Đổi thay ở vùng đồng bào Chơro Xuân Thiện

Thứ năm - 15/06/2023 16:03
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Xã Xuân Thiện (H.Thống Nhất) hiện là 1 trong 24 xã của tỉnh Đồng Nai thuộc khu vực vùng I được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 861/QĐ-TTg phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.
Ông Thổ Nơi, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Chơro tại ấp Xuân Thiện (xã Xuân Thiện, H.Thống Nhất) giới thiệu về nỏ và tên trước khi dạy cho trẻ em tập luyện để thi đấu trong dịp lễ.
Ông Thổ Nơi, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Chơro tại ấp Xuân Thiện (xã Xuân Thiện, H.Thống Nhất) giới thiệu về nỏ và tên trước khi dạy cho trẻ em tập luyện để thi đấu trong dịp lễ.

Giữ gìn văn hóa dân tộc
Hiện xã Xuân Thiện có gần 500 gia đình dân tộc thiểu số (DTTS), trong số này có gần 400 hộ dân tộc Chơro. Xã chỉ có 2 ấp, mỗi ấp đều có người uy tín trong đồng bào DTTS. Điểm đáng chú ý là 2 người đảm nhận vai trò này đều là người dân tộc Chơro.

Đây cũng là một trong 14 xã có nhà văn hóa DTTS của tỉnh. Theo ông Thổ Nơi, năm 2010, Nhà văn hóa dân tộc Chơro hoàn thành và được đưa vào sử dụng. Ban điều hành nhà văn hóa là những người uy tín, già làng trong cộng đồng. Mọi người đều ý thức được việc Nhà nước đã tạo dựng không gian văn hóa cho đồng bào còn làm sao để giữ và truyền tải được văn hóa truyền thống thì chính là việc của mỗi người trong cộng đồng.

Trong đó, lớp dạy múa Chơro được hình thành với nòng cốt là những cá nhân từng được theo học tại Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai. Trong số này, 3 chị em Điểu Kim Bảo Trân, Điểu Kim Bảo Châu, Điểu Bảo Thuận đều là thành viên của đội múa.
Bảo Châu cho hay, 3 chị em đều đang học THCS. Khi được mời tham gia đội múa, cả 3 cùng luyện tập và diễn ở các lễ hội, dịp lễ.
Còn nhiều năm qua, ông Điểu Toa (ngụ ấp Xuân Thiện) đã duy trì lớp tập cồng chiêng cho thanh thiếu nhi trong cộng đồng với mong muốn con cháu mình về sau biết đánh cồng, chiêng.

Ông Trần Văn Lý cho biết thêm, mỗi khi trong cộng đồng có người không may qua đời, người uy tín cùng với Ban điều hành ấp, chi bộ vận động hàng xóm tùy vào khả năng ủng hộ để lo đám tang cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Điều này được bà con Chơro nói riêng, người dân các dân tộc khác tham gia tích cực.
Trẻ em dân tộc Chơro tại xã Xuân Thiện, H.Thống Nhất học bài tại Nhà văn hóa Dân tộc Chơro xã Xuân Thiện, H.Thống Nhất.
Trẻ em dân tộc Chơro tại xã Xuân Thiện, H.Thống Nhất học bài tại Nhà văn hóa Dân tộc Chơro xã Xuân Thiện, H.Thống Nhất.

Chung tay xây dựng quê hương
Cùng với chủ động bảo tồn văn hóa dân tôc, khi địa phương triển khai các dự án xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, đồng bào Chơro tại đây cũng tích cực tham gia. Cụ thể, khi tuyến đường bê tông vào khu dân cư đông đồng bào Chơro sinh sống tại ấp Tín Nghĩa được thực hiện, người dân sống 2 bên con đường hiến đất mỗi bên lùi vào 1m và đóng góp số tiền gần 80 triệu đồng (80% số tiền làm đường còn lại do Nhà nước hỗ trợ). Đồng bào cũng hiến 5 sào đất để làm đường ra cánh đồng đập 2 giúp việc đi lại, vận chuyển nông sản từ cánh đồng về nhà được dễ dàng.

Một điểm đáng mơ ước khác của đồng bào Chơro mà nay đã thành hiện thực đó là con em trong cộng đồng đi học nhiều. Theo ông Thổ Nơi, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Chơro tại ấp Xuân Thiện, trước đây, trẻ trong cộng đồng sau khi hoàn thành chương trình tiểu học hay THCS sẽ đến học các trường dân tộc nội trú của tỉnh, trường có chế độ dành cho học sinh DTTS học nội trú. Nay thì nhiều gia đình cho con mình những lựa chọn khác trong việc chọn trường, chọn lớp. Điều này có được trước hết là nhờ cuộc sống bà con khá lên nên có thể tự chủ cho con học trường theo nguyện vọng. Thêm vào đó, nhiều gia đình Chơro rất chú trọng cho con học đến nơi đến chốn.

Ngoài ra, theo ông Trần Văn Lý, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Chơro tại ấp Tín Nghĩa, 10 năm trước, số gia đình dân tộc Chơro là hộ nghèo lên đến 120 hộ, chiếm quá nửa số gia đình Chơro lúc đó. Hiện nay chỉ còn 10 trường hợp là hộ nghèo. Nhưng hộ nghèo giờ đây cũng có nhà kiên cố được Nhà nước hỗ trợ xây dựng, có xe máy làm phương tiện di chuyển, điện thoại để liên lạc, tivi.

Có được thay đổi lớn này trước hết là mong muốn của đồng bào Chơro về mức sống bằng với những DTTS khác. Nhưng quan trọng và đóng vai trò quyết định là nhờ những chính sách đối với đồng bào các DTTS được Nhà nước áp dụng trong thời gian qua. Cụ thể, thông qua thụ hưởng các chính sách dân tộc của trung ương và tỉnh dành cho đồng bào DTTS như: cho vay vốn chính sách, tặng bò giống cùng những vật nuôi khác, ưu tiên tuyển lao động DTTS vào làm việc tại các khu công nghiệp, hỗ trợ xây dựng nhà ở, trẻ đi học được Nhà nước hỗ trợ, được cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ tiền Tết…, người dân đã có nhiều cơ hội thay đổi cuộc sống.

Ông Thổ Bộ, người dân tộc Chơro ở ấp Tín Nghĩa cho biết, thông qua vay vốn chính sách, gia đình ông được vay hơn 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Số vốn được ông sử dụng để cải tạo vườn cây ăn trái, nuôi bò. Đến nay, ông Thổ Bộ có gần 10 con bò và vườn cây ăn trái đang cho thu nhập.
Cùng với vay vốn tự tạo việc làm thì việc ngày càng có nhiều nhà máy, khu công nghiệp, cụm công nghiệp hoạt động gần khu dân cư DTTS đã góp phần giải quyết việc làm cho bà con.

Tác giả: Nguyễn Vân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây