Đổi thay ở vùng giáp ranh

Thứ sáu - 09/12/2022 14:38
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
“Dân ở xóm lò gạch và xã Đức Tín (Huyện Đức Linh) sống rất tình cảm. Khi có cầu Bến Thuyền nhưng không có điện, internet thì dân bên đó cho dân bên này kéo nhờ đường dây. Nhờ đường dây hạ thế của họ mà chúng tôi khoan giếng tưới tiêu, sinh hoạt” - Trưởng khu dân cư 9, ấp 5, xã Gia Canh LÊ THỊ NGA bộc bạch.
Xóm lò gạch (khu dân cư 9, ấp 5, xã Gia Canh, H.Định Quán), có vị trí giáp ranh xã Đức Tín (H.Đức Linh, tỉnh Bình Thuận), ven sông La Ngà, trước đây là một xóm lao động nghèo, đời sống người dân rất khó khăn.

Cầu Bến Thuyền nối liền 2 bờ sông La Ngà giữa xóm lò gạch với ấp Tư Tế, xã Đức Tín (H.Tánh Linh)
Cầu Bến Thuyền nối liền 2 bờ sông La Ngà giữa xóm lò gạch với ấp Tư Tế, xã Đức Tín (H.Tánh Linh)

Từ khi cầu Bến Thuyền xây dựng năm 2018 nối liền xóm lò gạch với xã Đức Tín bằng con đường bê tông nhựa Cao Cang ra tới trung tâm xã Gia Canh và trung tâm H.Định Quán, đời sống của nhiều hộ dân nơi đây có nhiều chuyển biến.

* Chuyện về xóm lò gạch ven sông

Trước đây, khi đường Cao Cang chưa được xây dựng, con đường này là đường mòn xuyên qua những cánh đồng mía, rừng phòng hộ Tân Phú và người dân gọi tên nó là đường vào xóm lò gạch, 9 hộ dân quê ở tỉnh Hà Tây (nay thuộc TP.Hà Nội) sinh sống tại đây chỉ có niềm vui duy nhất là xem nhờ tivi đen trắng của Trạm thủy văn Phú Hiệp. Đồng thời, trạm thủy văn còn là nơi để bà con vào lánh nạn khi voi rừng kéo vào phá xóm nghèo.

Bà Trần Thị Viễn (83 tuổi, ngụ xóm lò gạch) nhớ lại, năm 1979, khi vợ chồng bà vào đây lập nghiệp, bám lò gạch để mưu sinh, xung quanh khu vực này chỉ là rừng và rẫy. Mỗi lần ra bên ngoài mua sắm thứ gì đó, bà phải chờ đò vượt sông La Ngà qua xã Đức Tín (Huyện Đức Linh) hoặc lội bộ theo đường mòn trên 15 km mới tới được chợ xã Gia Canh. Ngày ấy ai có chiếc xe đạp thồ là thuộc hàng khá giả nhất xóm.

Xóm lò gạch của bà Viễn lúc đó có khoảng 30 hộ là dân tứ xứ từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước về đây bám lò gạch làm thuê, làm mướn. Năm 1990, lò gạch ở đây bị “xóa sổ” vì làm ăn thua lỗ nên trên 2/3 số dân tản mác đi nơi khác lập nghiệp. Xóm lò gạch chỉ còn 9 hộ quê tỉnh Hà Tây nhưng có tới 6 hộ là những người mẹ đơn thân, góa bụa vẫn kiên trì bám trụ trong cái khó nghèo, không đường, điện cho tới ngày cầu Bến Thuyền và đường Cao Cang được trải nhựa vào 2 năm 2018 và 2019.

“Do đất sản xuất ít, xấu, không trồng được cây gì ngoài cây mía, cây mì, điều, nhất là mỗi năm phải gánh chịu thêm nạn ngập lụt khi nước sông La Ngà dâng cao, thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô, voi rừng phá hại cây trồng nên với bà con nơi đây lo cho cái bụng no ngày ba bữa là mừng” - bà Trần Thị Viễn bày tỏ.

Nói về nỗi nhọc nhằn của những người mẹ góa bụa nơi xóm lò gạch, bà Lê Thị Nga (Trưởng khu dân cư 9) cho biết, bà cũng là mẹ đơn thân bám lò gạch, vùng đất này để mưu sinh. Trước cảnh một nách 2 con thơ khi lò gạch xóa sổ, bà đi nhiều nơi làm thuê, làm mướn để nuôi con ăn học.

* Cuộc sống đổi thay khi có cầu và đường

Đến giữa tháng 11-2022, xóm lò gạch có 13 nóc nhà xây. Những nóc nhà mới này đều là con em các gia đình xóm lò gạch khi lập gia đình ra ở riêng. “Nhờ phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh, huyện, xã nên các hộ dân bám trụ xóm lò gạch đều đã khá giả. Việc học của trẻ em trong xóm rất thuận tiện; đường, điện đều về tận xóm” - Trưởng khu dân cư Lê Thị Nga cho hay.

Anh Út Tòng, người dân xóm lò gạch cho hay: “Từ ngày có cầu Bến Thuyền, đường nhựa Cao Cang, khi nhà có đám tiệc hay khách đến, chỉ cần gọi điện thoại là thức ăn nóng hổi mang tới tận nhà. Chứ không như trước kia, xóm lò gạch gần như tách biệt với các ấp trong vùng”.

Rồi anh Út Tòng dẫn tôi đi thăm cầu Bến Thuyền, những vườn cây ăn trái, hoa màu sản xuất theo mô hình tưới tiết kiệm của người dân xóm lò gạch. Cảnh vật xóm lò gạch giờ khang trang, trù phú hơn xưa rất nhiều. Anh Út Tòng bộc bạch, xưa muốn bán đất cũng không ai mua, có người hỏi mua thì 50-70 triệu đồng/sào là mừng. Nay giá đất phải từ trên 400 triệu đồng sào nhưng người dân xóm lò gạch vẫn không bán.

Tác giả: Nhân Thái

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây