(CTT-Đồng Nai) - Đây là kết quả mà các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN), Đoàn Thanh niên và ngành Tài nguyên và Môi trường thực hiện được trong thời gian qua.

Hội LHPN huyện Vĩnh Cửu tổ chức ra mắt các điểm thực hiện mô hình Phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế tại nguồn tại xã Thạnh Phú
Hội LHPN huyện Vĩnh Cửu tổ chức ra mắt các điểm thực hiện mô hình Phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế tại nguồn tại xã Thạnh Phú
Bên cạnh việc thành lập các điểm thực hiện mô hình, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh, Tỉnh đoàn, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tập trung tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân về phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế tại nguồn.
Trong đó, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức cuộc thi thiết kế video clip truyền thông về bảo vệ môi trường năm 2024 chủ đề Phụ nữ Đồng Nai sống xanh tuyên truyền cán bộ Hội, hội viên phụ nữ sinh sống trên địa bàn tỉnh tham gia thiết kế các sản phẩm truyền thông hướng dẫn, giới thiệu mô hình, gương điển hình, các hoạt động, các giải pháp… Qua đó, khuyến khích hội viên, phụ nữ tìm hiểu nội dung tuyên truyền và chia sẻ thông tin trên đến đông đảo người sử dụng mạng xã hội cùng chung tay bảo vệ môi trường.
Tỉnh đoàn tổ chức Cuộc thi truyền thông Mini game phân loại chất thải rắn tại nguồn năm 2024 triển khai đến 100% cơ sở Đoàn trực thuộc. Sau 2 tuần triển khai, công tác truyền thông Cuộc thi đã tiếp cận được trên 2,8 ngàn lượt tiếp cận, tương tác trên các nền tảng mạng xã hội do tổ chức Đoàn quản lý và thu hút hơn 750 lượt đăng ký tham gia.
Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với sở ban ngành, các đơn vị liên quan truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng các sự kiện, tuần lễ và chiến dịch tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và tổ chức các hội thi về môi trường.
Đồng thời phối hợp tổ chức lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến kỹ năng, kinh nghiệm truyền thông về môi trường; hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, chống rác thải nhựa và thực hiện mô hình. Xây dựng tờ hướng dẫn, sổ tay hướng dẫn phân loại, thu gom chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế.
Các đơn vị còn phối hợp tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức về công tác bảo vệ môi trường tại các địa phương trong tỉnh. Tại các địa phương, thông qua các buổi sinh hoạt tại cơ sở, Hội LHPN, Đoàn Thanh niên và ngành tài nguyên và môi trường đã tuyên truyền về bảo vệ môi trường; lợi ích của việc phân loạt chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế tại hộ gia đình. Bên cạnh đó tuyên truyền về ý nghĩa của mô hình góp phần nâng cao ý thức phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế từ hộ gia đình…
Từ các điểm thực hiện mô hình dân vận khéo Phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế tại nguồn, các cấp Hội đã thu gom được gần 173 ngàn kg chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế với số tiền thu được sau khi bán gần 236 triệu đồng.
Nguồn kinh phí bán chất thải rắn đã được các cấp Hội tổ chức trao học bổng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; tặng quà trẻ mồ côi, các trường hợp khó khăn, gia đình chính sách; đổi chất thải lấy quà; tặng thẻ bảo hiểm y tế… với tổng kinh phí trên 200 triệu đồng. Số tiền còn lại hỗ trợ các hoạt động Hội ở cơ sở; các hoạt động xây dựng cảnh quan đô thị, khu dân cư Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp…

Tại lễ ra mắt, cán bộ, hội viên, phụ nữ đã tham gia hoạt động đổi rác thải có khả năng tái sử dụng, tái chế lấy quà
Tại lễ ra mắt, cán bộ, hội viên, phụ nữ đã tham gia hoạt động đổi rác thải có khả năng tái sử dụng, tái chế lấy quà