“Gặt hái” thành công, doanh nghiệp FDI mở rộng sản xuất

Thứ ba - 25/09/2018 23:36
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Những năm gần đây, dòng vốn FDI vào Đồng Nai ghi nhận sự chuyển biến khi số dự án cũng như số vốn điều chỉnh tăng thêm chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu nguồn vốn FDI đầu tư vào địa bàn tỉnh. Đây là kết quả của việc Đồng Nai đã tạo lập được một môi trường đầu tư tốt, tạo thuận lợi cho quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.​

Doanh nghiệp FDI nhộn nhịp mở rộng sản xuất 

Năm 2013, Công ty TNHH Terumo BCT Việt Nam (Công ty Terumo, vốn đầu tư Nhật Bản) chính thức đầu tư và hoạt động sản xuất thiết bị y tế tại khu công nghiệp (KCN) Long Đức, huyện Long Thành. Khi mới đi vào hoạt động, Công ty Terumo đăng ký số vốn gần 99 triệu USD. Đến nay, sau gần 6 năm hoạt động, công ty đã 3 lần tăng vốn, lên gần 175 triệu USD.

Chia sẻ về lý do liên tục mở rộng đầu tư sản xuất của doanh nghiệp, ông Florian Deichmann, Tổng giám đốc Công ty Terumo cho biết, Đồng Nai có môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp, hệ thống pháp luật đầy đủ, phù hợp thông lệ quốc tế.

Ngoài ra, các dịch vụ cung ứng cho việc sản xuất như điện và nhiều tiện ích khác cũng rất tốt. Đặc biệt, từ khi có tuyến đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, việc di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh đến KCN Long Đức cũng thuận tiện hơn. “Công ty có đội ngũ lao động kỹ thuật cao đang sinh sống từ TP. Hồ Chí Minh. Hiện thời gian di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh đến công ty chỉ gần 1 giờ đồng hồ nên rất thuận lợi cho người lao động đi lại làm việc. Đồng thời, việc vận chuyển hàng hóa cũng nhanh chóng hơn”, ông Florian Deichmann cho hay.


 Đồng Nai tiếp tục là điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Trong ảnh: Công nhân Công ty Advanced Multitech VN, KCN Nhơn Trạch 3, huyện Nhơn Trạch trên chuyền sản xuất.

Cũng chính bởi những lý do trên nên dự kiến trong 5 năm tới, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục đầu tư thêm 50 triệu USD nữa để mở rộng quy mô sản xuất tại Đồng Nai.

Tương tự, năm 2006, Công ty TNHH Koyu & Unitek (chuyên chế biến thịt gà) cũng đầu tư 5 triệu USD để mở nhà máy tại KCN Long Bình, TP. Biên Hòa. Đến năm 2018, số vốn đăng ký của công ty đã tăng gần 3 lần so với ban đầu, đạt gần 15 triệu USD. Đồng thời, doanh nghiệp cũng đã đầu tư thêm 3 dây chuyền sản xuất mới so với 1 dây chuyền thời điểm ban đầu. Hiện Công ty TNHH Koyu & Unitek là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất đưa được sản phẩm thịt gà chế biến của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản. Thuận lợi trong kinh doanh nên Công ty TNHH Koyu & Unitek đang có ý định tiếp tục tăng vốn, xây dựng thêm nhà máy chế biến.

Theo ông Jame Khưu Nhơn Hiếu, Tổng giám đốc Công ty TNHH Koyu & Unitek, để có nguồn nguyên liệu gà sạch phục vụ chế biến xuất khẩu sang Nhật, doanh nghiệp phải liên kết với nông dân, chăn nuôi trong vùng không có dịch bệnh. Nhờ chính quyền vào cuộc quyết liệt, xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh tại huyện Tân Phú nên công ty mới có nguồn cung gà đảm bảo tiêu chuẩn sạch, được đối tác Nhật Bản chứng nhận. “Đồng Nai có thế mạnh về chăn nuôi gia cầm, trong đó có con gà. Đặc biệt, Đồng Nai cũng có những chính sách phù hợp mang lại cơ hội phát triển cho doanh nghiệp”, ông Jame Khưu Nhơn Hiếu chia sẻ.

Ngoài ra, theo ông Jame Khưu Nhơn Hiếu, trong thời gian qua, doanh nghiệp cũng được các cơ quan chức năng của tỉnh tạo mọi thuận lợi trong việc hoàn thành các thủ tục theo quy định. Mỗi lần doanh nghiệp điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, xin giấy phép xây dựng đều được tạo thuận lợi, giải quyết hồ sơ trước hạn.

Thống kê của Ban quản lý các KCN tỉnh (DIZA) cho thấy, khoảng 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm có khoảng 100 doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh thực hiện điều chỉnh tăng vốn, mở thêm nhà xưởng sản xuất. Đặc biệt, trong các năm 2014, 2015 và năm 2017 số dự án và số vốn điều chỉnh tăng thêm đều cao hơn so với số dự án và số vốn đầu tư mới. Riêng 8 tháng của năm 2018, theo Sở Kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT), trong số gần 150 dự án đăng ký mới và tăng thêm với tổng vốn hơn 1,2 tỷ USD, có đến 70 dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn tăng thêm 622,7 triệu USD, cao hơn con số 585 triệu USD dự án cấp mới.

Phó trưởng Ban DIZA Mai Văn Nhơn chia sẻ, yếu tố quyết định khiến các doanh nghiệp quyết định tăng vốn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất chính là sự hiệu quả mà doanh nghiệp gặt hái được khi đầu tư vào Đồng Nai. Theo đó, từ khi mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài (năm 1988) đến nay, 95% doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp

Theo ông Mai Văn Nhơn, trong thu hút FDI, Đồng Nai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, không đề ra những ưu đãi mang tính địa phương. Do đó, việc nhà đầu tư quyết định gắn bó lâu dài và mở rộng sản xuất đến từ môi trường đầu tư ngày càng hấp dẫn của tỉnh.

Với phương châm, chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, tuy không có những chính sách ưu đãi đặc thù riêng trong thu hút vốn FDI nhưng Đồng Nai đề ra hàng loạt giải pháp nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp. “Hằng năm, tỉnh tổ chức nhiều buổi đối thoại nhằm giải quyết các vướng mắc cho doanh nghiệp, liên hệ với các địa phương có nguồn lao động lớn để hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động. Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm đến công tác đầu tư xây dựng hạ tầng, các công trình phúc lợi, xã hội, giao thông trong và ngoài KCN”, ông Nhơn cho hay.

Theo ông Nhơn, một trong những “điểm nhấn” giúp Đồng Nai tạo được ấn tượng tốt với nhà đầu tư FDI chính là việc cải cách các thủ tục hành chính. Khi doanh nghiệp đến xin cấp phép đầu tư, nếu hồ sơ chưa đầy đủ, DIZA vẫn nhận và đề nghị doanh nghiệp bổ sung sau. Năm 2017, DIZA tiếp nhận 785 hồ sơ xin cấp và điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, toàn bộ số hồ sơ này đều được trả trước và đúng hạn. “Đối với các vấn đề liên quan đến sở, ngành khác, chúng tôi tìm hiểu, hướng dẫn doanh nghiệp cách giải quyết. Đây là những việc rất đơn giản, nhưng với nhà đầu tư nước ngoài thì có ý nghĩa rất lớn”, ông Nhơn nhấn mạnh.

Năm 2017, Bộ KH-ĐT có Thông tư 02 hướng dẫn về cơ chế phối hợp giải quyết thủ tục đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp đối với nhà đầu tư FDI. Theo đó, doanh nghiệp FDI sẽ thực hiện đăng ký doanh nghiệp tại Sở KH-ĐT và đăng ký đầu tư tại các KCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế. Tuy nhiên, từ trước đó, DIZA đã sớm thực hiện việc liên thông làm thủ tục với Sở KH-ĐT cho doanh nghiệp. “DIZA nhận hồ sơ giùm cho nhà đầu tư, làm hồ sơ đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp và gửi cho Sở KH-ĐT. Điều này tạo cho doanh nghiệp thấy các thủ tục chỉ cần qua một cửa, đồng thời cũng giúp rút ngắn thời gian thực hiện”, ông Nhơn cho biết.

Nhờ những giải pháp cụ thể nêu trên, hiện thời gian trung bình để hoàn tất các các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, xây dựng, môi trường… mà doanh nghiệp thực hiện tại DIZA được giảm một nửa theo quy định của pháp luật. 

5 dự án tăng vốn lớn từ đầu năm đến nay 

Nhà máy Bosch Gasoline Systems - HCP (Hà Lan) tại KCN Long Thành điều chỉnh vốn tăng thêm trên 71 triệu USD; Công ty cao su Kenda Việt Nam (Đài Loan, KCN Giang Điền) điều chỉnh vốn tăng thêm 56 triệu USD; Công ty CP dược phẩm OPV (Singapore, KCN Biên Hòa 2)  tăng vốn thêm 47,7 triệu USD; Công TNHH SMC Manufacturing Việt Nam (Nhật Bản, KCN Long Đức) đăng ký vốn đầu tư tăng thêm 47 triệu USD. Riêng Công ty TNHH Hyosung Việt Nam (Hàn Quốc, KCN Nhơn Trạch 5) đăng ký tăng vốn thêm 36 triệu USD, nâng số vốn của doanh nghiệp này tại Đồng Nai lên hơn 1,5 tỷ USD.

Phạm Tùng

Tác giả: Phạm Văn Tùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây