Nhiều vướng mắc trong phát triển thị trường khoa học - công nghệ

Thứ năm - 26/10/2023 15:45
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT - Đồng Nai) - Đồng Nai là tỉnh công nghiệp phát triển với hàng chục ngàn doanh nghiệp, trong đó có hơn 1,5 ngàn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhưng đến nay mới chỉ có 6 doanh nghiệp khoa học - công nghệ (KH-CN). Nếu không sớm tháo gỡ những nút thắt về cơ chế, chính sách, thị trường KH-CN nói chung sẽ khó phát triển.

Doanh nghiệp KH-CN chưa được hưởng các ưu đãi
Đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành các nghị quyết Quy định nội dung chi, mức chi thực hiện Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; Nghị quyết Quy định nguyên tắc, điều kiện, nội dung, hình thức, hồ sơ và mức hỗ trợ hoạt động chuyển giao, ứng dụng và đổi mới công nghệ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030.
UBND tỉnh cũng đã ban hành các kế hoạch, quyết định về phát triển doanh nghiệp KH-CN, thực hiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Sở KH-CN cũng đang lấy ý kiến thẩm định về dự thảo Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về lĩnh vực công nghệ tỉnh Đồng Nai đến năm 2030.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng kiến nghị với đoàn giám sát của Quốc hội nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong phát triển thị trường KH-CN trên địa bàn tỉnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng kiến nghị với đoàn giám sát của Quốc hội nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong phát triển thị trường KH-CN trên địa bàn tỉnh

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, các doanh nghiệp KH-CN trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được hưởng ưu đãi về thuế, tiền thuê đất hàng năm. Đây là bất cập khiến nhiều doanh nghiệp dù đủ điều kiện để thành lập doanh nghiệp KH-CN nhưng không nhiệt tình đăng ký tham gia.
Những vướng mắc trong thực hiện Nghị định số 70/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng tài sản hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH-CN sử dụng vốn nhà nước cũng khiến cho tỉnh chưa thể thành lập được Trung tâm Robot.
Không chỉ riêng Đồng Nai mà việc phát triển thị trường KH-CN trên cả nước còn tồn tại một số rào cản, vướng mắc.
Đó là hệ thống chính sách, pháp luật về chuyển giao công nghệ, sàn giao dịch công nghệ chưa đồng bộ. Thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo động lực cho thương mại hóa, đẩy mạnh cung - cầu công nghệ. Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành chưa tốt, còn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung công nghệ từ nước ngoài.
Bên cạnh đó, nhiều kết quả nghiên cứu chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu còn trầm lắng. Doanh nghiệp khó tiếp cận với nguồn cung công nghệ có chất lượng; năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp còn yếu.
Các tổ chức trung gian chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn, môi giới, xúc tiến, chuyển giao công nghệ còn yếu. Thiếu các tổ chức trung gian có vai trò đầu mối với quy mô cấp vùng, quốc gia và kết nối với thị trường quốc tế.

Cần đầu tư thích đáng cho KH-CN
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho hay, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các tổ chức KH-CN. Đẩy mạnh phát triển thị trường KH-CN, nâng cao ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực; hỗ trợ các viện, trường, các nhà đầu tư, doanh nghiệp thành lập, phát triển các Vườn ươm công nghệ, Vườn ươm doanh nghiệp, các khu làm việc chung cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Học sinh trong tỉnh mày mò nghiên cứu, triển khai các dự án về KH-CN
Học sinh trong tỉnh mày mò nghiên cứu, triển khai các dự án về KH-CN

Tỉnh cũng sẽ phát triển hệ thống phòng thí nghiệm; hỗ trợ các hoạt động đánh giá và công nhận các phòng thí nghiệm của viện, trường, doanh nghiệp, làm cơ sở ưu tiên hỗ trợ nguồn lực gắn với các nhóm nghiên cứu mạnh, nhà khoa học, nhà công nghệ giỏi.

Ngoài ra, cũng ưu tiên đầu tư, nâng cao năng lực của hệ thống thông tin KH-CN và đổi mới sáng tạo của tỉnh gắn với hệ thống thông tin KH-CN và đổi mới sáng tạo quốc gia. Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về KH-CN và đổi mới sáng tạo trên cơ sở xây dựng và vận hành các nền tảng số kết nối, tăng cường liên kết hiệu quả của bộ, ngành, địa phương, trường đại học, viện nghiên cứu.
Để thu hút các doanh nghiệp tham gia thị trường KH-CN và thành lập doanh nghiệp KH-CN, tỉnh sẽ triển khai có hiệu quả các cơ chế ưu đãi về thuế, tài chính, tín dụng đối với doanh nghiệp tham gia đầu tư nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ. Thúc đẩy hình thành và phát triển bộ phận nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong các doanh nghiệp. Rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện hành lang pháp lý cho phép sử dụng kết quả KH-CN/tài sản trí tuệ để góp vốn thành lập doanh nghiệp.

Đối với thị trường KH-CN, tỉnh Đồng Nai sẽ quan tâm hơn đến vấn đề đầu ra của sản phẩm công nghệ. Thúc đẩy chuyển đổi số hệ thống các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ tìm kiếm, đánh giá, định giá, môi giới, thử nghiệm, chuyển giao công nghệ.

​Thời gian tới, tỉnh Đồng Nai sẽ tăng cường kết nối các sàn giao dịch công nghệ với các trung tâm ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH-CN ở các địa phương. Triển khai các chính sách về nhập công nghệ (ưu đãi về thuế, tín dụng, hỗ trợ...) để đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến từ nước ngoài…

Tác giả: Việt Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây