Ði trên các tuyến phố ở Biên Hòa, có thể bắt gặp những con đường mang tên các danh nhân văn hóa, anh hùng chí sĩ hay các nhà quân sự… Những thế hệ tiền nhân ấy đã góp phần làm nên dấu ấn văn hóa, lịch sử của vùng đất Biên Hòa - Ðồng Nai 320 năm hình thành và phát triển như ngày nay.
Tên tuổi của họ đã ghi vào sử sách, được các đời sau nhắc nhở và hiện diện trên các tuyến đường của thành phố. Ðây cũng là một cách bồi đắp tình yêu quê hương đất nước và lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, góp phần quảng bá, lan tỏa nét đặc trưng văn hóa - lịch sử Ðồng Nai.
“Lịch sử” trên đường phố
Khi nhu cầu tìm hiểu về kiến thức lịch sử, văn hóa ngày càng cao, thì tên đường không còn đơn thuần chỉ là cái tên để gọi mà còn để chuyển tải những giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa đến người dân. Trải qua 320 năm hình thành và phát triển, việc đặt tên đường phố trên địa bàn Biên Hòa - Ðồng Nai dẫu qua nhiều giai đoạn chuyển đổi và sáp nhập thì tính nhất quán và khoa học vẫn được tuân thủ. Ðó là việc coi trọng các làng nghề, tên các danh nhân văn hóa liên quan đến vùng đất Biên Hòa và tên các sự kiện lịch sử trong tiến trình dựng nước và giữ nước.
Những biển tên đường có dòng chú thích ngắn gọn được gắn trên nhiều tuyến đường TP. Biên Hòa.
Ði trên những tuyến đường chính của đô thị loại I này, cũng như nhiều thành phố khác trong cả nước, không khó để bắt gặp những tấm biển ghi tên đường. Ðặc biệt, đi kèm với tên là những dòng thông tin giới thiệu tóm tắt về nhân vật, sự kiện lịch sử đó. Nếu là danh nhân sẽ có thông tin về ngày sinh, ngày mất cũng như thân thế sự nghiệp, công trạng của họ. Ðối với những tên đường là mốc sự kiện lịch sử cũng được tóm tắt nội dung chính của sự kiện đó. Có thể kể đến tên một số tuyến đường chính của Biên Hòa như: 30-4, Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Ái Quốc, Chu Văn An, Lý Văn Sâm, Huỳnh Văn Nghệ, Hà Huy Giáp, Trần Công An…
Trên thực tế, những cái tên quen thuộc mỗi ngày người dân đều đi qua, nhắc đến nhưng không phải ai cũng biết. Do đó với những thông tin ngắn gọn trên bảng tên đường, người đi đường có thể hiểu và biết thêm “một chút” về sự kiện, nhân vật lịch sử đã được chọn để đặt tên các con đường.
Nói về bảng tên đường có gắn với những thông tin tóm tắt, ông Trần Văn Phả, người dân ở phường Tân Tiến cho rằng, đây là việc làm hay và có ý nghĩa tích cực, vừa gợi quá khứ hào hùng của dân tộc vừa có tác dụng giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ ngày nay. “Nếu một số nước tích cực đưa lịch sử vào phim ảnh, khiến người dân trong và ngoài nước dù không học lịch sử nước đó cũng hiểu biết chút ít thì ở nước ta, việc lý giải tên đường mang dấu ấn văn hóa lịch sử là một kênh giáo dục, cung cấp kiến thức bổ ích. Ðặc biệt trong bối cảnh học sinh ngày càng “thờ ơ” với môn lịch sử thì việc trông chờ vào khả năng ghi nhớ lịch sử của học sinh là việc khó. Bởi thế, đây là cách học sử gần gũi, dễ nhớ và cũng là cách thể hiện được giá trị văn hóa - lịch sử địa phương”, ông Phả ví von.
Nếu nhắc đến lịch sử Biên Hòa - Ðồng Nai qua tên đường, hẳn là rất phong phú, rất nhiều vị danh nhân trên các lĩnh vực như Dương Tử Giang, Phạm Văn Khoai, Bùi Hữu Nghĩa, Nguyễn Thị Tồn… không phải ai cũng tường tận. Thế nhưng có dịp tìm hiểu họ qua tên đường với những chú thích ngắn gọn, rõ ràng, gắn với thực tế địa phương…ắt hẳn sẽ mang lại nhiều thông tin bổ ích. Ðây cũng là phương pháp giáo dục hữu hiệu đã, đang và sẽ giúp các em học sinh nói riêng và người dân nói chung tiếp nhận dễ dàng hơn.
Lan tỏa nét đẹp văn hóa
Biên Hòa đang hướng đến kỷ niệm 320 năm hình thành và phát triển. Ðể mỗi tên đường là một điểm nhấn mang tính chuyển tải thông tin đến người dân và du khách là điều Ðồng Nai chú trọng. Bởi ngoài ý nghĩa lịch sử, văn hóa, tên đường phố còn gắn liền với “nhịp thở” của đô thị, có ảnh hưởng lớn, quan trọng đến tất cả các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trên con đường ấy. Tên đường, tên phố…góp phần lan tỏa nét đẹp văn hóa đến người dân và du khách gần xa, nhất là các danh nhân, địa danh, sự kiện gắn với địa phương.
Cùng với tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh như hiện nay thì việc xây dựng nông thôn mới khiến cho không chỉ ở Biên Hòa mà ở các huyện và thị xã trên địa bàn tỉnh đã và đang mở rộng nhiều con đường, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao của người dân. Theo TS. Nguyễn Văn Quyết (giảng viên Trường đại học Ðồng Nai), đó là lý do việc chọn đặt, bổ sung quỹ tên đường cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục vừa để phục vụ cho công tác quản lý vừa đáp ứng xu thế phát triển của một đô thị hiện đại. Ngoài các danh nhân, nhân vật lịch sử, sự kiện, địa danh... nổi tiếng và quen thuộc trên phạm vi cả nước, cần phải bổ sung thêm những cái tên mới, tiêu biểu nhưng chưa được biết đến rộng rãi hoặc những cái tên là “vốn riêng” của địa phương, phản ánh những khát vọng tốt đẹp của người Việt.
Theo TS. Nguyễn Văn Quyết, Ðồng Nai là một trong những tỉnh trên cả nước đi đầu trong việc gắn một bảng giới thiệu tóm tắt ở điểm đầu tiên của con đường. Trong xu thế hội nhập và phát triển, cần thiết phải xây dựng “ngân hàng” lưu trữ dữ liệu và không quên lắng nghe và lấy ý kiến của người dân trước khi đặt tên đường. Chẳng hạn như, đặt tên cho những con đường nông thôn mới ở các vùng quê; tên những con đường mới ở đô thị, khu công nghiệp… Ðể quảng bá giá trị văn hóa của Biên Hòa, cần xây dựng thêm những hoạt động văn hóa, nghệ thuật gắn với tên đường, liên kết với các đơn vị liên quan tạo những clip ngắn chỉ dẫn đường trên Youtube…để khi tham gia giao thông, người dân và du khách sẽ có được cảm tưởng thú vị như đi trong lòng một “bảo tàng lịch sử” phong phú và đa dạng.
Tên đường thể hiện nét văn hóa của một vùng đất và của cả dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử. Dù đường được đặt tên gì thì đó cũng là một câu chuyện đáng được tìm hiểu, nhất là với Biên Hòa - nơi từng là trung tâm văn hóa, giáo dục của vùng đất phương Nam.
Ly Na
Tác giả: Phạm My Ny
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập