(CTT-Đồng Nai) Ngày 28-6, hơn 30 ngàn thí sinh của Đồng Nai đã tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 với 2 môn thi: Ngữ văn, Toán. Đề thi năm nay được đánh giá là có độ phân hóa cao, phù hợp với mục tiêu “2 trong 1” là xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học.

Thầy Nguyễn Hoằng Thu đang thảo luận đề thi môn Ngữ văn cùng các học trò sau giờ thi
Thầy Nguyễn Hoằng Thu đang thảo luận đề thi môn Ngữ văn cùng các học trò sau giờ thi
Trong đó, đề thi môn Ngữ văn gây bất ngờ cho nhiều thí sinh vì tác phẩm “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân. Xoay quanh đề thi này cũng có nhiều luồng ý kiến bình luận. Tuy nhiên, đa số ý kiến của giáo viên đều cho rằng đề có độ phân hóa tốt.
Lồng ghép thông điệp tích cực trong đề thi môn Ngữ văn
Theo thầy Nguyễn Hoằng Thu, giáo viên Trường TH-THCS-THPT song ngữ Á Châu (TP.Biên Hòa), cấu trúc đề thi vẫn ổn định như mọi năm: phần đọc hiểu chiếm 3 điểm, phần nghị luận chiếm 7 điểm. Phần đọc hiểu sử dụng ngữ liệu là 1 trích đoạn thơ. Trong đó, câu 1 và 2 ở mức độ nhận biết. Câu số 3 của phần đọc hiểu hơi khó, phù hợp với yêu cầu phân loại để phục vụ tuyển sinh đại học, yêu cầu học sinh phải nêu được tác dụng của biện pháp tu từ.
“Câu số 4, theo tôi là đơn giản vì học sinh có thể dựa vào biểu tượng trong câu thơ để rút ra bài học cho bản thân. Đây là câu vận dụng nên học sinh có thể làm tương đối tốt”, thầy Thu cho hay.
Phần nghị luận, trong câu 1 nghị luận xã hội nói về “sự cần thiết phải biết cân bằng cảm xúc trong cuộc sống”, có liên quan đến đoạn thơ trong phần đọc hiểu là “đi qua cơn giông”. Đề ra rất hay vì đúng với xu hướng hiện tại là mong muốn con người biết đối diện với những cảm xúc tiêu cực và vượt qua nó.
Về câu nghị luận văn học, tôi đoán là học sinh sẽ phải mất nhiều thời gian cho câu này. Đặc biệt, với những học sinh có tâm lý học tủ thì thường sẽ không “tủ” bài này. Câu nghị luận này sẽ thể hiện được năng lực phân tích, cảm nhận của học sinh đúng với định hướng dạy và học văn trong nhà trường hiện nay.
Đoạn trích trong đề nằm trong phần cuối của tác phẩm “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân. Đoạn trích nói về cách mà bà cụ Tứ làm điểm tựa cho Tràng và Thị vượt qua được những tín hiệu tiêu cực. Trước đó là bữa ăn đón nàng dâu mới với cảm và chè khoán; tín hiệu thúc thuế. Tuy nhiên, bà cụ Tứ vẫn cố gắng giữ nhịp cho bữa ăn và trở thành điểm tựa tinh thần cho 2 đứa con của mình. Kết lại là tín hiệu tích cực cho một tương lai tươi sáng.
Có thể nói đề thi văn ra rất logic, theo một chủ đề xuyên suốt từ đầu đến cuối là cân bằng cảm xúc trong cuộc sống để vượt qua khó khăn. Thầy Thu cho rằng, đây là cách mà người ra đề thi lồng ghép thông điệp nhân văn, tích cực vào đề thi để gửi gắm đến thí sinh.
Cấu trúc đề quen thuộc
Theo TS. Đỗ Thị Cẩm Vân, Phó hiệu trưởng Trường THCS Phan Chu Trinh (H.Trảng Bom), thành viên Hội đồng bộ môn Ngữ Văn (Sở GD-ĐT), đề thi chính thức môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 bám sát cấu trúc của đề thi tham khảo do Bộ GDĐT công bố. Cấu trúc đề thi theo đúng định hướng của đề thi tham khảo. Đây là cấu trúc ra đề quen thuộc trong những năm gần đây. Học sinh đã rất quen thuộc với cấu trúc này nên sẽ không cảm thấy bỡ ngỡ.
Cô Vân cho rằng, thí sinh có học lực trung bình sẽ không khó để đạt mức điểm 5 - 6; học sinh khá có thể đạt mức 7 - 8 điểm. Đề có tính bao quát, bám sát chương trình sách giáo khoa, có đầy đủ các mức độ nhận thức, có tính phân loại học sinh. Mặc dù câu hỏi không bất ngờ, hay đòi sự sáng tạo cao nhưng học sinh cần phải chắc chắn kiến thức và nắm vững các kĩ năng làm các dạng bài mới có thể đạt được điểm khá, giỏi.
Ở phần làm văn, câu nghị luận xã hội yêu cầu viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về sự cần thiết phải biết cân bằng cảm xúc trong cuộc sống. Đây là vấn đề có ý nghĩa xã hội thiết thực bởi cân bằng cảm xúc có thể xem là một kĩ năng sống quan trọng cần có trong xã hội hiện đại.
Cô Vân cho hay: “Câu nghị luận văn học yêu cầu phân tích đoạn trích trong Vợ nhặt của Kim Lân đồng thời nhận xét cách nhìn cuộc sống của nhà văn. Trong hai yêu cầu của câu này, yêu cầu thứ nhất ở mức độ cơ bản, yêu cầu thứ hai ở mức độ cao hơn để phân hóa mức điểm khá và giỏi. Đề bài đòi hỏi học sinh không chỉ nắm chắc kiến thức về tác giả, tác phẩm; thành thạo kỹ năng phân tích văn bản văn xuôi; mà còn phải thực sự hiểu cách nhìn cuộc sống của nhà văn Kim Lân qua đoạn trích”.
Cô Phạm Thị Lịch, cựu giáo viên dạy Ngữ văn, Trường THPT Long Thành cũng cho rằng đề thi năm nay có độ phân hóa cao, đòi hỏi học sinh phải tư duy, không học vẹt được.
Cô Lịch lý giải: “Phần nghị luận xã hội tưởng chừng là dễ nhưng lại không hề dễ đối với học sinh trung bình. Bởi vì con người thì ai cũng có cảm xúc nhưng giải thích được cảm xúc đó thì không dễ, tìm được dẫn chứng cho vấn đề này lại càng khó hơn. Mà yêu cầu của nghị luận xã hội đòi hỏi phải có dẫn chứng cụ thể với độ chính xác cao. Đây chính là tính phân hóa của đề”.
Cũng theo cô Lịch, câu nghị luận văn học đòi hỏi thí sinh phải nắm bắt được cả 3 nhân vật: Cụ Tứ, Tràng và người vợ nhặt. Tác giả để cho câu chuyện được bàn luận trong một bữa ăn. Đối với câu này, đầu tiên, học sinh phải nói được bối cảnh của xã hội đương thời (nạn đói năm 1945).
Về mối quan hệ giữa các nhân vật, thí sinh cần chú ý nhân vật người vợ nhặt, vì đã mang cho gia đình một sinh khí sống, đã tác động đến bà cụ Tứ và Tràng. Đây là một yêu cầu khó của đề.
Yêu cầu thứ 3, thí sinh phải nhận ra được tâm trạng của Tràng, nhận thức của Tràng (cũng chính là nhận thức của những người nông dân trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ). Ở đây, thí sinh cần chú ý hình tượng lá cờ đỏ bay phấp phới chính là một điểm sáng; mở ra nhận thức mới của người nông dân đối với cách mạng (dù còn là nhận thức tự phát).
Theo cô Lịch, thí sinh muốn đạt điểm cao hơn thì cần phải có sự so sánh với các tác phẩm văn học hiện thực cùng thời. Ví dụ như so sánh kết thúc của nhân vật Chị Dậu trong tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố; kết thúc của nhân vật Chí phèo trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao để thấy được rằng kết thúc của truyện ngắn Vợ nhặt có điểm sáng, mở ra một hy vọng mới về ngày mai tươi sáng hơn.