ nước và thấm nước tốt".

Ngoài ra, do bã trầm chứa một lượng lớn cellulose nên có thể trở thành nguyên liệu quan trọng trong sản xuất giấy. Do vậy, chị em Thùy đã nảy ra ý định sẽ làm giấy từ bã trầm. Chị Trương Thị Trâm Anh vốn là một giáo viên đam mê nghiên cứu và từng hướng dẫn nhiều học trò tham gia các sân chơi khoa học nên có nhiều kinh nghiệm để hướng dẫn 2 học trò đặc biệt này.

Theo đó, Thùy, Trâm đã được hướng dẫn phân tích và so sánh thành phần chất cellulose trong bã trầm so với các loại cây được dùng để sản xuất giấy khác. Kết quả cho thấy, tuy lượng cellulose trong bã trầm hương không nhiều hơn các vật liệu tự nhiên có sẵn tại địa phương nhưng tỷ lệ chất không cháy lại cao hơn các vật liệu khác. Vì vậy, việc sử dụng bã trầm hương để sản xuất giấy không cháy là một giải pháp góp phần cho việc giảm thiểu sự lãng phí tài nguyên và tác động tiêu cực đến môi trường.

Khả năng ứng dụng cao

Ngoài khả năng chịu nhiệt cao, chị em Thanh Thùy còn muốn làm ra loại giấy trầm có thể chống thấm tốt bởi hiện nay trên thị trường rất khó tìm được loại giấy “2 trong 1" này, nếu có thì giá thành cũng rất cao.

Để làm được điều đó, 2 em đã nghiên cứu quy trình loại bỏ các chất dễ cháy trong bã trầm hương, phối hợp với các chất liệu chống nhiệt, chất liệu chống cháy có nguồn gốc từ thiên nhiên khác để tạo ra một loại giấy trầm tích hợp được các đặc tính chống thấm, chống cháy và không bắt lửa cho giấy. Với đặc tính này, giấy còn có khả năng tái sử dụng để tránh lãng phí.

Sau quá trình tìm hiểu, 2 em phát hiện, ngoài nguyên liệu chính là bã trầm thì hạt của quả bơ cũng có chứa một số lượng chất không cháy tự nhiên, an toàn và thân thiện với môi trường. Đây cũng là nguyên liệu dễ tìm ở địa phương. Sau một thời gian nghiên cứu, 2 chị em đã tạo được giấy trầm và đem thử nghiệm. Kết quả, loại giấy này có thể bị cháy khi đốt trực tiếp trên ngọn lửa nhưng khó bị cháy khi đốt gián tiếp; khả năng chịu nhiệt (nóng và lạnh) của giấy trầm cao; giấy có khả năng tái sử dụng được nhưng cần sử dụng vật mềm để lau chùi bề mặt.

242911b25e738c2dd562.jpg?t=1752814360

Gỗ trầm: Từ nguồn bã trầm hương có sẵn ở địa phương, hai học sinh Trần Ngọc Thanh Thuỳ và Trần Ngọc Thuỳ Trâm đã nảy ra ý tưởng làm giấy trầm (trong ảnh, hai em khảo sát, tìm nguyên liệu làm giấy)

Đây là thành quả rất đáng khích lệ bởi giấy trầm là một sản phẩm mới, chưa được bán trên thị trường. “Giấy trầm có màu trắng ngà, mùi thơm nhẹ của trầm hương, mặt giấy trơn bóng do có phủ sáp lên bề mặt giấy. Giấy trầm có khả năng tái sử dụng nhiều lần, giúp tiết kiệm chi phí khi sử dụng"- Thùy Trâm cho hay.

Giấy làm từ bã trầm hương nên có mùi thơm nhẹ của trầm hương và có màu trắng ngà. Giấy có khả năng chịu nhiệt và chống thấm tốt nên có thể dùng để làm nhiều sản phẩm gia dụng, trang trí, thủ công mỹ nghệ…

Sau khi làm thành công giấy trầm, Thùy và Trâm đã thử làm các sản phẩm từ giấy trầm như: ly, tô, túi… để đựng các loại thực phẩm nóng/lạnh tại gia đình. Ngoài ra, giấy này còn có thể dùng để làm đồ trang trí nội thất như: đèn lồng, màn cửa, giá đỡ…

Với những tính năng chống thấm, chịu nhiệt và có độ trơn bóng, giấy trầm có thể ứng dụng để sản xuất giấy dán tường dùng trong ngành vật liệu xây dựng, góp phần nâng cao giá trị cho ngành sản xuất trầm hương ở địa phương.

Tác giả: Hoàng Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây