Bảo vệ tài nguyên trên núi Chứa Chan

Thứ năm - 22/03/2018 21:41
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

​Mùa khô 2015 - 2016, do không kiểm soát được việc sử dụng lửa của người dân vào rừng nên trên đỉnh núi Chứa Chan đã xảy ra vụ cháy rừng. Với quyết tâm không để xảy ra cháy, mùa khô 2017 - 2018, Đảng ủy, UBND huyện Xuân Lộc chỉ đạo ráo riết công tác tuần tra, tuyên truyền nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên rừng, nhất là các loài động vật quý hiếm mới phát hiện gần đây trên núi Chứa Chan.

Tăng cường công tác tuần tra

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Hạt phó Hạt kiểm lâm liên huyện Xuân Lộc - TX. Long Khánh, kiêm Phó giám đốc Ban quản lý và bảo vệ rừng, di tích quốc gia núi Chứa Chan Tôn Hà Quốc Dũng cùng 4 kiểm lâm viên lên đường đi tuần tra trên núi Chứa Chan. Nơi mà lực lượng đến là khu vực suối Lạnh (thuộc ấp Suối Cát 2, xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc) với nhiệm vụ tập trung ngăn chặn đối tượng lên núi đốt lửa bắt ong; tuyên truyền người dân làm vườn, rẫy sử dụng lửa cẩn thận, tránh để lửa cháy lan sang rừng; ghi nhận các loài động vật hoang dã trên núi để có phương án bảo vệ tốt.

Ông Dũng cho biết, hiện có khoảng 20 hộ dân sinh sống tại khu vực suối Lạnh. Tất cả các hộ đều có ý thức chấp hành công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR). “Qua những lần tuyền truyền, giờ đây bà con đã nâng cao ý thức chấp hành công tác bảo vệ rừng, PCCCR. Bên cạnh đó, họ còn tích cực tham gia cùng cơ quan chức năng trong việc báo tin những đối tượng lạ mặt có biểu hiện nghi vấn để lực lượng theo dõi và ngăn chặn kịp thời”, ông Dũng nói.


Cắm panô tuyên truyền dọc các con đường mòn đi lên núi Chứa Chan.

Một trong những hộ tích cực tham gia bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng phải kể đến gia đình ông Nguyễn Thành Tâm (55 tuổi, ấp Suối Cát 2, xã Suối Cát). Gia đình ông về định canh, định cư dưới chân núi Chứa Chan đã 30 năm. Bản thân ông Tâm ý thức rằng, rừng có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc sống của gia đình ông và người dân xung quanh; nếu để xảy ra cháy rừng thì lửa cũng có thể cháy lan sang rẫy mình đang canh tác, gây ra hậu quả khó lường; cháy rừng sẽ khiến nguồn nước nơi đây khô cạn, dẫn đến việc người dân thiếu nước sinh hoạt và tưới tiêu. Cho nên, những năm qua, ông đã tích cực tham gia cùng lực lượng thực hiện công tác bảo vệ rừng, PCCCR; sẵn sàng tham gia cùng lực lượng chức năng khi có sự cố cháy xảy ra. Ông thường nhắc nhở người thân nếu sử dụng lửa đốt rác, cỏ ngoài rẫy thì phải canh chừng và dùng nước dập lửa tắt hẳn trước khi rời khỏi. Bản thân ông đã nhiều lần tự xách nước dưới suối lên dập lửa do những người đi bắt ong, mót củi đốt. “Một lần, đối tượng lên núi vào ban đêm (khoảng 8 giờ tối) đốt lửa bắt ong. Thấy lửa cháy trên cây, tôi vội mang bình xịt và xách can nước chạy đến dập kịp thời, không để lửa cháy lan rộng vào rừng. Lần khác, một số người dân lên núi lấy củi, trong lúc ngồi hút thuốc vô tình để tàn thuốc rơi trúng thảm lá khô bén lửa cháy. Tôi cũng xách nước từ dưới chân núi chạy lên dập tắt khi lửa chưa kịp cháy lớn”, Ông Tâm kể.

Chỉ về con suối Lạnh, ông Võ Minh Thảo (người lớn lên ở ấp Suối Cát 2, xã Suối Cát) cho hay, trước đây, dòng suối này từng bị khô cạn một thời gian do nạn khai phá rừng. Về sau, khi chủ trương bảo vệ rừng được triển khai quyết liệt, khu rừng hồi sinh, dòng suối có nước trở lại. Nhờ dòng suối Lạnh này đã giúp bà con sử dụng nước trong sinh hoạt và tưới tiêu được thuận lợi. Do vậy, nhiều năm qua, gia đình ông Thảo cùng các hộ khác đã tích cực góp sức bảo vệ rừng bằng cách nhắc nhở những người vãng lai không được đốt lửa trên núi, báo tin cho các cơ quan chức năng đối với những đối tượng dùng lửa bắt ong… 

Theo ông Tôn Hà Quốc Dũng, núi Chứa Chan có tổng diện tích trên 1.792 ha, cao 837m, nằm trên địa bàn 4 xã: Xuân Trường, Xuân Thọ, Suối Cát, Xuân Hiệp và thị trấn Gia Ray. Núi có nhiều đá lộ thiên, lắm dốc cao và khe suối sâu nên việc đi lại rất khó khăn, hiểm trở. Mùa khô năm nay, Hạt Kiểm lâm phối hợp với các cơ quan, ban ngành, địa phương tăng cường công tác tuần tra trên núi, với quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. “Công tác tuần tra được triển khai thực hiện thường xuyên với sự phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm với Ban quản lý và bảo vệ rừng, di tích quốc gia núi Chứa Chan, địa phương 4 xã, thị trấn, cộng đồng dân cư tại chỗ, các cơ quan nhà nước. Hằng ngày, đều cử cán bộ trực PCCCR và giám sát các loài động vật trên núi. Bên cạnh đó, chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng cách cắm các biển cấm, panô dọc theo 16 con đường lên núi để người dân, khách tham quan nhìn thấy và chấp hành về bảo vệ và PCCCR. Đặc biệt, chúng tôi nghiêm cấm việc người dân dùng lửa bắt ong vì thời tiết đang khô hanh như hiện nay dễ dẫn đến cháy rừng”, ông Dũng chia sẻ.

Chủ động mọi tình huống

Hạt trưởng Hạt kiểm lâm liên huyện Xuân Lộc - thị xã Long Khánh Dương Văn Tài cho biết, núi Chứa Chan có nguồn tài nguyên rừng quý giá và đặc thù là khu di tích quốc gia nên công tác bảo vệ rừng, PCCCR được lãnh đạo các cấp hết sức quan tâm. Đến nay, huyện đã thành lập Ban chỉ huy quản lý bảo vệ rừng và PCCCR, với sự tham gia của các cơ quan, đơn vị liên quan. Trên cơ sở đó, Ban chỉ đạo được giao nhiệm vụ tham mưu cho UBND huyện xét duyệt chương trình kế hoạch để thực hiện phương án quản lý bảo vệ rừng và phương án PCCCR mùa khô 2017 - 2018. Công tác này đã được phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân, tổ chức để chủ động mọi tình huống có thể xảy ra.


Lực lượng kiểm lâm tuần tra tại khu vực suối Lạnh của núi Chứa Chan.

Hạt kiểm lâm đã xây dựng các kế hoạch PCCCR mùa khô, sau đó triển khai đến các xã, thị trấn, đặc biệt là 4 xã: Suối Cát, Xuân Hiệp, Xuân Trường, Xuân Thọ và thị trấn Gia Ray có chung diện tích rừng. Theo đó, chủ tịch các xã và thị trấn phối hợp chặt chẽ với các Hạt kiểm lâm thực hiện tốt công tác tuyền truyền về quản lý bảo vệ rừng, công tác PCCCR. Cụ thể, tuyên truyền người dân không được sử dụng lửa trong khi đi rừng; không được sử dụng lửa bắt ong trên núi; cắm những biển cấm trên các đường đi lên núi để du khách thấy và chấp hành. “Chúng tôi cũng đã làm việc với các xã và những hộ giữ xe dưới chân núi Chứa Chan, đối với những khách đi phượt và ở qua đêm thì phải lập danh sách, tên, giấy chứng minh, số xe… để quản lý chặt chẽ”, ông Tài chia sẻ.

Bên cạnh đó, Hạt kiểm lâm còn phối hợp Ban quản lý và bảo vệ rừng, di tích quốc gia núi Chứa Chan tăng cường công tác tuần tra trên núi vừa phòng cháy vừa để bảo vệ những loài động vật quý hiếm đang sinh sống trên núi vừa được phát hiện thời gian gần đây. Ngoài ra, đẩy mạnh tuyên truyền trên loa phát thanh của đơn vị du lịch cáp treo, phát tờ rơi ở điểm bán vé để du khách, người dân đi chùa trên núi Gia Lào biết và chấp hành đúng quy định.

Quyết tâm không để xảy ra cháy rừng

Quyết tâm không để xảy ra cháy rừng, đến nay, huyện Xuân Lộc đã chỉ đạo phát đường băng cản lửa và hoàn thiện 100%; mua sắm đầy đủ các dụng cụ, phương tiện phòng chống cháy và luôn trong tư thế sẵn sàng. Rút kinh nghiệm từ vụ cháy năm 2016, UBND huyện đã cấp kinh phí mua các ống dây dẫn nước để phục vụ việc PCCCR. Trên đỉnh núi, một số điểm có nước tự nhiên từ trong lòng đất chảy ra, huyện đã xây dựng thành những bể chứa nước và mua các ống dẫn để khi cháy xảy ra thì chuyền nước từ các bể đến khu vực cháy nhanh chóng, kịp thời. “Từ đầu mùa khô đến nay, chúng tôi đã triển khai thực hiện nhiều phương án bảo vệ rừng, PCCCR và luôn trong tư thế chủ động mọi tình huống. Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Xuân Lộc nói chung, núi Chứa Chan nói riêng chưa xảy ra vụ cháy nào”, ông Tài nói.

Thành Nhân

Tác giả: Lê Thành Nhân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây