Chú trọng nâng cao đời sống nhân dân

Thứ ba - 26/09/2023 16:09
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - H.Thống Nhất là huyện có nhiều đặc thù và lợi thế so sánh với các địa phương khác, trong đó nổi bật là diện tích đất nông nghiệp rất lớn (chiếm 83% trong tổng diện tích đất tự nhiên của huyện); có nhiều tuyến giao thông huyết mạch, kết nối đi các tỉnh, thành phố và chợ đầu mối Dầu Giây.
Thanh niên xã Quang Trung, dọn dẹp vệ sinh môi trường ở các tuyến đường trong xã.
Thanh niên xã Quang Trung, dọn dẹp vệ sinh môi trường ở các tuyến đường trong xã.

Những năm qua, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo phát huy những lợi thế của địa phương để đem lại cuộc sống ngày càng hạnh phúc cho nhân dân.

Thu nhập bình quân đầu người tăng
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND H.Thống Nhất Mai Văn Hiền cho biết, thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII (nhiệm kỳ 2020-2025), đến nay Thống Nhất đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Trong đó, trên lĩnh vực kinh tế, giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ và nông nghiệp đều tăng. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay trên địa bàn huyện đạt hơn 80 triệu đồng/năm (về đích trước 2 năm so với chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra và tăng 11,6 triệu đồng so với năm 2020).

Cụ thể ở lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, huyện tiếp tục đầu tư và mở rộng các khu, cụm công nghiệp, làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Đồng thời, quan tâm phát triển một số ngành nghề thế mạnh của địa phương, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người dân.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, huyện đang chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng trồng trọt và giảm chăn nuôi. Trong chăn nuôi, chuyển theo hướng mô hình trang trại, chuồng lạnh, khép kín, có trang bị hệ thống điều khiển nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm để nâng cao hiệu quả và năng suất sản phẩm chăn nuôi. Đối với trồng trọt, chuyển đổi những cây trồng hiệu quả kinh tế thấp sang cây trồng có giá trị kinh tế cao, như tăng diện tích trồng các loại cây: chuối, mít, bưởi, bơ, các loại rau và cây có bột.

Huyện cũng đã xây dựng được 5 vùng VietGAP, với diện tích hàng trăm ha, trồng các loại cây như sầu riêng, chôm chôm, rau cần, bưởi, mít. Hơn 73% cây trồng trên địa bàn huyện đã sử dụng giống mới, vì thế giá trị gia tăng và giá trị bình quân/ha ở Thống Nhất đều tăng qua các năm, như năm 2022 đạt hơn 173 triệu đồng/ha, tăng gần 20% so với năm 2020.

Trong chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Ban Chấp hành Đảng bộ huyện có Nghị quyết số 10-NQ/HU ngày 5-5-2021 về xây dựng H.Thống Nhất đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2021-2024. Đến nay, toàn huyện có 5 xã NTM nâng cao và 1 xã NTM kiểu mẫu; xây dựng được 16 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao cấp tỉnh. Huyện đang phấn đấu đến năm 2024 đạt các tiêu chí của huyện NTM nâng cao.

Kinh tế phát triển ổn định đã đóng vai trò quan trọng cho việc thu ngân sách trên địa bàn huyện. Từ năm 2020-2022, thu ngân sách của H.Thống Nhất luôn vượt từ 38-50% so với dự toán cấp trên giao. Thu ngân sách được đảm bảo đã giúp huyện có nguồn tiền để cải cách tiền lương, chỉnh trang và phát triển huyện; chủ động linh hoạt trong thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính; đẩy mạnh thực hiện cơ chế huyện hỗ trợ xã và thị trấn đầu tư các công trình dân sinh, một số công trình hạ tầng kinh tế - xã hội...

Các lĩnh vực khác như văn hóa, xã hội cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, 100% trạm y tế trên địa bàn huyện có bác sĩ phục vụ tại chỗ; số hộ nghèo chỉ còn 0,96% so với tổng số hộ dân trong huyện. Tình hình an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Các xã nên thi đua trong nâng cao thu nhập cho người dân
Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn ghi nhận, Đảng bộ H.Thống Nhất có rất nhiều nỗ lực trong thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp từ sau nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay. Nổi bật là cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch khá tốt nên thu ngân sách năm nào cũng vượt chỉ tiêu cấp trên giao.

Tuy nhiên, huyện nên đánh giá lại lợi thế của địa phương để định hướng sự phát triển của huyện thời gian tới. Trong đó, chú ý xác định cơ cấu cây trồng chủ yếu hiện nay là gì; huyện nên giãn dần quy mô chăn nuôi trên địa bàn.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh thì cho rằng, Thống Nhất là huyện có nhiều đặc thù và lợi thế so với các địa phương khác, trong đó có nhiều hướng giao thông đi các tỉnh, thành phố và huyện đã có chợ đầu mối Dầu Giây, huyện cần phát huy những lợi thế này để kinh tế - xã hội của huyện ngày càng phát triển hơn.
Cụ thể như, cần tính toán phát triển chợ đầu mối Dầu Giây là điểm tập kết, trao đổi hàng hóa không chỉ mang tính chất vùng mà mang tính chất quốc tế khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó, huyện cần tiếp tục quan tâm xây dựng NTM, đích cuối cùng của việc làm này là thu nhập, đời sống nhân dân phải được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện dù đã đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra, nhưng vẫn thấp so với thu nhập bình quân chung của cả tỉnh (thu nhập bình quân chung cả tỉnh là 133 triệu đồng/năm). Cấp ủy, chính quyền địa phương phải nâng mức thu nhập của người dân lên nữa và nên phát động các xã thi đua xem xã nào thu nhập người dân cao nhất, như vậy mới xứng đáng là xã NTM.

Khi xây dựng cơ cấu kinh tế của huyện, chú ý đây là huyện có diện tích đất nông nghiệp rất lớn nên phải phát huy lợi thế này. Trong đó, dành một số quỹ đất để chăm lo phúc lợi cho nhân dân.

Tác giả: Quỳnh Trang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây