Gỡ “rào cản” xuất khẩu

Thứ ba - 01/01/2019 22:16
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Đồng Nai đạt cột mốc xuất siêu đầu tiên năm 2014 với giá trị 625 triệu USD. Sau 5 năm, năm 2018, xuất siêu của Đồng Nai đạt hơn 2,6 tỷ USD, gấp 4 lần so với năm 2014, trở thành một trong số ít tỉnh, thành cả nước có mức xuất siêu cao.

Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn, giá trị xuất khẩu hằng năm của Đồng Nai phần lớn lại phụ thuộc vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tỷ trọng lên đến 85%. Để xuất khẩu mang tính bền vững, cần tiếp tục tháo gỡ các rào cản để khối doanh nghiệp nội phát triển tiềm lực, tăng nhanh giá trị xuất khẩu khi Việt Nam ngày càng tham gia vào nhiều chuỗi liên kết toàn cầu.

Xuất siêu tăng 4 lần sau 5 năm

Theo Sở Công Thương, kết thúc năm 2018, Đồng Nai đạt giá trị xuất khẩu 18,6 tỷ USD, tăng gần 12% so với năm trước và nhập khẩu khoảng 16 tỷ USD, tăng hơn 10%. Như vậy, xuất siêu năm 2018 có giá trị thặng dư đạt hơn 2,6 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay và chiếm trên 30% trong tổng xuất siêu của cả nước năm 2018 (7,2 tỷ USD).

Hiện Đồng Nai có 5 nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực có kim ngạch lớn là: giày dép, dệt may, xơ sợi dệt, máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng, sản phẩm gỗ. Nhóm mặt hàng chủ lực này hiện có tổng kim ngạch khoảng 10,2 tỷ USD, chiếm hơn một nửa kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh trong năm 2018. Riêng giày dép dẫn đầu trong các mặt hàng xuất khẩu năm 2018 với kim ngạch đạt gần 3,7 tỷ USD, đây cũng là mặt hàng xuất siêu lớn nhất.

Về thị trường, toàn tỉnh có gần 4.000 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu hàng hóa và sản phẩm được xuất qua khoảng 170 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, các thị trường lớn nhất là Mỹ, chiếm 22,9% tổng kim ngạch; Trung Quốc đạt 1,6 tỷ USD, chiếm 10,1%; Nhật Bản đạt 1,4 tỷ USD, chiếm 8,7%... Các thị trường khác cũng có kim ngạch xuất khẩu khá cao như Đài Loan, Hàn Quốc, Đức, Bỉ, Nga…

Từ những kết quả khả quan nói trên, năm 2019, ngành Công thương đặt ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 20 - 20,5 tỷ USD, tăng 10 - 12% so với năm 2018; kim ngạch nhập khẩu đạt 17,3 - 17,6 tỷ USD, tăng 8 - 10%, xuất siêu đạt khoảng 3 tỷ USD. Sở Công thương kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu và xuất siêu sẽ vượt kế hoạch khi trong năm 2019, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ được thông qua.

Để xuất khẩu bền vững hơn

Theo đánh giá của Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, tuy năm 2018 kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt giá trị cao song nhìn nhận một cách khách quan vẫn còn nhiều vấn đề. Cụ thể, qua thống kê, trong 18,6 tỷ USD xuất khẩu, doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm 1,2%, kinh tế tư nhân chiếm 13,6%, tuyệt đại đa số giá trị xuất khẩu đến từ các doanh nghiệp FDI với 85%.


 
Hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để khối doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò lớn hơn trong xuất nhập khẩu là nhiệm vụ trọng tâm của Đồng Nai trong năm 2019. Trong ảnh: Sản xuất đèn trang trí xuất khẩu tại Công ty TNHH Chiếc Lá Xanh, khu công nghiệp Hố Nai, huyện Trảng Bom.

Điều này đặt ra bài toán phải có giải pháp hỗ trợ để phát triển xuất khẩu đối với doanh nghiệp trong nước. Chẳng hạn như tăng cường kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI nhằm hạn chế nhu cầu nhập khẩu nguyên, vật liệu cũng là hướng phát triển bền vững.

Cũng theo Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, trong khi các doanh nghiệp FDI là thành viên của các tập đoàn trên thế giới, kinh nghiệm sản xuất, thị trường các nước rất phong phú và sản xuất theo chiến lược chung của tập đoàn thì đa số doanh nghiệp nội chưa đạt được quy mô như vậy. Định hướng thị trường của các doanh nghiệp nội nói chung còn yếu. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, để tăng giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp nội, cần có sự vào cuộc chủ động hơn nữa của cơ quan quản lý nhà nước. “Hiện nay, Việt Nam đã tham gia sâu vào các chuỗi liên kết kinh tế toàn cầu, các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương… Do đó, để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp buộc phải nắm bắt được chính sách của các thị trường mới. Đây là điểm yếu của doanh nghiệp trong nước nên cần có sự đồng hành, hướng dẫn từ cơ quan quản lý. Việc phổ biến thông tin cho doanh nghiệp cùng định hướng chiến lược xuất khẩu, tham vấn nhu cầu thị trường là việc làm thường xuyên mà Đồng Nai cần phải chú trọng”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải lưu ý.

Đối với Đồng Nai, những năm qua, lãnh đạo tỉnh cũng đã nhận thấy điểm yếu nói trên trong cán cân xuất nhập khẩu. Do đó, hiện nay chính sách của tỉnh là siết chặt việc thu hút đầu tư nước ngoài, ưu tiên các dự án cần nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ mà doanh nghiệp Việt có thể đáp ứng nhằm hạn chế nhập khẩu. Bên cạnh đó, việc mở rộng giao thương của Đồng Nai đối với các nước đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ hơn thông qua đối thoại doanh nghiệp, tổ chức nhiều chuyến xúc tiến thương mại quốc tế và tìm cơ hội hợp tác kinh tế với các nước cũng như tập đoàn đa quốc gia…

“Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế, năm 2019, Đồng Nai coi vấn đề hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm để khối doanh nghiệp nội có điều kiện phát triển. Việc thu hút doanh nghiệp FDI cũng sẽ theo hướng không chạy theo tổng mức đầu tư mà chú trọng hiệu quả, tạo sự kết nối với doanh nghiệp trong nước, tránh rủi ro trong tương lai”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh khẳng định tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Sở Công Thương.

Vương Thế

Tác giả: Vương Văn Thế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây