​Cảnh giác kẻ trộm đóng vai khách hàng

Thứ hai - 08/04/2019 09:40
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Gần đây, trên địa bàn Đồng Nai xuất hiện một số đối tượng đóng vai khách đến các cửa hàng thời trang, điện thoại, tạp hóa... mua hàng rồi lợi dụng sơ hở của chủ tiệm để lấy trộm tài sản.

6866664.jpg
Kẻ gian đóng giả khách mua điện thoại rồi lấy trộm điện thoại ở Cửa hàng điện thoại di động K.C (phường Long Bình, TP. Biên Hòa). Ảnh cắt từ camera của cửa hàng.
Khi ra tay, kẻ gian thường chọn những mặt hàng nhỏ, gọn, có giá trị như: tiền, vàng, điện thoại di động. 
Vờ làm khách để trộm cắp
Vào lúc 21 giờ ngày 29-3, một thanh niên đi xe máy (không rõ biển số, không rõ mặt vì đeo khẩu trang) đến hỏi mua 2 điện thoại iPhone 6S tại Cửa hàng điện thoại di động K.C do bà Đinh Thị Lan (ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa) làm chủ. Lúc này trong tiệm chỉ có bà Lan trông coi. Gã thanh niên này yêu cầu bà cho xem nhiều loại điện thoại để lựa chọn. Lợi dụng lúc bà Lan sơ hở, đối tượng đã nhanh tay trộm 2 điện thoại trị giá 8,6 triệu đồng rồi lên xe tẩu thoát.
Tương tự, vào sáng 28-2, 2 đối tượng Phùng Thị Ngọc Thu (56 tuổi) và Trần Minh Thuận (33 tuổi), cả 2 cùng ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến shop quần áo của bà Lê Thị Kim Như  (ngụ thị trấn Long Thành, huyện Long Thành) giả vờ chọn mua quần áo. Tại đây, Thu liên tục yêu cầu người bán hàng tìm mẫu mã, đổi kích cỡ quần áo cho mình; còn Thuận tập trung quan sát tìm tài sản. Lợi dụng lúc người bán lấy hàng cho khách xem, cả 2 đã nhanh tay trộm 18 triệu đồng và 4 ngàn USD trong bóp da của bà Như nhưng đã bị khổ chủ phát hiện, tri hô người dân xung quanh đến hỗ trợ bắt giữ, giao kẻ gian cho công an xử lý.
Không chỉ ra tay ở các cửa hàng riêng lẻ, kẻ gian còn trà trộn làm khách đi siêu thị để lấy trộm tài sản của người buôn bán trong siêu thị. Điển hình vào tối 18-3, Nguyễn Văn Thảo (22 tuổi, quê tỉnh Tây Ninh) đến Siêu thị BigC Đồng Nai (ở KP.1, phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) và ra tay lấy điện thoại iPhone XR trị giá gần 20 triệu đồng của anh Đào Khắc Sơn (ngụ xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) đang để sạc pin ở khu vực trò chơi điện tử. Hành động của Thảo đã bị người dân phát hiện, giữ lại giao công an xử lý.
Ngay cả những cửa hàng có đông nhân viên theo dõi như tiệm vàng vẫn bị lấy trộm tài sản trong tích tắc. Kẻ gian ra tay nhanh gọn và tinh vi. Cụ thể như vào sáng 28-2, Mai Thị Tấm (68 tuổi, ngụ quận 10, TP.Hồ Chí Minh) đến tiệm vàng K.N.P (ở phường Long Bình, TP.Biên Hòa) giả vờ hỏi mua vàng. Khi chủ tiệm vàng đưa 2 sợi dây chuyền cho Tấm chọn, lợi dụng lúc chủ tiệm vàng đông khách không để ý, Tấm đã bỏ 1 sợi dây chuyền trị giá 6,1 triệu đồng vào trong nón vải và đội lên đầu. Chiếc dây chuyền còn lại, Tấm nói mua nhưng chưa đủ tiền và đặt cọc 300 ngàn đồng hẹn đến chiều quay lại lấy. Khi Tấm vừa ra khỏi tiệm vàng thì chủ tiệm phát hiện.
Nâng cao ý thức cảnh giác
Theo một cán bộ điều tra Công an huyện Long Thành, trước khi hành động, kẻ gian đã nghiên cứu kỹ địa điểm, quy luật hoạt động của các cửa hàng. Thường các đối tượng chọn thời điểm chỉ có một người đứng bán hàng và ra tay trộm tài sản rất nhanh chóng. Sau khi các đối tượng bỏ đi, chủ tiệm mới phát hiện mất tài sản nên rất khó cho việc truy tìm của lực lượng chức năng. Ngoài ra, sau khi đã “ăn hàng” kẻ gian sẽ chuyển địa bàn hoạt động để tránh bị phát hiện.
Trung tá Lê Hồng Hải, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an TP.Biên Hòa khuyến cáo, để tránh thành “con mồi” của loại tội phạm này, chủ các cửa hàng cần nêu cao tinh thần cảnh giác. Đối với các cửa hàng có quy mô lớn, chủ tiệm cần lắp đặt camera an ninh để thuận tiện cho việc quản lý. Nếu có xảy ra mất trộm tài sản thì hình ảnh thu được sẽ giúp cho lực lượng chức năng thuận tiện điều tra đối tượng. Ngoài ra, các chủ cửa hàng kinh doanh các mặt hàng có giá trị như: vàng, điện thoại cũng cần bố trí thêm người trông coi hàng hóa, bảo vệ bên ngoài để phòng ngừa tình huống xấu xảy ra.
Trung tá Lê Hồng Hải, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an TP.Biên Hòa lưu ý, khi bị mất trộm, người dân cần báo ngay cho công an địa phương. Tránh tình trạng vì muốn nhanh chóng tìm lại tài sản mà các bị hại đưa thông tin, hình ảnh về đối tượng lên internet và các trang mạng xã hội để nhờ mọi ngườì tìm giúp. Điều này có thể vô tình “thông báo” cho đối tượng biết để tìm cách đối phó, gây khó khăn cho công tác điều tra của cơ quan chức năng.

Huyền Anh

 

 

 

Tác giả: Huyền Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây