Đoàn kết lương giáo vì sự phát triển chung

Thứ ba - 27/02/2024 11:07
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) Để gắn kết người dân không phân biệt lương - giáo, các thành phần dân tộc cùng chung tay thực hiện phong trào thi đua yêu nước, mô hình ở khu dân cư, nhiều cách làm hay, sát với thực tế ở cơ sở đã được huyện Trảng Bom triển khai.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh tặng hoa chúc mừng của Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho ấp Đoàn Kết, xã Giang Điền, H.Trảng Bom tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư năm 2023
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh tặng hoa chúc mừng của Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho ấp Đoàn Kết, xã Giang Điền, H.Trảng Bom tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư năm 2023

Huy động sức mạnh cộng đồng vì người khó khăn

Huyện Trảng Bom hiện có 71 ấp, khu phố thuộc 17 xã, thị trấn. Việc gắn kết đồng bào có đạo, đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng những mô hình an sinh xã hội được thực hiện rất hiệu quả ở từng ấp, khu phố.

Bà Nguyễn Thị Trang, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Tân Bình, xã Bình Minh, H.Trảng Bom cho hay, 94% dân số ấp là đồng bào Công giáo. Trên địa bàn có 2 giáo xứ. Ấp là nơi giao nhau và đi qua của nhiều tuyến đường lớn như Quốc lộ 1A, Võ Nguyên Giáp, đường sắt Bắc - Nam… Từ đó, ban ấp lưu ý bà con chấp hành quy định về an toàn giao thông khi tham gia lưu thông trên đường, không xâm phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt.

Đặc biệt, để kịp thời trợ giúp người khó khăn đột xuất, người bị tai nạn giao thông, từ nguyện vọng của bà con Ban Công tác Mặt trận ấp đã xây dựng một đội công tác từ thiện xã hội với 10 thành viên. Mỗi khi trong ấp có sự việc cần quyên góp tức thời, đội sẽ đứng ra tiếp nhận từ mạnh thường quân, bà con hảo tâm để giúp người khó khăn.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Đoàn, Trưởng ban Công tác Mặt trận KP.5, TT.Trảng Bom, khu phố có 11,4 ngàn người thường trú cùng trên 8,5 ngàn người ở trọ. Đây là khu phố đông dân nhất trong số 5 khu phố của thị trấn. Được sự thống nhất của người dân, ông Đoàn thành lập ban tang lễ để hỗ trợ gia đình nào trong khu phố có người thân qua đời. Trong đó, mỗi gia đình tự nguyện đóng góp kinh phí để mua đồng phục cho thành viên ban tang lễ. Đóng góp tiền phúng viếng cho khu phố với mức 300 ngàn đồng/trường hợp. Không chỉ áp dụng trong phạm vi khu phố mà gia đình nào có cha mẹ qua đời dù ở quê xa cũng được khu phố cử đại diện gọi điện thăm hỏi, chia buồn và áp dụng hình thức phúng điếu tương tự.

Bên cạnh sự chủ động của mỗi khu dân cư, chính quyền địa phương cũng tích cực đảm bảo triển khai chế độ chính sách đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, thực hiện tốt công tác dân tộc - tôn giáo. Cụ thể, mỗi năm, Phòng Dân tộc phối hợp Bảo hiểm xã hội huyện và UBND các xã Thanh Bình, Cây Gáo, Bàu Hàm, Sông Thao rà soát cấp gần 3,2 ngàn thẻ bảo hiểm y tế cho người dân tộc chưa tham gia bảo hiểm y tế. Mỗi năm, MTTQ huyện hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện và Ban đoàn kết Công giáo huyện. Đồng thời, hệ thống Mặt trận phối hợp với các tổ chức thành viên đã vận động hỗ trợ trên 83 ngàn bữa cơm từ thiện. Tặng 12,3 ngàn phần quà cho hộ hoàn cảnh khó khăn. Cứu trợ đột xuất cho gần 6 ngàn lượt người…

Kết nối người dân xây dựng mô hình sáng - xanh - sạch đẹp

Theo thống kê của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam H.Trảng Bom, huyện có 21 cở sở Phật giáo, 41 cơ sở Công giáo, 3 cơ sở Tin Lành cùng cơ sở một số tôn giáo khác. Ngoài ra, 65% trong số gần 300 ngàn dân của huyện Trảng Bom là đồng bào có đạo. Huyện cũng là nơi sinh sống của 43 thành phần dân tộc thiểu số và chiếm đến 11,3% dân số toàn huyện. Trảng Bom là một trong những địa phương tập trung đông đồng bào Hoa, Nùng, Tày, Chơro của tỉnh. Đồng thời, huyện cũng là nơi người dân từ các tỉnh, thành trong cả nước chọn làm nơi sinh sống, học tập, lao động.

Cùng với đó, trong quá trình triển khai các mô hình, phong trào, chính quyền địa phương cũng gắn kết chức sắc, chức việc, đại diện các tôn giáo vào quá trình tuyền truyền, vận động và triển khai thực hiện. Như ở ấp An Bình, xã Trung Hòa có hơn 2 ngàn gia đình với gần 8,4 ngàn người. Trên 97% trong số này là bà con theo đạo Công giáo. Thời gian qua, Ban Công tác Mặt trận ấp đã vận động và nhận được sự đồng thuận từ phía người dân, cơ sở tôn giáo thực hiện đóng góp để phủ kín tất cả mương thoát nước hở trên địa bàn.

Theo đó, người dân đóng góp tiền để mua tấm đan bê tông phủ lên mương nước trước cửa nhà, cơ sở tôn giáo. Đồng thời, phía trên các nắp cống này, người dân được khuyến khích trồng các loại hoa, cây cảnh bằng chậu do xã phát động. Kinh phí thực hiện theo hình thức 50% do xã vận động và phần còn lại do từng hộ đóng góp thêm. Điều này được mỗi gia đình, cơ sở tôn giáo hưởng ứng nhiệt thành.

Riêng tại ấp Tân Thành, xã Thanh Bình nơi có 856 hộ dân của ấp thuộc nhiều thành phần dân tộc thiểu số. Bà con sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi và sinh sống ngay tại nơi sản xuất nông nghiệp. Do vậy, ông Ngàn Văn Ngư, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp luôn lưu ý bà con trong quá trình chăm sóc cây trồng chỉ sử dụng các loại thuốc được Nhà nước cho phép lưu hành. Chai lọ, bao bì các loại thuốc, phải thu gom xử lý phù hợp nhằm phòng ngừa ngộ độc. Ngoài ra, thông qua việc tham gia vào 4 tổ tự quản sáng - xanh - sạch - đẹp, bà con dọn dẹp vệ sinh hàng tuần, chăm sóc hơn 500 cây xanh dọc một số tuyến đường. Người dân cũng đóng góp trên 800 triệu đồng để lắp đèn chiếu sáng trên các tuyến đường của ấp.

Tác giả: Nguyễn Vân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây