(CTT-Đồng Nai) - Mặc dù đã được cơ quan chức năng cảnh báo nhiều lần nhưng không ít người vẫn cả tin sử dụng dịch vụ vay và đáo hạn trực tuyến, dẫn đến bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản…

Nhiều dịch vụ hỗ trợ đáo hạn tiền vay được quảng bá tràn lan trên mạng xã hội
Nhiều dịch vụ hỗ trợ đáo hạn tiền vay được quảng bá tràn lan trên mạng xã hội
Thời gian gần đây, lợi dụng tình trạng nhiều người dân vay tiền ngân hàng hoặc “tín dụng đen” nhưng không có nguồn tiền để trả nợ vay đúng hạn, nhiều trang mạng xã hội (MXH) đã đua nhau quảng cáo dịch vụ hỗ trợ đáo hạn tiền vay với những mức phí khác nhau.
Tại nhiều trang dịch vụ nhận cho vay đáo hạn ngân hàng, phần lớn quảng cáo các thông tin giới thiệu hoạt động cho vay cam kết thủ tục nhanh gọn, kín đáo, giải ngân số tiền lớn và phí giao dịch từ 1,5-3% tổng số tiền giao dịch. Những trang này còn để tên người liên lạc, số điện thoại để khách hàng có thể liên hệ 24/7; đồng thời cũng phản hồi rất nhanh, chỉ sau vài phút kết nối.
Vào một tài khoản Facebook có tên Dịch vụ hỗ trợ thế chấp, giải chấp đáo hạn ngân hàng cũng thông tin về việc nhận làm các dịch vụ đáo hạn khoản vay đến hạn với cam kết chỉ 2 ngày là xong, mức phí 0,5%/ngày/tổng khoản tiền đáo hạn. Cũng tại tài khoản này, chúng tôi được một phụ nữ tự xưng tên Thanh Nhàn “tiếp chuyện” và cho biết với những người vay tiền từ “tín dụng đen”, vay nặng lãi…, dịch vụ này có thể giúp khách hàng đáo hạn khoản vay, sau đó chuyển khoản vay từ “tín dụng đen”, vay lãi nặng sang ngân hàng để được hưởng lãi suất thấp mà không cần phải thế chấp tài sản, bởi dịch vụ này sẽ bảo đảm khoản vay.
Hay ở tài khoản Facebook khác quảng cáo dịch vụ giúp đáo hạn mọi khoản vay lớn nhỏ từ 5 triệu đồng đến 30 tỷ đồng với thủ tục nhanh gọn, lãi suất phải chăng. Chỉ cần chấm vào mục bình luận, ngay lập tức được một người tự xưng là Mr Quân, nhân viên ngân hàng, trao đổi qua tin nhắn Messenger. Khi chúng tôi bày tỏ ý định cần đáo hạn khoản vay ngân hàng 50 triệu đồng, người đàn ông này cho biết sẽ hỗ trợ đáo hạn nhanh; đồng thời, yêu cầu chúng tôi cung cấp thông tin cá nhân và chuyển mức phí 2%/khoản tiền đáo hạn.
Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng dịch vụ hỗ trợ đáo hạn này, không ít người đã bị lừa mất khoản phí dịch vụ đã chuyển trước như trường hợp anh T.Q.Minh là một ví dụ.
Cuối năm 2023, trong khi đang thất nghiệp thì người ở quê báo vào nhà cha mẹ do quá cũ nên bị đổ, phải có tiền để dựng lại. Do cần tiền gấp trong khi thu nhập của bản thân chỉ đủ trang trải căn bản cuộc sống, bí thế anh Minh phải đánh liều vay “tín dụng đen” 50 triệu đồng với lãi suất 8% và hạn trả là ngày 1-2-2024. Đến hạn trả, anh Minh không chạy được tiền.
Lang thang vào MXH, anh Minh thấy có dịch vụ giúp đáo nợ ngân hàng, sau đó vay lại, anh Minh liền liên hệ với một tài khoản của dịch vụ đáo hạn và theo yêu cầu của người này, anh phải trả trước phí đáo hạn 2 triệu đồng, nhưng sau khi cung cấp thông tin và chuyển phí, ông chờ mãi mà không thấy ai liên hệ lại. Nhiều lần gọi điện cho số điện thoại giao dịch trước đó đều không liên lạc được, anh Minh biết mình đã bị lừa.
Luật sư Ngô Văn Định, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh cho biết, lừa đảo trên MXH ngày càng tinh vi và chiêu trò này cũng đã cũ. Cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo về hoạt động dịch vụ tín dụng trên MXH với các tài khoản “ma” dựng lên chủ yếu lợi dụng hoạt động tín dụng, cho vay, đáo hạn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản…, nhưng vẫn có không ít người “sập bẫy”.
Theo luật sư Ngô Văn Định, hầu hết các giao dịch đáo hạn hoặc các khoản cho vay tiền đáo hạn trên MXH đều không có tài sản đảm bảo hợp pháp, thông tin vay và mục đích sử dụng khá mập mờ, tình trạng pháp lý giao kết hợp đồng vay ẩn chứa nhiều rủi ro với người cho vay cũng như người sử dụng dịch vụ. Chưa kể, việc cho vay đáo hạn ngân hàng cũng là một hình thức cho vay lãi nặng biến tướng, nhất là người cho vay đã dùng các hình thức trái pháp luật để thu hồi nợ như: khủng bố, đe dọa… Do đó, người dân không nên sử dụng dịch vụ liên quan đến tiền bạc trên MXH để tránh các rắc rối.