Chuyện của Anh hùng Lao động ở vùng đất Hưng Lộc

Thứ sáu - 31/08/2018 00:52
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

​Trong những năm đầu sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, ông Lê Văn Lập (thường gọi Ba Lập, hiện 84 tuổi, ngụ ấp Hưng Nhơn, xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) là một nông dân sản xuất giỏi, có nhiều đóng góp vào phong trào sản xuất nông nghiệp tập thể. Cũng vì thế, ông được bà con trong vùng đặt cho nhiều biệt danh: “Vua cao lương”, “Vua khoai lang”, “Vua nhân giống đậu”… 

Từ năm 1979 đến năm 1984, ông Ba Lập liên tục được bình chọn là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và là đại biểu Hội đồng nhân dân ba cấp. Năm 1985, ông được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và Huân chương Lao động hạng Nhì.

Hành trình lập nghiệp tại vùng đất mới

Được sự giới thiệu của Chủ tịch UBND xã Hưng Lộc Lê Công Sự, chúng tôi đến thăm gia đình ông Ba Lập và một số người bạn thân của ông thời làm chung trong tập đoàn, hợp tác xã. Có dịp, ông Ba Lập cùng những người bạn ngồi lại cùng nhau tâm tình, thăm hỏi sức khỏe, cuộc sống gia đình và ôn lại những kỷ niệm xưa. Ông Lê Cảnh Quang (88 tuổi, ngụ ấp Hưng Nhơn, xã Hưng Lộc) chia sẻ: “Chuyện anh Ba Lập tài giỏi, nhiệt tình, đêm ngày lặn lội, lo toan cho tập đoàn, hợp tác xã Hưng Nhơn thì bà con ở đây ai cũng đều biết rõ. Việc tỉnh, Trung ương khen thưởng cho người làm giỏi, người có công với dân với nước là chuyện rất hợp với lòng dân. Từ lâu, bà con ở đây, nhất là những người nghèo khó chịu ơn ảnh nhiều, đã coi ảnh như người anh hùng của mình”.


Anh hùng Lao động Lê Văn Lập.

Đốt tiếp điếu thuốc, uống ngụm trà nóng, ông Ba Lập bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời và hành trình đi lập nghiệp tại vùng đất mới của mình. Ông sinh ra trong gia đình có 7 anh chị em tại xã Tương Bình Hiệp, quận Châu Thành, tỉnh Thủ Dầu Một (nay là thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Gia đình nghèo, không ruộng rẫy, hằng ngày cha ông phải lặn lội ngoài bờ sông bắt con cá, con tép, còn mẹ ông lam lũ hái từng cọng rau đem bán lấy tiền mua gạo, mắm muối. Cha mẹ ông thậm chí còn phải đi “ở đợ” theo mùa cho nhà giàu trong làng. “Hồi đó, người đi “ở đợ” cực lắm vì thường bị chủ la mắng, bóc lột sức lao động…”, ông Ba Lập nhớ lại.

Ông Ba Lập là con nhà có truyền thống yêu nước và tham gia cách mạng. Ông nội của ông là Lê Văn Tễ, đã từng vác dao theo phong trào chống Tây. Anh ruột của ông nội là Lê Văn Hằng đi theo ngọn cờ Đảng Cộng sản Việt Nam, hoạt động cách mạng chống quân xâm lược (hiện nay ở thị xã Thủ Dầu Một có con đường mang tên Lê Văn Hằng). Thân phụ Ba Lập là Lê Văn Trọng đã tham gia kháng chiến chống Pháp từ những ngày đầu. Anh trai cả của ông tham gia làm giao liên và hy sinh thời chống Pháp. Lúc bấy giờ, cậu bé Ba Lập mới 8 tuổi nhưng cũng nghĩ ra cách đi bẻ cau thuê lấy tiền ủng hộ bộ đội. Năm 16 tuổi, chàng thanh niên Ba Lập đã cầm cây lao đâm chết một lính Tây trả thù cho người thím bị hắn bắn chết…

Năm 1959, gia đình Ba Lập ở Tương Bình Hiệp gặp nhiều khó khăn, bởi giặc ráo riết lùng sục, bắt bớ đánh đập, giết người kháng chiến cũ như cơm bữa. Hơn nữa, ruộng đất bị người chủ lấy lại nên không có gì để làm ăn. Do đó, Ba Lập tạm chia tay mẹ, vợ, con và các em, theo cha đi Hưng Lộc (chỗ ở hiện nay) để tránh giặc, đồng thời tạo dựng cơ nghiệp cho tương lai sau này.

Sáng tạo trong sản xuất

Tại vùng đất mới, hằng ngày, ông Ba Lập cùng cha ra sức khai hoang để có đất canh tác trồng hoa màu, cây ăn trái. Hồi đó, vùng Hưng Lộc toàn là rừng già, cây cối rậm rạp và có nhiều thú dữ. Ông Ba Lập cho biết, cọp đã vật chết một người dân tộc thiểu số và từng vồ giết nhiều người từ xứ khác tới khai hoang lập rẫy. Sau này, con cọp bị giết chết, người dân không còn lo lắng chuyện đi rừng, đi rẫy. “Thời gian đầu, nguồn kinh tế tự nhiên ở vùng đất mới rất dồi dào, như: rùa, ếch, lươn, gà rừng…, nên người nghèo đến đây không lo đói. Nhưng rồi, nguồn kinh tế tự nhiên cũng dần hết đi, do người dân đến khai hoang đất rừng ngày càng nhiều”, ông Ba Lập kể.

Lúc này ở Hưng Lộc, giặc càn bố bắt lính nên Ba Lập nhiều lần phải xa gia đình để trốn lính. Có lần, Ba Lập được ông Năm Tiêu làm việc ở Trại thực nghiệm Hưng Lộc cho vào ở để trốn lính và trong thời gian ở đây ông đã học hỏi được nhiều về kỹ thuật làm nông nghiệp. Ba Lập còn cất được nhiều giống bắp, cao lương, khoai lang quý để sau này cần dùng đến.


 Ông Ba Lập (bên trái) và người bạn Lê Cảnh Quang.

Sau giải phóng, thực hiện chủ trương “lá lành đùm lá rách”, ông Ba Lập đã hiến 13 mẫu đất để giúp đỡ người nghèo khó. Khi có chủ trương về việc xây dựng miền Nam đi vào hợp tác hóa nông nghiệp (tức làm ăn tập đoàn tập thể, hợp tác xã), ông Ba Lập được bầu làm Tập đoàn trưởng Tập đoàn 3 của ấp Hưng Nhơn. Lúc đó, tình trạng đói kém diễn ra khắp nơi, người dân chủ yếu ăn củ mì xắt lát phơi khô.

Nhờ làm nông nghiệp giỏi, giúp đỡ người dân, nên ngay từ những ngày đầu giải phóng, Ba Lập đã được bà con yêu quý đặt cho nhiều biệt danh. Trong đó, ông Ba Lập kiếm được giống cao lương có năng suất cao và đem chia sẻ cho người dân xung quanh cùng trồng hiệu quả nên bà con gọi ông là “Vua cao lương”. Ba Lập nhân giống khoai Tài Nung tại rẫy nhà (giống khoai lang này Ba Lập lấy lúc trốn lính ở trại Thực nghiệm Hưng Lộc) và đạt năng suất trên 40 tấn/mẫu. Thấy khoai lang ngon, năng suất cao, nhiều người xin giống về trồng và khắc phục được nạn đói. Bà con trong vùng lại gọi ông là “Vua khoai lang” và hay đọc câu “Có ăn lai rai, nhờ khoai nhờ củ. Có ăn no đủ, nhờ củ nhờ khoai” để nhớ ơn ông. Sau này, ông Ba Lập còn được người dân gọi là “Vua nhân giống đậu”, “Vua rau cải mùa mưa”...

 Theo ông Ba Lập, việc sản xuất nông nghiệp ở vùng đất Hưng Nhơn gặp rất nhiều khó khăn, bởi nơi đây thuộc vùng bán sơn địa, chỗ cao, chỗ trũng; khắp nơi có nhiều đá trồi lẫn đá chìm trong đất. Vì thiếu nước nên việc trồng các loại cây như lúa, bắp, khoai, mì đều không hiệu quả... Sau nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, ông Ba Lập đã nghĩ ra cách làm ăn hiệu quả là khoán việc cho từng hộ gia đình. Ví dụ: ông khoán 1 sào ruộng và yêu cầu người dân phải cuốc đất xong trong 4 ngày công; xới đất qua lại cho nhuyễn trong 2 ngày công; cấy lúa, gặt đập… Cộng tất cả công lại là 10 ngày tương đương 100 điểm, rồi quy ra lúa để bà con nhận về ăn, phần còn lại dùng vào đóng thuế cho nhà nước, công ích tích lũy… Cách làm này đã kích thích niềm hăng say lao động của mọi người, gắn liền trách nhiệm với quyền lợi, bỏ hẳn tư tưởng ỷ lại “cha chung không ai khóc”. Trước đây, năng suất lúa ở Hưng Nhơn chỉ đạt từ 1 - 2 tấn/mẫu, nhưng nhờ cách giao khoán mà nhiều gia đình “đổ” thêm nhiều công, phân bón, nên năng suất lúa có lúc đạt tới 9 - 10 tấn/mẫu.

Ông Ba Lập có đức tính thương người, hay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ. Gia đình ông có trồng tre với diện tích gần 1 sào, nhưng ông không bán mà chỉ để giúp bà con lối xóm trong việc sửa chữa nhà, làm vạc giường... Người dân nơi đây vẫn nhớ câu chuyện có 5 gia đình rời quê miền Bắc vào Đồng Nai lập nghiệp thì bị kẻ xấu móc túi lấy sạch tài sản. Họ đến Hưng Lộc trong tình cảnh bơ vơ, không có ai là người thân. Quá đói, họ đã vào rẫy hái trộm mít non nấu ăn và bị người dân phát hiện, bắt trói dẫn đến giao cho ông Ba Lập. Thay vì đưa nhóm người này lên xã xử phạt, ông Ba Lập đã tạo điều kiện giao đất và hướng dẫn họ cách làm ăn để vươn lên…

Hiện nay, ông Ba Lập đã bước qua tuổi “thất thập cổ lai hy”. Dù không còn làm việc nhưng lúc nào ông cũng dõi theo con, cháu và đem kinh nghiệm của mình để chỉ dẫn con cháu cách làm ăn để vươn lên trong cuộc sống, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Hiến hàng ngàn mét vuông đất mở đường

Trước đây, ông Ba Lập đã hiến hàng ngàn mét vuông để chung sức mở rộng, nâng cấp tuyến đường dài 1km dùng làm lối đi chung cho gia đình và người dân trong vùng. Nhờ đó, con đường trở nên khang trang, sạch đẹp, giúp việc đi lại thuận tiện. Hiện bà con thường gọi tên đường là “đường Lê Văn Lập” để nhớ ơn ông.

Thành Nhân

Tác giả: Lê Thành Nhân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây