BVĐK Thống Nhất Đồng Nai: Dùng mũi khoan kim cương trong can thiệp mạch vành

Thứ hai - 06/08/2018 00:54
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Thống Nhất Đồng Nai vừa sử dụng mũi khoan kim cương để khoan phần vôi hóa, đặt stent ở động mạch cứu sống hai bệnh nhân bị tắc nghẽn động mạch vành. Phần vôi hóa này nhiều và cứng như đá, rất hiếm gặp trong các ca can thiệp mạch vành.​

Hai ca bệnh đầu tiên...

Ngay khi nhập viện, bà Nguyễn Thị Bé (78 tuổi, ngụ tại huyện Vĩnh Cửu) đã trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở. Các bác sĩ BVĐK Thống Nhất Đồng Nai đã tích cực cấp cứu, hồi sức cho bệnh nhân. Khi có mạch, huyết áp trở lại, các bác sĩ phát hiện bà Bé bị nhồi máu cơ tim và viêm phổi rất nặng. Sau một thời gian chữa trị, bệnh viêm phổi của bà Bé dần ổn định, các bác sĩ bắt đầu điều trị nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, khi chụp mạch vành, bác sĩ nhận thấy mạch vành bên trái của bệnh nhân xoắn vặn, tình trạng vôi hóa nhiều, nhánh động mạch vành phải gần như tắc. Do tình trạng vôi hóa mạch vành của bà Bé khá nặng, bác sĩ không thể đặt stent bằng phương pháp thông thường.

Tháng 5 vừa qua, ông Nguyễn Văn Lạc, (80 tuổi, xã Phước Hòa, huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu) đã được đặt stent ở động mạch vành. Nhưng đoạn đầu của động mạch liên thất trước vẫn còn bị hẹp, dính thân trung. Đáng chú ý, chỗ hẹp lại bị vôi hóa rất nhiều. Với những ca bệnh này, bác sĩ rất khó đưa dây dẫn, bóng khi tiến hành can thiệp vào phần bị hẹp như các ca bệnh thông thường khác bởi khi  nong phần hẹp, các mảng vôi rất dễ vỡ. “Trong trường hợp của bệnh nhân Lạc, nếu bác sĩ càng cố gắng nong để đưa dây dẫn, bóng vào can thiệp phần động mạch bị hẹp, các mảng vôi đó sẽ vỡ, xé rách và làm bể mạch vành. Nó sẽ gây biến chứng thủng mạch vành. Khi ấy, nguy cơ tử vong của bệnh nhân rất cao”, BS. Phạm Quang Huy, Trưởng khoa Tim mạch can thiệp, BVĐK Thống Nhất Đồng Nai cho hay.


 Một bệnh nhân được các bác sĩ cứu sống nhờ dùng mũi khoan bằng kim cương đã hồi phục sau một thời gian chữa trị.

Xác định việc can thiệp mạch vành cho ông Lạc, bà Bé bằng các phương pháp thông thường sẽ không an toàn, không thể mang lại kết quả tốt. Trước tình hình đó, các bác sĩ đã quyết định phải dùng mũi khoan được bọc bằng các hạt kim cương để xử lý. Mũi khoan được quay với vận tốc 140.000 - 200.000 vòng/phút. Công nghệ này khiến các mảng vôi được bào mòn mà không gây rách mạch vành. Khi tạo được đường đi, các bác sĩ có thể đưa dây dẫn, bóng vào mạch vành can thiệp an toàn.

21 triệu đồng/mũi khoan kim cương

Hai trường hợp nói trên là những ca bệnh đầu tiên sử dụng mũi khoan kim cương tại BVĐK Thống Nhất Đồng Nai với sự hỗ trợ của bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh và công ty chuyên về dụng cụ này. Phần vôi hóa của bệnh nhân cứng như đá vôi. Mũi khoan kim cương này nhằm cắt nhẵn phần bị vôi hóa. Khi đó, các bác sĩ không còn lo ngại mảng vôi cứa đứt dây dẫn khi đặt stent.

Riêng trường hợp của bà Bé, BS. Huy cho biết, khi can thiệp mạch vành, bác sĩ phải sử dụng đặt máy tạo nhịp để tránh rớt nhịp tim và ngưng tim. Khi nhịp tim rớt xuống, máy sẽ điều chỉnh để nâng nhịp tim. Sau khi quá trình can thiệp kết thúc, bác sĩ mới rút máy tạo nhịp. “Ca can thiệp động mạch cho bà Bé chỉ diễn ra 1 tiếng nhưng chúng tôi phải ứng dụng rất nhiều kỹ thuật, công nghệ: đặt máy tạo nhịp, dùng mũi khoan để bào mòn vôi hóa ở động mạch, đặt stent…”, BS. Huy chia sẻ.

Theo BS. Huy, thời gian qua, bệnh viên thường xuyên tiếp nhận tình trạng bệnh nhân bị vôi hóa mạch vành, nhưng mức độ nhẹ. Mức độ vôi hóa mạch vành cao như hai bệnh nhân trên rất hiếm, chỉ chiếm 1% trong các bệnh về mạch vành. Bác sĩ bắt buộc phải dùng mũi khoan kim cương hiện đại này để tránh xảy ra những rủi ro và cứu sống bệnh nhân. Trước đây, với các tổn thương như hai trường hợp bệnh nhân trên, bệnh viện đều phải chuyển lên tuyến trên. Đặc biệt, chi phí sử dụng mũi khoan kim cương để khoan các tổn thương vôi hóa ở động mạch vẫn còn khá cao, khoảng 21 triệu đồng. Mỗi mũi khoan chỉ dùng được một lần/bệnh nhân. Mũi khoan xoay tròn với tốc độ rất cao nhằm thông thoáng lòng mạch vành, loại bỏ những mảng xơ vữa vôi hóa giúp cho việc nong bóng mạch vành và đặt stent thuận lợi hơn.

Hiện nay, BHYT chưa thanh toán cho bệnh nhân sử dụng mũi khoan kim cương trong điều trị. Vì vậy, bệnh nhân phải chi khoảng 21 triệu đồng/mũi khoan. Tuy nhiên, bệnh viện đang tính toán những phương án tối ưu để nhiều bệnh nhân khác vẫn có thể sử dụng với chi phí mà bệnh nhân có thể chấp nhận được.

Ngăn ngừa xơ vữa động mạch vành phát triển

BS. Huy khuyến cáo, bản chất của bệnh mạch vành nguyên nhân chủ yếu do xơ vữa. Quá trình này tiến triển âm thầm, những trường hợp như hai bệnh nhân trên vẫn có khả năng tái phát bệnh ở những nơi khác. Vì vậy, các bệnh nhân này cần có lối sống lành mạnh, uống thuốc và chế độ ăn kiêng để ngăn ngừa xơ vữa động mạch vành phát triển. “Việc sử dụng các phương pháp hiện đại như trên chỉ giải quyết phần ngọn của căn bệnh mạch vành. Để chữa trị tận gốc, bệnh nhân phải điều chỉnh sinh hoạt, ăn kiêng và uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ”, BS. Huy nhấn mạnh.

Khánh Ngọc

Tác giả: Phạm Thị Bích Nhàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây