Trong một vài năm tới, TX. Long Khánh sẽ trở thành thành phố trực thuộc tỉnh thứ 2 của Đồng Nai sau TP. Biên Hòa. Khi đó, Long Khánh được xác định là đô thị loại 2, đô thị trung tâm phía Đông của tỉnh và là một trong những vệ tinh của Vùng TP. Hồ Chí Minh.
Để phát triển đúng hướng, hiện nay thị xã và các sở, ngành đang phối hợp với đối tác Nhật Bản xây dựng quy hoạch chung đô thị Long Khánh đến năm 2035 và tầm nhìn 2050. Bài toán quan trọng nhất hiện nay là xác định được nét riêng cho Long Khánh so với các đô thị khác của Đồng Nai và các tỉnh, thành lân cận.
Trung tâm phía Đông Đồng Nai
Từ đầu năm 2018, UBND TX. Long Khánh đã tổ chức tuyển chọn các đơn vị tư vấn để xây dựng Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng TX. Long Khánh đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050. Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd, một thành viên thuộc Tập đoàn Nikken Sekkei (Nhật Bản) là đơn vị trúng thầu thực hiện.
Theo đơn vị tư vấn, phạm vi quy hoạch Long Khánh gồm 6 phường và 9 xã hiện hữu với diện tích hơn 191 km2. Phía Bắc giáp huyện Định Quán, Thống Nhất và Xuân Lộc; phía Nam giáp Cẩm Mỹ và phía Đông giáp Xuân Lộc.
Về tính chất, Long Khánh được quy hoạch là đô thị loại 2 thuộc tỉnh, đô thị trung tâm vùng phía Đông của Đồng Nai và là 1 cực phát triển phía Đông của Vùng TP. Hồ Chí Minh. Đây là khu vực phát triển đô thị gắn với khu công nghiệp tập trung, phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch và nông nghiệp chất lượng cao. Long Khánh cũng được xác định là đầu mối giao thông quan trọng kết nối Đông Nam bộ và Tây nguyên. Các tuyến đường QL1, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt, đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đường vành đai thị xã… sẽ tạo nên hệ thống giao thông kết nối liên hoàn.
Một góc đô thị Long Khánh.
Về định hướng phát triển, đến năm 2025, quy mô đất xây dựng của Long Khánh từ 3.000 - 3.500 ha, quy mô dân số gần 205.000 người. Đến năm 2035, diện tích đất xây dựng 3.800 - 4.200 ha, dân số gần 257.000 người. Khu vực đô thị trung tâm hiện hữu sẽ được mở rộng về quy mô và tăng cường chức năng, theo đó phát triển thêm thương mại, dịch vụ, giáo dục và y tế…
Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd đánh giá cao tiềm năng của Long Khánh khi nơi đây hội tụ được nhiều yếu tố để phát triển đô thị bền vững. Thị xã có vị trí quan trọng là cửa ngõ của cả khu vực Nam bộ, kết nối với Tây nguyên, Nam Trung bộ và trong tương lai là cửa ngõ của hệ thống giao thông liên hoàn từ quốc lộ, cao tốc, đường sắt cũng như sân bay... là cơ hội để Long Khánh tăng tốc phát triển.
Tìm nét riêng cho đô thị
Tiềm năng phát triển đô thị của Long Khánh là rất lớn song theo các chuyên gia, trong tương lai, TP. Long Khánh cần xác định được nét riêng, lợi thế của mình so với các đô thị lân cận.
Xét trên khía cạnh địa phương, Đồng Nai đang có tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Ngoài Biên Hòa đã là đô thị có chiều dài lịch sử từ lâu đời thì Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom…cũng đang từng bước xác lập là những khu vực phát triển đô thị mới. Mẫu số chung của các đô thị này là gắn liền với sự phát triển của các khu vực công nghiệp và những dự án hạ tầng lớn. Trong khi đó, từ lâu Long Khánh được coi là đô thị miệt vườn của Đồng Nai với những nét thơ mộng, trù phú của vườn cây trái ngát xanh. Đây là điểm nhấn mà địa phương cũng như đơn vị tư vấn đang hướng đến nhằm tạo nét riêng cho đô thị Long Khánh.
Theo Chủ tịch UBND TX. Long Khánh Hồ Văn Nam, TX. Long Khánh có vị trí khá thuận lợi, trong thực tế là khu vực “hạt nhân” của các địa phương lân cận như Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Định Quán và một phần Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu. Lượng người qua lại, lưu trú và làm ăn rất đông. Hiện quỹ đất phát triển còn nhiều, phần lớn là đất nông nghiệp, đất cao su, là điều kiện thuận lợi để phát triển đô thị đối trọng với đô thị hiện hữu. “Long Khánh có quỹ đất phát triển còn tương đối lớn và nền đất thuận lợi cho quy hoạch đô thị. Chúng tôi xác định phải dựa trên yếu tố sẵn có và lợi thế riêng để hướng tới đô thị xanh, bền vững, ít khói bụi công nghiệp. Diện tích đất công nghiệp sẽ được hạn chế mở rộng vào vũng lõi đô thị hiện hữu”, Chủ tịch UBND TX. Long Khánh cho hay.
Nói về lợi thế của Long Khánh, ông Nguyễn Công Giang, Trưởng đại diện Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd tại Việt Nam cho rằng, ông đã đi nhiều đô thị ở Việt Nam, trong đó có những thành phố du lịch như Đà lạt, Vũng Tàu, Sapa nhưng Long Khánh vẫn để lại nét riêng. Long Khánh là đô thị vườn trong phố, thiên nhiên hài hòa với đô thị trong khi lại cách không quá xa các đô thị trung tâm như TP. Hồ Chí Minh, Biên Hòa…
Đồng tình với những nhận định trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh cho rằng đối với quy hoạch đang thực hiện cần phải làm rõ Long Khánh sẽ có những lợi thế gì so với Biên Hòa, Long Thành, Nhơn Trạch? Làm thế nào để thu hút dân cư, đặc biệt là những hộ có điều kiện ở các thành phố về đây sinh sống? Chính những cư dân như vậy mới thu hút và phát triển được thương mại, dịch vụ, giáo dục… Muốn làm được điều đó, cần có một đô thị khác biệt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương hiện tại và cả trong tương lai. “Cư dân làm việc ở TP. Hồ Chí Minh nhưng có thể sinh sống tại Long Khánh bởi thiên nhiên, khí hậu ở đây rất thuận lợi. Lợi thế của Long Khánh là thiên nhiên chứ không phải đô thị xa hoa, tráng lệ. Nếu không giữ được thiên nhiên cũng sẽ khó giữ được “hồn cốt” của đô thị này trong tương lai. Đây là bài toán cần có giải pháp cẩn trọng trong đồ án quy hoạch Long Khánh mà chúng ta đang nghiên cứu”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh góp ý như trên tại buổi làm việc với TX. Long Khánh và đơn vị tư vấn vào ngày 23-10 vừa qua.
Văn Gia
Tác giả: Vương Văn Thế
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập