Thời gian qua, một số đối tượng dùng nhiều thủ đoạn để lừa đảo người mua đất, trong đó có việc sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất giả để chiếm dụng tài sản của người khác. Do có, đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải tăng cường quản lý chặt chẽ, đồng thời người dân cần nâng cao cảnh giác để tránh những thiệt hại về tài sản không đáng có.
Lừa đảo bằng “sổ đỏ” giả.
TAND tỉnh đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Minh Hoàng (58 tuổi, ngụ P.Tân Vạn, TP.Biên Hòa) 12 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Theo công an một số địa phương, gần đây đã phát hiện một số vụ việc làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ), nhà và tài sản gắn liền với đất khá tinh vi, với thủ đoạn liều lĩnh khiến nhiều người bị mất tiền từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng.
Cụ thể, một số đối tượng làm giả các loại giấy tờ liên quan đến đất như giấy chứng nhận QSDĐ; tự vẽ, in các sơ đồ thửa đất để quảng cáo; các loại giấy tờ tùy thân…, sau đó đăng lên mạng xã hội để chào mời khách mua đất. Thông thường sẽ có từ 2 đối tượng trở lên cùng thực hiện hành vi này và sau khi lừa đảo được tiền của khách sẽ chia nhau tiêu xài rồi bỏ trốn.
Gần đây nhất vào ngày 19-6, Công an xã Xuân Tây (H.Cẩm Mỹ) đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Cảm (31 tuổi, quê H.Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan tổ chức.
Quá trình điều tra xác định, để lừa tiền của người khác, thông qua mạng xã hội, Cảm và Nguyễn Ngọc Hùng (40 tuổi, ngụ xã Xuân Đông, H.Cẩm Mỹ) đã làm giả giấy chứng nhận QSDĐ và các giấy tờ tùy thân. Sau khi làm xong giấy tờ giả, Hùng đưa ảnh các giấy tờ lên mạng xã hội Zalo để rao bán đất. Thấy Hùng rao bán đất, anh Nguyễn Văn Cường (ngụ xã Xuân Tây, H.Cẩm Mỹ) đã liên hệ để mua đất. Đến tối 19-6, Cảm mang các giấy tờ đất làm giả đến nhà anh Cường để tiến hành giao dịch mua bán đất và nhận tiền cọc 200 triệu đồng. Trong lúc giao dịch, anh Cường nghi ngờ giấy tờ của Cảm được làm giả nên đã báo công an bắt giữ đối tượng. Riêng Hùng đã bỏ trốn.
Một số đối tượng không chỉ làm giả giấy tờ mà còn mở văn phòng công chứng giả nhằm đưa “con mồi” vào tròng. Công an tỉnh vừa hoàn tất hồ sơ đề nghị truy tố đối với Hoàng Thị Kiều Trang (33 tuổi, ngụ P.Bình Đa, TP.Biên Hòa), Hoàng Thị Trang (27 tuổi, ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) và Nguyễn Ngọc Nga (30 tuổi, ngụ TT.Long Thành, H.Long Thành) về các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả giấy tờ của cơ quan tổ chức.
Các đối tượng khai nhận, để có tiền tiêu xài và trả nợ, Kiều Trang, Hoàng Thị Trang và Ngọc Nga đã bàn bạc làm giả sổ hồng, chứng minh nhân dân, mở văn phòng công chứng giả rồi tìm người dân có nhu cầu mua đất để lừa đảo chiếm đoạt tiền. Các đối tượng làm giả giấy chứng nhận QSDĐ đối với lô đất số 205 (đường Võ Thị Sáu, P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) và một số giấy tờ mang tên Nguyễn Thị Ngoan (sinh năm 1986, ngụ P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) nhưng dán hình của Hoàng Thị Trang. Với thủ đoạn lừa đảo bằng giấy tờ giả và lập phòng công chứng giả, ngày 21-9-2020, các đối tượng đã lừa được 3 người đến từ TP.HCM mua đất với tổng số tiền 4 tỷ đồng.
Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”
Ngoài sự tinh vi của các đối tượng lừa đảo, theo đánh giá của cơ quan công an, để xảy ra tình trạng trên một phần do người dân nhẹ dạ, cả tin, thực hiện các giao dịch mua bán, làm giấy tờ nhà đất với số tiền lớn nhưng không tìm hiểu kỹ thông tin về thửa đất dẫn đến bị lừa đảo. Ngoài làm giả giấy chứng nhận QSDĐ, một số đối tượng còn tự nhận có thể làm các loại giấy tờ nhà, đất để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người khác.
Vào cuối tháng 5-2021, TAND tỉnh đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Minh Hoàng (58 tuổi, ngụ P.Tân Vạn, TP.Biên Hòa) 12 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo nội dung vụ án, vào năm 2011, Hoàng quen với anh Huỳnh Trần Trung Hiếu (ngụ TP.HCM). Khi biết anh Hiếu có nhu cầu làm giấy chứng nhận QSDĐ, Hoàng đã tự giới thiệu mình là cán bộ Ban Quản lý dự án thuộc UBND TP.HCM, quen biết nhiều cán bộ lãnh đạo nên có thể làm giấy tờ đất cho anh Hiếu, nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tin lời của Hoàng, anh Hiếu đã nhiều lần giao cho Hoàng tổng số tiền hơn 550 triệu đồng tại TP.Biên Hòa. Sau khi cầm được số tiền trên, Hoàng đã chiếm đoạt tiêu xài hết rồi bỏ trốn. Đến ngày 30-4-2020, Hoàng bị bắt giữ theo quyết định truy nã.
Trung tá Võ Nhật Hồng Phúc, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cho biết, hiện nay các đối tượng lừa đảo có nhiều cách thức thực hiện hành vi lừa đảo tinh vi, xảo quyệt, rất khó phát hiện và xử lý, tài sản khó thu hồi. Trong đó, việc thông tin, giao dịch đất đai thông qua mạng xã hội cũng diễn ra khá phổ biến và nhiều người dân vì không tìm hiểu kỹ nên dễ bị mắc “bẫy”.
Do đó, người dân có nhu cầu mua bán bất động sản, làm giấy tờ nhà đất trên địa bàn cần chú ý đề cao cảnh giác trước những thủ đoạn hoạt động của các đối tượng tội phạm nói trên. Khi thấy có biểu hiện bất thường như giá đất quá rẻ so với thị trường, giấy tờ có biểu hiện làm giả như: bị tách, dán, con dấu trên giấy tờ không rõ hoặc có sự khác lạ... thì cần trình báo cơ quan chức năng để được hỗ trợ, kiểm tra. Đồng thời, khi thực hiện việc mua bán đất hoặc làm giấy tờ đất cần đến cơ quan công chứng nhà nước, phòng công chứng uy tín, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện để thực hiện giao dịch, làm thủ tục mua bán, chuyển nhượng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất nhằm đảm bảo an toàn trong các giao dịch, tránh bị mất tiền oan.
Nhật Minh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập