Tạo chuyển biến mạnh về chất lượng và hiệu quả hoạt động Công đoàn

Thứ sáu - 21/09/2018 00:58
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII là sự kiện chính trị quan trọng của giai cấp công nhân, người lao động (NLĐ) và tổ chức Công đoàn Việt Nam, mở đầu cho giai đoạn phát triển mới của tổ chức Công đoàn Việt Nam.​

Đại hội diễn ra trong bối cảnh đất nước tiếp tục đổi mới toàn diện và đồng bộ, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Công đoàn Việt Nam đứng trước nhiều vấn đề mới và rất lớn, đòi hỏi phải “Đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn; tập trung đại diện, chăm lo, bảo vệ đoàn viên, người lao động; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” nhằm thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Những kết quả quan trọng

Phát huy truyền thống Công đoàn Việt Nam gần 90 năm đồng hành cùng đất nước, với sự năng động, nhạy bén thích ứng với tình hình mới, 5 năm qua, Công đoàn Việt Nam tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về nội dung, phương thức hoạt động, đạt nhiều kết quả và hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ, chỉ tiêu chủ yếu do Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI đề ra.

Cùng với công tác phát triển tổ chức, hoạt động chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ được tập trung đầu tư với nhận thức mới, tư duy mới, tạo sự khác biệt giữa NLĐ là đoàn viên Công đoàn với NLĐ chưa là đoàn viên Công đoàn Việt Nam, có nhiều điểm nhấn, tạo sự lan tỏa rộng và sức thu hút của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Chương trình phúc lợi đoàn viên Công đoàn, năm Vì lợi ích đoàn viên Công đoàn lần đầu tiên được tổ chức, Tháng công nhân, “Tết sum vầy”, “Mái ấm Công đoàn” và nhiều hoạt động ý nghĩa khác được nâng tầm hiệu quả với tổng số tiền là 9.500 tỷ đồng, đã góp phần thiết thực chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, NLĐ. Việc tham mưu, đề xuất với Đảng và Chính phủ về Đề án đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và tổ chức đầu tư, xây dựng các thiết chế tại những địa phương có nhiều bức xúc về nhà ở, nhà trẻ, nơi vui chơi, giải trí của công nhân; tham gia cùng chính quyền các địa phương và doanh nghiệp giải quyết các nhu cầu thiết yếu về đời sống của NLĐ là những việc làm thực sự thiết thực, hiệu quả, chăm lo thiết thực cho đoàn viên, người lao động. Công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động tiếp tục tạo sức lan tỏa trong toàn hệ thống. Trong 3 năm liên tiếp từ tháng 5-2016 đến 2018, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tham mưu, đề xuất để Thủ tướng Chính phủ 4 lần gặp gỡ, đối thoại với CNLĐ, góp phần giải quyết kịp thời nhiều khó khăn, vướng mắc, tạo hiệu ứng để lãnh đạo các địa phương, đơn vị gặp gỡ, đối thoại, giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất chính đáng của NLĐ và để lại ấn tượng đẹp trong đoàn viên, NLĐ cả nước...


Lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng bức trướng và biểu trưng đầu tư dự án xây dựng thiết chế Công đoàn phục vụ công nhân Đồng Nai.

Phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng có chuyển biến tích cực. Từ các phong trào thi đua yêu nước đã động viên, cổ vũ đoàn viên, NLĐ đăng ký hoàn thành 77.753 đề tài nghiên cứu khoa học với giá trị làm lợi là 336.777 tỷ đồng; phát huy 1.170.884 sáng kiến với giá trị làm lợi 203.579 tỷ đồng…, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các hình thức tôn vinh, khen thưởng động viên người lao động có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất được các cấp Công đoàn thực hiện với cách làm mới, thiết thực hiệu quả. Nhiều hoạt động tôn vinh để lại ấn tượng sâu sắc, điển hình là Chương trình Vinh quang Việt Nam dấu ấn 30 năm đổi mới...

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong hoạt động Công đoàn và phong trào CNVCLĐ. Đó là chất lượng hoạt động Công đoàn chưa đồng đều ở một số lĩnh vực, cơ quan, đơn vị; phát triển đoàn viên và xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh còn một số hạn chế; mô hình tổ chức, nhiệm vụ của từng cấp Công đoàn còn tình trạng chồng chéo, dồn áp lực về cơ sở. Công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động đoàn viên, NLĐ chưa theo kịp tình hình; việc tổ chức phong trào thi đua ở một số nơi còn hình thức, kém hiệu quả. Năng lực, trình độ, bản lĩnh của đội ngũ cán bộ Công đoàn, khả năng thích ứng với tình hình mới nhiều nơi còn yếu, còn biểu hiện hành chính hóa...

Tạo chuyển biến mạnh về chất lượng và hiệu quả hoạt động

Trước bối cảnh và yêu cầu của tình hình mới, Đại hội XII Công đoàn Việt Nam sẽ xác định mục tiêu tổng quát, nhiệm vụ chủ yếu, các khâu đột phá, hệ thống chỉ tiêu và các nhóm nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức thực hiện trong nhiệm kỳ XII (2018 -2023). Trong đó, hướng đến mục tiêu chính là nâng cao hiệu quả đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên và NLĐ, vì việc làm bền vững, đời sống ngày càng cao. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, tinh thần yêu nước, hiểu biết pháp luật, trách nhiệm cao, tay nghề giỏi, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh. Hoàn thiện mô hình tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn bản lĩnh, trí tuệ, chuyên nghiệp; tập hợp, thu hút đông đảo người lao động vào tổ chức Công đoàn Việt Nam; xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh. Tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Về các khâu đột phá, nhiệm kỳ 2018 - 2023, các cấp Công đoàn tập trung thực hiện 3 khâu đột phá: Đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động; chăm lo lợi ích đoàn viên, đại diện, bảo vệ NLĐ. Xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn, nhất là đội ngũ chủ tịch Công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ. Xây dựng nguồn lực Công đoàn đủ mạnh, đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.

Trước yêu cầu của tình hình mới và nhu cầu, nguyện vọng ngày càng cao, phong phú của đoàn viên, NLĐ, hoạt động chăm lo lợi ích cho đoàn viên, NLĐ được tiếp tục đẩy mạnh trên cơ sở quan điểm coi lợi ích là chất kết dính thu hút, tập hợp NLĐ đến với tổ chức Công đoàn; phát triển các chương trình phúc lợi xuyên suốt toàn hệ thống như một chính sách an sinh xã hội để chăm lo cho đoàn viên, NLĐ. Tiếp tục triển khai các chương trình, hoạt động hiệu quả, loại bỏ các hoạt động hình thức, không thiết thực. Tham mưu với Chính phủ và phối hợp với các bộ, ngành và chính quyền địa phương chăm lo lợi ích NLĐ, tập trung vào việc xây dựng các thiết chế Công đoàn, phát triển và bảo vệ việc làm bền vững, phòng ngừa vi phạm pháp luật của giới chủ đối với NLĐ.

Đồng thời tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, coi đây là cách bảo vệ NLĐ từ xa, trên diện rộng và hiệu quả. Tăng cường các hoạt động tham gia hoặc chủ động tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội. Nâng cao số lượng, chất lượng thương lượng, ký kết và giám sát thực hiện thỏa ước lao động tập thể. Đổi mới, nâng cao chất lượng hội nghị cán bộ công chức, hội nghị NLĐ và đối thoại tại nơi làm việc. Tích cực, chủ động tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp…

Để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, các cấp Công đoàn phải tập trung đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động đoàn viên, NLĐ. Tham gia xây dựng NLĐ Việt Nam yêu nước, đoàn kết, nghĩa tình, lao động sáng tạo, tôn trọng pháp luật. Có giải pháp phù hợp, hiệu quả, tiếp tục đưa Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về“Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đến với từng đối tượng người lao động, nhất là việc xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến... Cùng với đó, phát triển, cụ thể hóa các phong trào thi đua yêu nước sát hợp từng khu vực, đối tượng.

Công tác xây dựng tổ chức của Công đoàn Việt Nam trong nhiệm kỳ mới đứng trước nhiều thách thức, nhất là yêu cầu đổi mới hệ thống chính trị của Đảng và việc xuất hiện tổ chức đại diện của NLĐ tại cơ sở. Trong bối cảnh đó, đòi hỏi Công đoàn các cấp tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển đoàn viên, đổi mới cách thức tiếp cận, tuyên truyền, vận động người lao động. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm với công việc, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức. Nghiên cứu, sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn các cấp theo hướng rõ nhiệm vụ, rõ quyền hạn của mỗi cấp Công đoàn, đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả... Công đoàn cũng chú trọng mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại theo đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Đại hội XII Công đoàn Việt Nam là Đại hội “Đổi mới, dân chủ, đoàn kết, trách nhiệm”, khẳng định quyết tâm của các cấp Công đoàn, toàn thể cán bộ, đoàn viên cả nước, nắm bắt thời cơ, tranh thủ thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, chủ động đổi mới tổ chức và hoạt động, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững  mạnh toàn diện, tạo bước phát triển mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Công đoàn Việt Nam trong thời kỳ mới phải mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho đoàn viên, khẳng định là người đại diện thực sự, người bảo vệ tin cậy quyền lợi hợp pháp của người lao động, tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp, cùng cả nước nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Những kết quả toàn diện của hoạt động Công đoàn và phong trào CNVCLĐ cả nước trong nhiệm kỳ qua đã có đóng góp quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước, góp phần tăng cường sức mạnh của hệ thống chính trị và sự lớn mạnh của giai cấp công nhân Việt Nam.

TS. Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam

Tác giả: P.V

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây