Năm 2016, chị Đặng Thùy Dung được cấp ủy giới thiệu, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trong xã bầu làm Bí thư Đoàn xã. Từ HĐND xã chuyển sang “thủ lĩnh” thanh niên, với chị đó lại là cơ hội được sống và làm công việc mà mình yêu thích.
Chị Đặng Thùy Dung cho biết, năm 2006, sau khi tốt nghiệp THPT, chị đăng ký học Khoa Chăn nuôi - thú y Trường đại học Nông lâm TP.HCM hệ vừa làm vừa học. Do thời gian học chỉ diễn ra theo đợt, mỗi đợt vài tháng nên năm 2007, chị Dung xin vào làm văn thư lưu trữ tại UBND xã Phú Tân (H.Định Quán).
Sau khi hoàn thành chương trình học tại Trường đại học Nông lâm TP.HCM, chị Dung được chuyển sang làm việc tại HĐND xã Phú Tân. Cho đến năm 2016, Bí thư Đoàn xã Phú Tân thời điểm đó chuyển sang làm công tác khác nên chị Dung được địa phương giới thiệu, bầu giữ chức Bí thư Đoàn xã. Chị Dung chia sẻ, bản thân chị chưa từng trải qua lĩnh vực công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nên chị không tránh khỏi bỡ ngỡ và gặp phải những khó khăn nhất định.
Nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Dung không ngại khó khăn, tự học, tự nghiên cứu để nắm được kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cơ bản cần có của một người “thủ lĩnh” thanh niên; nội dung của các phong trào hành động cách mạng của Đoàn, các chương trình đồng hành với thanh niên; nội dung cơ bản trong công tác xây dựng tổ chức Đoàn, Đoàn tham gia xây dựng Đảng… để triển khai tại đơn vị.
Đồng thời, thông qua mối quan hệ với cán bộ Đoàn ở các cơ sở Đoàn trong và ngoài huyện, chị Dung học hỏi được khá nhiều kinh nghiệm. Theo lời kể của chị Dung, nhận nhiệm vụ Bí thư Đoàn xã cũng là lúc chuẩn bị diễn ra đại hội Đoàn các cấp nhiệm kỳ 2017-2022, trong đó có Đại hội Đoàn cấp cơ sở. Đứng trước một sự kiện quan trọng 5 năm mới có một lần, chị nghiên cứu hướng dẫn của Đoàn cấp trên về việc tổ chức đại hội Đoàn cơ sở và làm theo. Trong quá trình chuẩn bị nếu gặp khó khăn, vướng mắc, chị không ngại hỏi thêm đồng nghiệp. Các cơ sở Đoàn trong huyện tổ chức đại hội, chị sắp xếp thời gian tham dự để học hỏi kinh nghiệm. Nhờ vậy, chị đã cùng với Ban chấp hành Đoàn xã tổ chức thành công đại hội Đoàn, từng bước khẳng định mình trong lĩnh vực công tác mới.
Từ khi đảm nhận vai trò Bí thư Đoàn xã Phú Tân, chị luôn chú trọng tổ chức các hoạt động nhằm tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật cho ĐVTN. Hằng năm, chị Dung duy trì tổ chức các hoat động nói chuyện truyền thống, tổ chức cho ĐVTN thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện, tổ chức thăm, tặng quà gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng vào dịp lễ, tết; tổ chức các hoạt động tuyên truyền pháp luật về giao thông, nghĩa vụ quân sự, tác hại của ma túy…
Bên cạnh công tác tuyên truyền giáo dục, để tạo dấu ấn cho Đoàn đồng thời góp sức vào sự phát triển của địa phương, chị Dung tổ chức thực hiện những công trình, phần việc thanh niên ý nghĩa, trong đó nổi bật là công trình xây dựng nhà nhân ái cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã.
Chị
Dung cho hay, tổ chức Đoàn không dồi dào về kinh phí nên để thực hiện được 1-2
căn nhà nhân ái mỗi năm, bản thân chị cũng như các Ủy viên Ban chấp hành Đoàn
xã phải tích cực vận động nguồn kinh phí từ mạnh thường quân. Để làm được điều
này, cá nhân chị hoặc Ủy viên Ban chấp hành Đoàn xã đi khảo sát từng hoàn cảnh
để nắm tình hình, lên phương án rồi mới vận động mạnh thường quân ủng hộ. Kinh
phí mà mạnh thường quân ủng hộ luôn được sử dụng đúng mục đích, công khai, minh
bạch nên được mạnh thường quân tin tưởng.
Chị Đặng Thùy Dung (thứ 2 từ trái sang) cùng với ĐVTN bỏ rác thải nhựa thu gom được vào ngôi nhà rác thải nhựa
Ngoài các công trình, phần việc thực hiện từ nguồn vận động, từ năm 2019, chị đã triển khai mô hình Ngôi nhà rác thải nhựa. Chị Dung chia sẻ, ngôi nhà rác thải nhựa được hàn bằng khung sắt và lưới thép B40, bên trên lợp tôn. Vào ngày chủ nhật hằng tuần, ĐVTN sẽ chia nhau đi dọc các tuyến đường vừa thu gom rác thải nhựa từ các hộ gia đình, vừa lượm rác thải nhựa trên các tuyến đường và bỏ vào ngôi nhà rác thải nhựa. Khi ngôi nhà rác thải nhựa đầy cũng là lúc Đoàn xã đem bán ve chai để lấy tiền trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Từ khi triển khai mô hình đến nay, Đoàn xã đã có 2 ngôi nhà rác thải nhựa và hỗ trợ được 20 suất học bổng (trị giá 300 ngàn đồng/suất) giúp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn có thêm động lực đến trường; đồng thời, góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Khánh Ngọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập