Gỡ “rào cản” cuối để xuất khẩu trứng gà

Thứ hai - 02/07/2018 01:34
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Thị trường xuất khẩu trứng gà sang Hàn Quốc đã mở khi các đối tác từ quốc gia này đã chính thức đặt vấn đề nhập khẩu với một doanh nghiệp của Đồng Nai. Tuy nhiên, việc đưa quả trứng gà đến với thị trường tiềm năng này hiện vẫn còn vướng trở ngại cuối: nhiều khu vực nuôi chưa được công nhận vùng an toàn dịch bệnh (ATDB).​

Vướng quy định vùng an toàn dịch bệnh

Theo Công ty TNHH thương mại - dịch vụ - sản xuất chăn nuôi Thanh Đức (Công ty Thanh Đức, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc), với mục tiêu xuất khẩu trứng gà, doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi gà lấy trứng sạch theo quy trình hoàn toàn tự động khép kín. Ông Lâm Thanh Đức, Giám đốc Công ty Thanh Đức cho biết, trại gà của doanh nghiệp có diện tích hơn 8ha, giai đoạn 1 đang đưa vào vận hành 4 chuồng nuôi gà đẻ trứng, công suất 46.000 con/chuồng và 2 chuồng gà hậu bị cùng công suất. Đến nay tổng đàn gà đẻ đạt 180.000 con, cho ra sản phẩm trứng gà sạch trung bình khoảng 170.000 trứng/ngày.

Ngoài ra, Công ty Thanh Đức cũng sử dụng hệ thống chuồng nuôi được nhập khẩu từ Tây Ban Nha và dây chuyền thu gom, phân loại, đóng gói trứng gà được nhập từ Nhật Bản, Hàn Quốc.

Để có được nguồn trứng sạch, các quy trình nuôi gà lấy trứng tại đây đều vận hành tự động hóa từ khâu xử lý nhiệt độ, chế độ ăn cho gà, thu gom trứng cho đến xử lý chất thải hợp vệ sinh và khép kín. Nhờ vậy, Công ty Thanh Đức đã giảm thiểu được công lao động. Cũng theo ông Đức, hiện doanh nghiệp đang triển khai tiếp giai đoạn 2, mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng thêm 6 chuồng gà đẻ và 2 chuồng hậu bị, nâng tổng đàn gà đẻ lên gấp hơn 3 lần hiện tại, đạt 600.000 con.

 
Dù đáp ứng các tiêu chuẩn, tuy nhiên sản phẩm trứng gà sạch của Công ty Thanh Đức vẫn chưa thể xuất khẩu do vướng quy định về vùng an toàn dịch bệnh.

Đặc biệt, với mục tiêu hướng đến xuất khẩu trứng gà sạch, Công ty Thanh Đức sẽ áp dụng công nghệ chăn nuôi của Nhật Bản. “Ngay cả nước cho gà uống, chúng tôi cũng phải sử dụng nước sạch tinh khiết dùng cho người để nâng cao chất lượng sản phẩm”, ông Đức chia sẻ.

Hiện Công ty Thanh Đức đã có hệ thống trên 40 điểm phân phối trứng gà sạch trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận như Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa -Vũng Tàu, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, một số đối tác Nhật Bản cũng đang thu mua trứng của doanh nghiệp và chế biến để phục vụ xuất khẩu.

Nói về cơ hội xuất khẩu trứng gà, ông Lâm Thanh Đức cho biết, khoảng 4 năm qua, nhiều đối tác từ Hàn Quốc cũng đã đặt vấn đề thu mua trứng của doanh nghiệp để xuất khẩu sang thị trường nước này. Theo ông Đức, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đến khảo sát tại công ty. Mọi khâu từ chất lượng, sản lượng và giá cả hai bên đều đã thống nhất. Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp vẫn chưa xuất khẩu được do vướng một khâu cuối cùng là chưa xây dựng được vùng ATDB. “Sau khi thống nhất mọi điều kiện thì họ rà lại và thấy trại nuôi của công ty chưa nằm trong vùng ATDB nên hợp đồng không được ký kết”, ông Đức cho hay.

Điều kiện cần có để xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi

Vùng ATDB động vật trên cạn là phạm vi một huyện hay nhiều huyện; một tỉnh hay nhiều tỉnh được xác định không xảy ra ca bệnh đã đăng ký ATDB trong một khoảng thời gian quy định cho từng bệnh, từng loài động vật và hoạt động thú y trong vùng đó bảo đảm kiểm soát được dịch bệnh.

Theo Cục Thú y, việc xây dựng vùng ATDB là điều kiện bắt buộc để các doanh nghiệp có thể xuất khẩu các sản phẩm từ chăn nuôi. Bởi, hầu hết các quốc gia trên thế giới hiện chỉ cho phép nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi khi sản phẩm đó được nuôi trồng, chế biến trong vùng ATDB.

Gấp rút xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để xuất khẩu trứng

Trước “rào cản” cuối cùng khiến quả trứng gà Đồng Nai chưa thể xuất đi Hàn Quốc, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi- thú y Trần Văn Quang cho hay, hiện đơn vị đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục để xây dựng vùng ATDB đối với bệnh cúm và newscastle xung quanh trại nuôi của Công ty Thanh Đức. “Hiện kế hoạch xây dựng vùng ATDB phục vụ xuất khẩu trứng gà của Công ty Thanh Đức đã được trình UBND tỉnh phê duyệt thực hiện”, ông Quang cho hay.

Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi - thú y, để xây dựng vùng ATDB cho Công ty Thanh Đức xuất khẩu trứng gà, 5 xã của huyện Xuân Lộc sẽ được xây dựng thành các xã ATDB. “Đối với việc xây dựng xã ATDB, thời gian thực hiện sẽ kéo dài khoảng 5 - 6 tháng”, ông Quang cho biết.

Đặc biệt, theo ông Quang, trong kế hoạch lần này, ngoài 5 xã của huyện Xuân Lộc, một số địa phương của TX. Long Khánh, huyện Vĩnh Cửu, Định Quán cũng sẽ được xây dựng vùng ATDB để mở rộng vùng đệm ATDB cho doanh nghiệp này.

Riêng việc công nhận vùng ATDB để Công ty Thanh Đức có đủ điều kiện xuất khẩu trứng gà sẽ do Cục Thú y kiểm tra và xác nhận. “Để được xác nhận là vùng ATDB, điều kiện cần có là các xã vùng đệm phải được công nhận là xã ATDB”, ông Quang cho hay.

Đồng Nai là địa phương duy nhất đã có 2 vùng an toàn dịch bệnh

Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y, hiện Đồng Nai là địa phương duy nhất của cả nước đã xây dựng thành công 2 vùng ATDB tại huyện Trảng Bom và Thống Nhất.  Theo đó, tại 27 xã của 2 địa phương này đã hoàn thành khống chế bệnh cúm gia cầm và newcastle ở quy mô nông hộ và trang trại. Ngoài ra, 10 xã khác nằm trong vùng đệm phục vụ cho chương trình xuất khẩu thịt gà chế biến của Công ty TNHH Koyu & Unitek nằm trên địa bàn các huyện Tân Phú, Long Thành... cũng đã được công nhận xã ATDB. 

Phạm Tùng

Tác giả: Phạm Văn Tùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây