Xây dựng mạng lưới giao thông kết nối cho sân bay Long Thành

Thứ sáu - 18/12/2020 06:53
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
​Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành đã chính thức được Chính phủ phê duyệt. Để đảm bảo khai thác tốt “siêu” sân bay Long Thành, việc đầu tư, xây dựng mạng lưới giao thông kết nối có vai trò hết sức quan trọng
z2211027914634_2d50c5fa378407d03e123e38b0311e43.jpg
Đường cao tốc Bến Lức- Long Thành (đoạn quan xã Phước Thái, H.Long Thành) một trong những tuyến kết nối giao thông cho sân bay Long Thành đang được triển khai xây dựng.
Sân bay Long Thành được xây dựng với công suất thiết kế 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Đối với quá trình xây dựng, sân bay Long Thành được chia làm 3 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1 sẽ hoàn thành xây dựng vào năm 2025 gồm một đường băng cất hạ cánh và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Để phát huy hiệu quả khai thác, Bộ GT-VT cùng với các địa phương đã thống nhất quy hoạch đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông kết nối với sân bay Long Thành gồm các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt.
Trong quy hoạch hệ thống giao thông kết nối, đảm nhiệm vai trò kết nối trực tiếp từ sân bay Long Thành đến các tuyến đường ngoại giao liên vùng sẽ là 2 tuyến đường số 1 và 2 sẽ được đầu tư xây dựng mới. Trong đó, tuyến đường số 1 (dài 3,8km) sẽ kết nối từ quốc lộ 51 vào đến sân bay Long Thành và tuyến số 2 (dài 3,5km) bắt đầu từ đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, kết nối trực tiếp vào tuyến số 1.
Cũng đóng vai trò kết nối sân bay Long Thành với các tuyến giao thông đối ngoại còn có 2 tuyến đường tỉnh 25B và 25C. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, đây là 2 tuyến đường vừa đóng vai trò trục chính của đô thị Long Thành- Nhơn Trạch vừa đóng vai trò kết nối giao thông cho sân bay Long Thành.
Đối với các tuyến giao thông đối ngoại, đóng vai trò kết nối sân bay Long Thành với các địa phương khác trong vùng, theo quy hoạch sẽ có các tuyến đường bộ bao gồm cả các tuyến đường cao tốc và 2 tuyến đường sắt.

 z2211028509852_9d41f208ec76a6b8bc68a1f818b13ef6.jpg
Cụ thể, để đảm bảo kết nối giao thông liên vùng với sân bay Long Thành sẽ là 2 tuyến đường Vành đai 3 và 4. Trong đó, đường Vành đai 4 là tuyến đường kết nối chính sân bay với các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm: Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh.

Riêng với hệ thống đường cao tốc, theo quy hoạch, trên địa bàn tỉnh có 5 tuyến cao tốc đi qua. Trong đó, có 3 tuyến cao tốc đóng vai trò kết nối giao thông cho sân bay Long Thành gồm: TP.HCM- Long Thành- Dầu Giây; Bến Lức- Long Thành và Biên Hòa- Vũng Tàu. Hiện nay, tuyến cao tốc TP.HCM- Long Thành- Dầu Giây đã hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác với quy mô 4 làn xe. Đường cao tốc Bến Lức- Long Thành đang được triển khai xây dựng và đường cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu đang thực hiện các bước đầu tư.
Ngoài đường bộ, để đảm bảo kết nối giao thông cho sân bay Long Thành, theo quy hoạch cũng có 2 tuyến đường sắt sẽ được đầu tư xây dựng gồm một tuyến đường sắt tốc độ cao và một tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm- Long Thành kết nối trực tiếp đến nhà ga.
Nam Vũ

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây