Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Thứ tư - 05/06/2019 00:26
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Nhìn lại hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 108 năm, càng khắc sâu những hy sinh, đóng góp to lớn của Người đối với sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc; làm thay đổi vận mệnh của cả dân tộc từ thân phận nô lệ thành một dân tộc độc lập, tự do và góp phần to lớn vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.​

Noi gương Bác, việc xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh được xác định là động lực to lớn trong phát triển đất nước; giải pháp quan trọng, cấp bách trong xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị giai đoạn hiện nay.

Hành trình 30 năm tìm đường cứu nước

Ngày 5-6-1911, tại Bến cảng Nhà Rồng, TP. Sài Gòn - Gia Định (nay là TP. Hồ Chí Minh), người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành khi đó vừa 21 tuổi với tên Văn Ba đã rời Tổ quốc trên con tàu Amiran Latusơ Tơrêvin, bắt đầu hành trình 30 năm tìm đường cứu nước. Người rất ngưỡng mộ lòng yêu nước của các bậc tiền bối nhưng sớm nhận ra con đường của họ sẽ không giải phóng được dân tộc mà cần thiết phải có một con đường mới, phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử để giành lại độc lập, tự do. Người sang phương Tây xem nước Pháp và các nước độc lập phát triển như thế nào để trở về giúp đồng bào ta, đất nước ta thoát khỏi cảnh lầm than nô lệ dưới ách áp bức của thực dân, phong kiến.

Trong quá trình tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã nhanh chóng nắm bắt được đặc điểm của thời đại mới, thời đại sau Cách mạng tháng Mười Nga và tổng kết, khái quát thành những quan điểm lý luận về nhu cầu, khả năng, điều kiện hợp tác giữa các dân tộc.


Đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm phục vụ tốt hơn yêu cầu của Nhân dân. Trong ảnh: Cán bộ bộ phận “một cửa” xã Phú Đông (huyện Nhơn Trạch) giải quyết thủ tục hành chính cho dân.

Sau khi nắm bắt được đặc điểm của thời đại mới, Hồ Chí Minh đã hoạt động tích cực để gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới. Người không chỉ xuất phát từ những mục đích chính trị - xã hội của thời đại - độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội, mà còn vì sự phát triển nhanh chóng của lực lượng sản xuất thế giới. 

Tháng 6-1919, thay mặt những người Việt Nam yêu nước, Người gửi bản yêu sách 8 điểm ký tên Nguyễn Ái Quốc tới hội nghị Vécxai đòi các quyền tự do, bình đẳng cho dân tộc Việt Nam. Tháng 7-1920, Nguyễn Ái Quốc đọc bản Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa. Tại Đại hội Đảng xã hội Pháp tháng 12-1920, Người đã bỏ phiếu tán thành Quốc tế 3, tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người đảng viên cộng sản đầu tiên của Việt Nam…

Người tiếp tục hoạt động ở Pháp, đến Liên Xô, đi nhiều nước, đến cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc) và thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (6-1925); xuất bản báo Thanh niên (1925), tác phẩm Đường Kách mệnh (1927), mở nhiều lớp huấn luyện cán bộ…

Từ ngày 6-1 đến ngày 7-2-1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Người đã chủ trì hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ 1930 - 1941, Người hoạt động ở nước ngoài nhưng chỉ đạo sát phong trào cách mạng trong nước. Ngày 28-1-1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Người trở về Tổ quốc (Pác Bó, Cao Bằng) và trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng toàn quốc lần thứ 8 (5-1941), thành lập Mặt trận Việt Minh, sáng lập báo Việt Nam độc lập, tổ chức lực lượng, xây dựng căn cứ địa và trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (2-9-1945)…

Phát huy thành quả cách mạng tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã đoàn kết, vượt qua bao khó khăn, thử thách và giành thắng lợi vĩ đại trong 30 năm bảo vệ độc lập dân tộc (1945 - 1975) cũng như đạt nhiều thành tựu kinh tế - xã hội sau hơn 30 năm đổi mới đất nước.

Xây dựng ý thức trọng dân

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân là di sản to lớn Bác để lại cho Đảng, dân tộc và nhân dân ta. Theo Bác, muốn thật sự tôn trọng nhân dân thì phải hiểu dân. Chính tài dân, sức dân, của dân, quyền dân, lòng dân, sự khôn khéo, hăng hái, anh hùng đã tạo nên “cái gốc” của dân. Cùng với thái độ đánh giá cao vai trò của nhân dân, ý thức tôn trọng nhân dân còn phải đặc biệt chú ý không xâm phạm đến lợi ích, quyền lợi hợp pháp, không xúc phạm nhân dân. Phải luôn luôn tôn trọng và giữ gìn của công, của Nhân dân.

Ý thức tôn trọng Nhân dân thể hiện nổi bật ở sự thống nhất giữa tư tưởng đạo đức và tư tưởng chính trị của Người. Tôn trọng Nhân dân trong đạo đức Hồ Chí Minh là đề cao ý dân, sức dân, bởi “Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Người yêu cầu cán bộ, đảng viên hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, yêu kính Nhân dân, thật sự tôn trọng Nhân dân.

Thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo Bác theo tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, tạo sự chuyển biến tích cực và lan tỏa sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Tấn Linh nhìn nhận, chỉ trong vòng 3 năm trở lại đây, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. Đã có trên 90 ngàn lượt đảng viên, hơn 730 ngàn đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia học tập các chuyên đề hằng năm. Các mô hình hay, việc làm tốt đều được quan tâm triển khai thực hiện và phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Có thể kể đến như: “Lắng nghe dân nói, tôn trọng dân để học và hiểu dân” ở nhiều cấp ủy, chính quyền trên địa bàn huyện Xuân Lộc, Thống Nhất, Trảng Bom, các sở, ngành của tỉnh; đối thoại tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn ở các địa phương Long Thành, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ, TP. Long Khánh, Biên Hòa…

Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy, giai đoạn 2016 - 2019, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức trên 350 cuộc đối thoại, trao đổi với dân; ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của dân cũng như nhiều giải pháp hay từ dân; chính quyền các cấp nỗ lực trong cắt giảm các thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân đạt trên 95%, trong đó tỷ lệ đúng và trước hạn hơn 96%; hệ thống đánh giá tự động tại Trung tâm Hành chính công trong tỉnh ghi nhận có trên 99% ý kiến người dân hài lòng với cán bộ công chức tại trung tâm…

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh “Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của dân”. Để tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, nhất là chủ đề năm 2019, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Tấn Linh cho rằng, cần tập trung quán triệt sâu sắc hơn nữa những nội dung cơ bản của Chỉ thị 05 và chuyên đề 2019 gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng; đồng thời chú trọng biểu dương, nhân rộng những mô hình hay, những việc làm tốt trong học tập và làm theo Bác. Từ đó tạo sức lan tỏa và chuyển biến tích cực trong toàn thể cán bộ, đảng viên về ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy sức mạnh từ dân trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. 

Nguyệt Hà

Tác giả: Cù Thị Thuận

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây