Căn cứ Rừng Lá (hay còn gọi căn cứ Giao Loan, căn cứ 4) trước đây thuộc tổng Bình Lâm Thượng, huyện Long Khánh, tỉnh Biên Hòa. Trải qua nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính, ngày nay Căn cứ này thuộc địa phận xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, cách trung tâm huyện Xuân Lộc khoảng 20km. Với những dấu tích lịch sử quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Căn cứ Rừng Lá đã và đang trở thành một trong những điểm đến lý tưởng cho người dân và du khách trong các dịp về nguồn.
Vết tích thời gian…
Căn cứ Rừng Lá là khu vực có rừng lá buông rộng lớn, phía Tây kéo dài đến tận xã Long Giao (huyện Cẩm Mỹ), phía Nam đến tận huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), phía Bắc giáp Trảng Táo và phía Ðông giáp huyện Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận). Do có vị trí địa lý, địa chính trị thuận lợi nên Rừng Lá trở thành căn cứ cách mạng quan trọng trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Nơi đây không chỉ là căn cứ của quân dân huyện Xuân Lộc mà còn là căn cứ của lực lượng vũ trang tỉnh Biên Hòa trong những năm đầu kháng chiến. Từ căn cứ này, quân dân Ðồng Nai đã tổ chức nhiều trận đánh vang dội như: Bàu Cá, Bảo Chánh, Trảng Táo, Gia Huynh.
Đền thờ liệt sĩ Căn cứ Rừng Lá.
Ðịa danh Rừng Lá như một huyền thoại anh hùng. Trong kháng chiến chống Mỹ, Căn cứ Rừng Lá là địa bàn đóng quân của nhiều đơn vị vũ trang như Sư đoàn 5 quân giải phóng đóng quân để đánh Căn cứ Bà Tô, Xuyên Mộc; Trung đoàn bộ binh số 33; Trung đoàn bộ binh 4; Trung đoàn pháo 274; Ðại đội cối 246; đội du kích buôn làng Chơ Ro; đội du kích mật Rừng Lá…
Ðầu năm 1962, tại Căn cứ Rừng Lá đã thành lập chi bộ Ðảng với 3 đảng viên; chi đoàn thanh niên gồm 7 đoàn viên. Ban cán sự Ðảng đã lãnh đạo nhân dân và du kích địa phương tổ chức nhiều đợt tấn công địch. Tiêu biểu như đợt đột nhập ấp Bảo Vinh B bắt gọn 21 tên tề ngụy (tháng 2-1962); đánh địch đóng dã ngoại tại Tà Lá (núi Mây Tàu - Rừng Lá) của Tiểu đoàn D800 (bộ đội Quân khu 7) phối hợp với lực lượng vũ trang tỉnh Long Khánh thu về 43 khẩu súng.
Tháng 5-1970, Tỉnh ủy và Tỉnh đội Bà Rịa - Long Khánh chỉ đạo Ban An ninh tỉnh chủ trì thành lập Ðội du kích mật Rừng Lá. Sau khi được thành lập, đội du kích mật đã lập được nhiều chiến công như: phục kích bắn chết một tên ác ôn tại cổng chào ấp 4, xã Xuân Hòa ngày nay; mai phục bắn chết tên trung úy Trưởng đồn Rừng Lá ngay tại cổng đồn; phối hợp với lực lượng vũ trang Bà Rịa - Long Khánh bao vây 1 đại đội biệt kích ngụy ở Ðồi Ðá Xuân Hòa, tiêu diệt 82 tên địch... Cùng với đó, đội du kích mật còn làm nhiệm vụ dẫn đường, bảo vệ cho quân giải phóng, nắm tình hình địch, báo cáo về căn cứ kháng chiến để cách mạng tổ chức các trận đánh địch và bảo vệ các đoàn xe của ta chở lương thực vào căn cứ núi Mây Tàu và núi Bể.
Trong những ngày đầu năm 1975, cùng với các mũi tiến công của đại quân giải phóng, Ban cán sự di dân đã phát động nhân dân kết hợp với đội vũ trang tuyên truyền và lực lượng du kích các xã dọc quốc lộ 1, góp phần cùng với các đơn vị chủ lực quét sạch địch trên tuyến đường này, giải phóng toàn bộ các xã, ấp.
Trân trọng giá trị di tích
Ðể tri ân công ơn của các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh cũng như ghi nhớ quá trình đấu tranh gian khó của các tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc thiểu số trên vùng đất Rừng Lá, huyện Xuân Lộc đã tiến hành xây dựng khu Ðền thờ liệt sĩ Căn cứ Rừng Lá đúng vào dịp kỷ niệm 38 năm Ngày giải phóng huyện Xuân Lộc (9-4-1975 - 9-4-2013). Mới đây nhất, ngày 2-10-2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3456/QÐ-UBND về việc xếp hạng cấp tỉnh di tích lịch sử Căn cứ Rừng Lá. Như vậy, trên toàn tỉnh hiện có 56 di tích được xếp hạng với nhiều loại hình như lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ, danh lam thắng cảnh. Trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 29 di tích cấp quốc gia và 25 di tích cấp tỉnh.
Theo Giám đốc Ban quản lý Di tích và danh thắng tỉnh Lê Trí Dũng, việc công nhận di tích cấp tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ là sự ghi nhận về giá trị lịch sử, văn hóa, vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên mà còn là “hành lang pháp lý” để bảo vệ và phát huy giá trị của di tích. Bởi Căn cứ Rừng Lá không chỉ là địa chỉ về nguồn quan trọng góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân mà còn là điểm tham quan hấp dẫn du khách muốn tìm hiểu về phong tục tập quán, nếp sống, sinh hoạt cùng các lễ hội của đồng bào dân tộc Chơ Ro huyện Xuân Lộc.
Cũng bởi là điểm đến trong tuyến du lịch khi đến huyện Xuân Lộc, trong những năm qua, tại Căn cứ Rừng Lá đã diễn ra nhiều hoạt động văn hóa và giáo dục truyền thống như thăm lại chiến trường xưa của các cán bộ lão thành cách mạng, các cựu chiến binh từng sống, làm việc và chiến đấu tại căn cứ; hoạt động về nguồn, cắm trại của thế hệ trẻ nhân kỷ niện những ngày lễ lớn trong năm… Qua đó, thế hệ đi trước có dịp để ôn lại quá khứ hào hùng của một thời đấu tranh gian khổ; thế hệ đi sau, là lớp kế thừa và phát huy những thành quả cách mạng được hiểu rõ thêm những giá trị truyền thống quý báu. Từ đó càng thêm trân trọng quá khứ, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống yêu nước và giữ nước để vững bước vào tương lai.
P.V
Tác giả: P.V
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập