(CTT-Đồng Nai) - Năm 2004, H.Trảng Bom được thành lập trên cơ sở tách từ H.Thống Nhất (cũ). Từ một huyện nông nghiệp với ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất, đến nay, H.Trảng Bom đã chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế- xã hội theo hướng công nghiệp, dịch vụ.
Việc thu hút hàng trăm ngàn người dân từ nơi khác đến để làm việc tại các cụm công nghiệp, khu công nghiệp tạo ra nguồn nhân lực dồi dào cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương, song cũng đặt ra không ít thách thức cho các lĩnh vực văn hóa – xã hội, đặc biệt là Y tế, Giáo dục. Để đáp ứng nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, huyện cần tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa, hướng tới trở thành thị xã trong tương lai.

Người dân huyện Trảng Bom thanh toán online sau khi mua hàng tại siêu thị trên địa bàn huyện
Người dân huyện Trảng Bom thanh toán online sau khi mua hàng tại siêu thị trên địa bàn huyện
Tập trung phát triển Y tế, Giáo dục
Với số lượng học sinh cơ học tăng nhanh gây sức ép đến cơ sở vật chất, trường lớp, những năm qua, lãnh đạo H.Trảng Bom đã quan tâm chỉ đạo tập trung đầu tư cơ sở vật chất trường công lập, khuyến kích đầu tư trường ngoài công lập theo hướng kiên cố, khang trang, hiện đại.
Đến nay, mạng lưới trường lớp trên địa bàn huyện đã phát triển rộng khắp 17/17 xã, thị trấn với đầy đủ các cấp học, ngành học và nhiều loại hình. Trong đó dó 1 trường Đại học, 2 trường Cao đẳng nghề thuộc UBND tỉnh và Trung ương quản lý, 1 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Bên cạnh đó, có nhiều cơ sở dạy nghề do các thành phần kinh tế khác quản lý, đã cơ bản đáp ứng được định hướng chiến lược phát triển GD-ĐT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
So với 20 năm trước, số trường công lập tăng 9 trường, số trường ngoài công lập tăng 16 trường, số nhà nhóm trẻ tư thục tăng 74 nhà nhóm; số học sinh tăng hơn 42 ngàn em. Số trường chuẩn quốc gia cũng tăng từ 2 trường (năm 2004) lên 59/75 trường vào năm 2023. Công tác xã hội hóa giáo dục đến đầu năm 2023 đạt khoảng 230 tỷ đồng với tổng 140 phòng học, trang thiết bị.
Xác định nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng GD-ĐT, H.Trảng Bom đã quan tâm phát triển về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên. Năm học 2022-2023, toàn huyện có 4.570 cán bộ, giáo viên, nhân viên khối công lập và tư thục, tăng hơn 2,4 ngàn người so với 20 năm trước. Trình độ chuyên môn của giáo viên ngày càng được nâng cao và chuẩn hóa. Chất lượng giáo dục sau 20 được nâng lên rõ rệt ở các cấp học kể cả chất lượng giáo dục toàn diện và chất lượng mũi nhọn, tỷ lệ học sinh yếu, kém giảm dần theo từng năm.
Trên lĩnh vực Y tế, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân, nhất là khám chữa bệnh BHYT, giáo dục sức khỏe cộng đồng được tăng cường. Nhờ đó mà tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng chiều cao và cân nặng đều giảm mạnh so với những năm đầu huyện mới thành lập. Các chương trình mục tiêu quốc gia về Y tế như: tiêm chủng mở rộng, dân số - kế hoạch hóa gia đình, BHYT được thực hiện có hiệu quả, đạt nhiều kết quả đáng kích lệ. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 92,1%, cao hơn mức bình quân của cả tỉnh.
Mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở tiếp tục được củng cố và phát triển. Ngoài 1 Trung tâm y tế đa chức năng, huyện còn có 17 trạm y tế, 128 cơ sở hàng nghề y và 481 cơ sở hàng nghề dược tư nhân. Qua đó nhằm đa dạng các loại hình khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn.

Nhóm học sinh Trường THCS Nguyễn Công Trứ, H.Trảng Bom đạt giải nhì cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng cấp quốc gia năm 2023
Nhóm học sinh Trường THCS Nguyễn Công Trứ, H.Trảng Bom đạt giải nhì cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng cấp quốc gia năm 2023
Đảm bảo an sinh xã hội, đời sống tinh thần của người dân
H.Trảng Bom có trên 95 di tích kiểm kê phổ thông (chủ yếu là các di tích tôn giáo), trong đó có 2 di tích xếp hạng cấp tỉnh là Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa (U1) (tại xã Thanh Bình) và Bia chiến thắng Yếu khu quân sự Trảng Bom (tại TT.Trảng Bom).
Công tác bảo tồn di tích và phát huy văn hóa truyền thống đã đạt được nhiều dấu ấn đáng ghi nhận. Một số giá trị văn hóa, hoạt động văn nghệ dân gian tiếp tục được giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Phong trào văn nghệ đa dạng, phong phú, nhất là các hoạt động văn nghệ quần chúng.
Các hoạt động thể dục thể thao trên địa bàn huyện phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng. Hàng năm, huyện tổ chức nhiều giải thể thao quần chúng cấp huyện, tham gia các giải thể thao cấp tỉnh và toàn quốc. Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” tiếp tục được đẩy mạnh, phát triển sâu rộng, đã trở thành các hoạt động thường xuyên, định kỳ trong các trường học, các cơ quan, đơn vị, trong lực lượng vũ trang.
Hệ thống thiết chế văn hóa trên toàn huyện được tăng cường đầu tư xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hoá tinh thần của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện, nhất là nhân dân các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Các tuyến du lịch trên địa bàn huyện gắn với phát huy các giá trị của di tích như: Khu di tích căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1; Bia chiến thắng Yếu khu quân sự Trảng Bom; Công viên Văn hóa Hùng Vương và 2 địa điểm du lịch là Thác Giang Điền và Thác Đá Hàn hiện đang khai thác các hoạt động du lịch, phục vụ khách tham quan. Bên cạnh đó, đã xây dựng chuyên mục Du lịch Trảng Bom trên trang thông tin điện tử huyện, Fanpage Khám phá Trảng Bom phục vụ cho công tác truyền thông quảng bá du lịch Trảng Bom.
So với những năm đầu thành lập, đến nay tình hình an sinh xã hội trên địa bàn H.Trảng Bom đã được quan tâm thực hiện tốt, trong đó trọng tâm là giảm nghèo, chăm lo các đối tượng chính sách, người có công, hộ nghèo.
Hàng năm, ngân sách huyện đã ủy thác sang Ngân hàng chính sách xã hội để phục vụ cho vay đối với các hộ nghèo. Đồng thời chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các hộ nghèo về cách làm ăn để họ tự vươn lên thoát nghèo. Cuối năm 2004, huyện có 233 hộ nghèo, chiếm 0,67% so với tổng số hộ dân. Bằng nhiều nỗ lực, đến cuối năm 2022, toàn huyện có 394 hộ nghèo, chiếm 0,37% tổng số hộ dân. Tổng số hộ cận nghèo còn 12 hộ/105.865 hộ toàn huyện. Đây là kết quả đáng khích lệ và cần được tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn nữa.
Công tác lao động - việc làm luôn được đảm bảo. Giai đoạn 2004-2022, huyện đạt khoảng 52 ngàn lao động, trong đó đào tạo sơ cấp nghề cho lao động nông thôn là 8.816 lao động (đạt và vượt chỉ tiêu tỉnh giao hàng năm), đào tạo từ trung cấp nghề trở lên tăng từ 12,11% lên 20,2% năm 2022; hơn 80% lao động sau học nghề đã được giải quyết việc làm; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 42,12% lên 70,5%.
Công tác phòng, chống HIV/AIDS, tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn dân cư, các cơ quan, doanh nghiệp, trường học được đẩy mạnh. Hiện, Trảng Bom có 16/17 xã, thị trấn đạt xã, thị trấn làm tốt công tác phòng, chống tệ nạn xã hội. Chăm sóc sức khỏe trẻ em trong những năm qua đều đạt và vượt các chỉ tiêu kế họach đề ra, 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp phát thẻ khám, chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế công lập. Đồng thời, can thiệp và hỗ trợ kịp thời các đối tượng trẻ em như: Trẻ em bị đuối nước, trẻ bị bỏ rơi, bị xâm hại, lang thang, trẻ em lao động sớm...