Đề tài khoa học về phòng, chống sốt xuất huyết sẽ được ứng dụng rộng rãi

Thứ năm - 10/08/2023 15:35
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) Sở KH-CN vừa tổ chức họp bàn giao kết quả đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh Đánh giá hiệu quả mô hình phòng, chống bệnh sốt xuất huyết (SXH) thông qua trường học tại H.Long Thành. Đề tài do Trung tâm Y tế H.Long Thành chủ trì thực hiện.
Lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Y tế.H.Long Thành tiếp nhận kết quả nghiên cứu đề tài
Lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Y tế.H.Long Thành tiếp nhận kết quả nghiên cứu đề tài

Nâng cao kiến thức và thực hành đúng

BS CKII.Nguyễn Thi Văn Văn, chủ nhiệm đề tài cho biết, sau 1 năm triển khai đề tài (từ tháng 4-2022 đến tháng 3-2023) đã đạt được những kết quả rất khả quan. Kiến thức chung, thực hành đúng về phòng, chống bệnh SXH ở học sinh trên địa bàn xã An Phước (nơi được chọn để thực hiện đề tài) đều tăng so với trước. Nhóm hộ gia đình có học sinh có tỷ lệ thực hành và kiến thức phòng chống SXH đúng cao hơn so với nhóm gia đình không có học sinh.

Các chỉ số muỗi, lăng quăng; tỷ lệ mắc SXH giảm so với trước khi thực hiện đề tài; không có ca tử vong ở xã can thiệp; giảm 40% số ổ dịch SXH, không có dịch lan rộng…

“Mô hình cho thấy học sinh có vai trò quan trọng trong truyền thông phòng chống SXH. Kiến thức và thực hành của học sinh về SXH và các biện pháp phòng chống SXH tăng lên, lan tỏa tới cha mẹ học sinh và các hộ gia đình lân cận. Từ đó tạo ra cộng đồng có kiến thức và thực hành đúng các biện pháp phòng chống SXH, góp phần làm giảm tỷ lệ mắc SXH, bảo vệ sức khỏe cộng đồng”- BS Văn nhấn mạnh.

Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Bình cho biết, đề tài đã được nghiệm thu và sẽ được áp dụng tại Sở Y tế, Trung tâm Y tế H.Long Thành và Phòng GD-ĐT H.Long Thành.

SXH là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Hằng năm trên địa bàn tỉnh đều có ca tử vong do SXH và hàng ngàn trường hợp mắc bệnh. Đề tài này khi triển khai áp dụng sẽ góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống dịch bệnh SXH trên địa bàn H.Long Thành nói riêng và toàn tỉnh nói chung.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1,7 ngàn ca mắc SXH, giảm 77,4% so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận 4 ca tử vong, giảm 3 ca so với cùng kỳ năm ngoái.
Giám sát mật độ muỗi, côn trùng ở các hộ dân trên địa bàn xã An Phước, H.Long Thành
Giám sát mật độ muỗi, côn trùng ở các hộ dân trên địa bàn xã An Phước, H.Long Thành

Người dân nhiệt tình hưởng ứng

BS Lê Thị Thủy, Trưởng Trạm Y tế xã An Phước cho biết, toàn xã có 7 ấp và 1 khu dân cư Bàu Cá với dân số 7.141 hộ, trên 27,4 ngàn nhân khẩu. Ngoài ra, trên địa bàn xã có 5.937 hộ tạm trú với hơn 25,1 ngàn nhân khẩu.

“Địa bàn rộng, dân số đông nên công tác tuyên truyền, vận động về phòng, chống dịch nói chung và phòng, chống SXH nói riêng được Trạm y tế thực hiện thường xuyên, liên tục, nhất là trong các cao điểm mùa mưa”- BS Thủy thông tin.

Theo thống kê của Trạm y tế xã, năm 2022, tổng số ca nhiễm SXH trên địa bàn là 737 ca, tuy nhiên từ đầu năm 2023 đến nay, nhờ tuyên truyền diệt lăng quăng dựa vào mô hình phòng, chống SXH thông qua trường học, toàn xã mới ghi nhận 48 ca mắc SXH. Cán bộ Trạm y tế xã đã tổ chức phun 5 ổ dịch và diệt lăng quăng 10 ổ dịch.

Có được kết quả tích cực trên, theo BS Lê Thị Thủy, là nhờ trạm đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai kế hoạch phòng, chống SXH ngay từ đầu năm. Đặc biệt, việc triển khai mô hình phòng chống SXH thông qua trường học đã mang lại hiệu quả cao.

Theo đó, các hoạt động can thiệp đã được triển khai tại các trường học gồm: tuyên truyền các biện pháp phòng chống SXH thông qua loa phát thanh trong nhà trường, treo băng rôn, áp phích, cấp phát tờ rơi cho học sinh; tổ chức nói chuyện dưới cờ về bệnh SXH 2 tháng/lần; giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn kỹ năng, phát bảng kiểm cho học sinh về gia đình để trực tiếp hoặc thông qua gia đình phát hiện diệt lăng quăng, vệ sinh môi trường 2 tuần 1 lần.

Tại cộng đồng, triển khai các hoạt động như thực hiện ký cam kết giữa hộ gia đình và chính quyền địa phương; các nhân viên y tế thôn ấp, ban ấp, cán bộ ban ngành đoàn thể tham gia tổng vệ sinh môi trường, đến các hộ gia đình vận động diệt lăng quăng 2 tuần 1 lần. Trong giai đoạn cao điểm từ tháng 8-10 mỗi tuần.

Tiến hành điều tra, khảo sát, tuyên truyền và hướng dẫn cho học sinh về kiến thức, thực hành diệt lăng quăng tại hộ gia đình; xây dựng các báo cáo đánh giá về kiến thức, thực hành của người dân về phòng, chống SXH; khảo sát đánh giá trước và sau can thiệp về phòng, chống SXH thông qua trường học…

Ông Lê Thành Sang, Trưởng ấp 6, xã An Phước cho hay, dựa vào mô hình phòng, chống SXH thông qua trường học mà Trạm y tế xã và Trung tâm y tế huyện triển khai, bà con được cán bộ y tế đến tận nhà phát tờ rơi, hướng dẫn các biện pháp phòng chống SXH như: xúc, rửa các vật dụng chứa nước, thả cá vào bể chứa nước, nằm mùng khi ngủ… nên dịch SXH trên địa bàn đã giảm đáng kể, ý thức của người dân về phòng, chống SXH cũng được nâng lên…

Tác giả: Việt Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây