Hoạt động “tín dụng đen” đang có nhiều biến tướng, nhất là trên mạng xã hội, các app cho vay tiền. Người dân phải luôn tỉnh táo, tránh “sập bẫy” để rồi chịu nhiều hệ lụy.

Một nhóm cho vay lãi nặng đã bị Công an H.Trảng Bom bắt giữ, xử lý
Một nhóm cho vay lãi nặng đã bị Công an H.Trảng Bom bắt giữ, xử lý
Chỉ vì thiếu tiền sinh hoạt, kinh doanh… mà nhiều người bỏ mặc lời cảnh báo của cơ quan chức năng để liên hệ vay tiền trên mạng xã hội, các app cho vay tiền. Cuối cùng phải chịu hậu quả “lãi mẹ đẻ lãi con” khiến cho người vay rơi vào khốn cùng.
Nợ khó trả
Điển hình như trường hợp anh N.Q.N. (ngụ H.Vĩnh Cửu). Do thiếu tiền đầu tư chăn nuôi nên sau khi lên mạng tìm nơi vay tiền, anh được giới thiệu vay online với lãi suất thấp, thủ tục nhanh gọn, đơn giản.
Sau khi được giải ngân số tiền 20 triệu đồng vào tài khoản, hàng tháng anh N. đều trả tiền lãi và gốc hơn 2 triệu đồng đúng hạn. Thế nhưng, dù đã trả trong 10 tháng thì số tiền gốc của anh vẫn còn hơn 15 triệu đồng. Khi trễ hẹn trả tiền là anh N. bị các đối tượng cho vay gọi điện đe dọa.
Nhiều người không thường xuyên sử dụng mạng xã hội vẫn chọn cách tiếp cận nguồn cho vay từ các tờ rơi, giấy dán thông báo cho vay tràn lan ở các cột điện hoặc nơi công cộng. Điển hình như trường hợp bà T.A. (ngụ xã Bình Minh, H.Trảng Bom) do cần tiền kinh doanh đã vay tiền của Phạm Việt Hùng (22 tuổi, ngụ xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom) với tổng số tiền 50 triệu đồng. Lãi suất Hùng yêu cầu bà T.A. phải trả là 20 ngàn đồng/1 triệu đồng tiền vay/ngày (tương đương 730%/năm). Ngoài ra, Hùng còn cho chị B.N. (ngụ xã Bắc Sơn) vay 90 triệu đồng với lãi suất lên đến 1.023%/năm! Sau khi nắm bắt thông tin, Công an H.Trảng Bom đã bắt giữ Hùng để điều tra về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Các đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng đa số đều có sự cấu kết rất chặt chẽ trong quá trình hoạt động và mở rộng phạm vi hoạt động ở nhiều địa bàn khác nhau. Đơn cử, vào cuối năm 2022, Công an TP.Biên Hòa triệt phá một đường dây chuyên cho vay lãi nặng. Qua điều tra, Công an TP.Biên Hòa đã khởi tố 24 đối tượng về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tại nhiều địa bàn khác nhau. Hàng ngày, các đối tượng này phát tờ rơi, thông báo tìm người cho vay với mức dao động từ 5-30 triệu đồng/ trường hợp. Để vay được tiền, người vay không cần thế chấp tài sản mà chỉ cần cung cấp giấy tờ tùy thân và nơi ở là được. Mức lãi suất cho vay của các đối tượng có thể lên đến 700%/năm.
Ngăn nạn “tín dụng đen” lộng hành
Theo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, thời gian qua, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” trên không gian mạng diễn biến khá phức tạp, nhất là các đối tượng cho vay online qua các ứng dụng điện thoại di động. Trong đó, mọi giao dịch chỉ thực hiện qua ứng dụng và việc vay - trả đều không có giấy tờ; địa chỉ công ty cho vay cũng không có thật; thông thường có sự cấu kết giữa các đối tượng trong và ngoài nước.
Để nhận được khoản vay, người vay phải tạo tài khoản trong ứng dụng, cung cấp nhiều thông tin cá nhân như: tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại, chứng minh nhân dân, căn cước công dân, số điện thoại của người thân… Ứng dụng của các đối tượng lập ra đều cho phép đồng bộ danh bạ người vay, khi người vay chậm hoặc không trả tiền thì các đối tượng gọi điện uy hiếp, khủng bố tinh thần của người vay và những người thân, bạn bè của họ. Thậm chí, các đối tượng còn cắt ghép hình ảnh xuyên tạc đăng trên mạng xã hội để bằng mọi cách ép người vay phải trả tiền.
Cũng theo đại diện Phòng Cảnh sát hình sự, tất cả các tài khoản mạng xã hội, số điện thoại các đối tượng sử dụng để uy hiếp người vay đều không chính chủ. Do đó, quá trình cơ quan chức năng xác minh, truy tìm đối tượng gặp nhiều khó khăn. Với thủ đoạn này, các đối tượng chỉ cần ở một vị trí nhưng có thể tiếp cận bị hại ở nhiều địa phương khác nhau. Ngoài ra, hiện nay còn xuất hiện hoạt động “tín dụng đen” biến tướng từ hụi, họ, biêu, phường khá phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự trên địa bàn.
Trung tá Nguyễn Ngọc Sơn, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an H.Trảng Bom cho hay, thời gian trước, tình hình cho vay lãi nặng diễn biến khá phức tạp và xuất hiện nhiều trên địa bàn. Tuy nhiên, sau khi Công an huyện liên tục triệt phá các điểm cho vay thì các đối tượng không còn manh động và dần rút khỏi địa bàn. “Thông thường, bị hại vay tiền sau khi không có khả năng trả thì bị uy hiếp, nên lại tiếp tục đi vay mượn của những đối tượng cho vay lãi nặng khác để trả. Do đó, họ thường không thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn nợ tiền của các đối tượng cho vay lãi nặng” - trung tá Sơn cho hay.
Theo các cơ quan chức năng, để ngăn chặn hiệu quả đối với tình trạng cho vay lãi nặng, thời gian tới, các ban, ngành, đoàn thể và nhất là lực lượng công an cần tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về “tín dụng đen” và hệ lụy của nó; tăng cường công tác trinh sát, lên danh sách các đối tượng cụ thể để quản lý, sớm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hoạt động cho vay lãi nặng diễn ra trên địa bàn. Ngoài ra, các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần mở rộng các khoản vay tín dụng tiêu dùng, có thêm các khoản cho vay giúp người dân có cơ hội được tiếp cận nguồn vốn khi cần thiết, tránh rơi vào “bẫy” của các đối tượng hoạt động “tín dụng đen”.