Nửa đầu năm 2019, kinh tế Ðồng Nai được đánh giá tăng trưởng khá dù chịu ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và các tác động bất lợi của thời tiết, dịch bệnh… Trong đó, lĩnh vực sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao hơn các lĩnh vực kinh tế khác.
Cùng với đó, các doanh nghiệp trong nước ngày càng phát huy được nội lực, vươn ra thị trường thế giới bằng những đơn hàng xuất khẩu khả quan. Nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh và tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu.
Công nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá
Theo báo cáo của UBND tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của Ðồng Nai nửa đầu năm nay tiếp tục phát triển ổn định, tích cực. Cụ thể, tổng sản phẩm quốc nội trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm tăng 8,02% (cùng kỳ năm 2018 tăng 7,5%) và tăng cao hơn bình quân chung của cả nước gần 1,3%. Trong sự tăng trưởng chung đó, khu vực công nghiệp - xây dựng có mức tăng cao nhất với 9,09%; khu vực dịch vụ tăng 7,6%; khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 3,22%...
Sản xuất phôi nệm tại một trong những công ty liên kết của Công ty TNHH MTV Thế Linh.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hồ Văn Hà, “điểm sáng” lớn nhất trong 6 tháng đầu năm vẫn là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với hơn 1 tỷ USD (cả vốn đăng ký mới và tăng thêm), tăng 8% so với cùng kỳ năm 2018, còn thu hút đầu tư trong nước gần 7.400 tỷ đồng, tăng 7%. Doanh nghiệp thành lập mới là 1.728 doanh nghiệp, tăng gần 5% nhưng vốn đăng ký tăng đến 40%. Có được kết quả khả quan này là do tỉnh đã thực hiện tốt các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tích cực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của Ðồng Nai. 6 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt trên 9,4 tỷ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy vẫn duy trì mức xuất siêu nhưng tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đã chậm lại (các năm trước, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm luôn đạt trên 10%).
Giám đốc Sở Công Thương Dương Minh Dũng cũng cho rằng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu tại Ðồng Nai trong 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vừa được ký kết sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp ở Ðồng Nai gia tăng xuất khẩu vào thị trường 28 nước thuộc Liên minh châu Âu trong thời gian tới.
Doanh nghiệp mở rộng sản xuất, đa dạng hóa thị trường
Trong bối cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp vẫn phát huy được nội lực, một số doanh nghiệp nội trên địa bàn tỉnh đang ngày càng mở rộng quy mô sản xuất và tìm kiếm thêm các đơn hàng xuất khẩu.
Công ty TNHH Tương Lai ở huyện Long Thành là trường hợp điển hình. Công ty TNHH Tương Lai là doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm, linh kiện phụ trợ bằng nhựa, cao su phục vụ cho lắp ráp xe gắn máy, xe ô tô, khuôn mẫu và một số hàng chuyên dụng khác.
Giám đốc Công ty TNHH Tương Lai Trương Quốc Cường cho hay, hiện mỗi năm, doanh nghiệp sản xuất được 2 triệu sản phẩm, linh kiện. Gần 90% trong số đó là tiêu thụ nội địa với đối tác là các doanh nghiệp FDI trong các khu công nghiệp và một số nhà sản xuất, lắp ráp xe máy, xe ô tô, hơn 10% còn lại xuất khẩu sang Nhật Bản.
Theo ông Cường, đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm là yếu tố “sống còn” của doanh nghiệp, do vậy công ty đã đầu tư lớn để nhập máy móc hiện đại. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp đã đầu tư 20 tỷ đồng để nâng cấp trang thiết bị máy móc nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm. “Hiện công ty đang tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thuộc chương trình của Ngân hàng Thế giới tài trợ. Dự kiến, sau từ 1 năm rưỡi đến 2 năm nữa chúng tôi có thể đạt được các yêu cầu của chương trình và trở thành 1 trong 25 nhà cung cấp chuyên nghiệp của Việt Nam cho các tập đoàn lớn của thế giới”, ông Cường cho hay.
Tương tự, ở lĩnh vực sản xuất gỗ xuất khẩu, hiện tại mỗi tháng Công ty TNHH Hoài Phú Long (huyện Vĩnh Cửu) xuất được 40 container sang thị trường các nước. Trong đó, 50% hàng của doanh nghiệp được xuất trực tiếp qua Hàn Quốc, 50% còn lại xuất đi Nhật, Mỹ, Ðài Loan… Hiện tại, Công ty TNHH Hoài Phú Long có 3 nhà xưởng sản xuất gỗ ở Trảng Bom và Hố Nai. Tuy nhiên, trước nhu cầu đang tăng lên về sản phẩm gỗ của các đối tác trên thế giới, doanh nghiệp này đang tiếp tục mở rộng quy mô các nhà xưởng.“Chúng tôi đang hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để mở rộng thêm khoảng 4.000m2 nhà xưởng phục vụ sản xuất. Hiện nay đồ gỗ Hoài Phú Long đã có thương hiệu và chỗ đứng với các đối tác trên thế giới. Doanh nghiệp không phải đi tìm kiếm đơn hàng mà ngày càng có nhiều đối tác đến đặt vấn đề xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu thuận lợi song khó khăn nhất hiện nay của doanh nghiệp là nguồn lao động có tay nghề thiếu hụt và rất khó tuyển dụng”, Giám đốc Công ty TNHH Hoài Phú Long Tạ Ngọc Hoài chia sẻ.
Vương Thế
Tác giả: Vương Văn Thế
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập