Tiếp nối thành công của năm 2017 với kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỷ USD, 3 tháng đầu năm 2018, ngành dệt may Đồng Nai tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng mạnh về xuất khẩu với giá trị đạt hơn 500 triệu USD.
Trên bình diện cả nước, các chuyên gia đánh giá dệt may Việt Nam năm 2018 có cơ hội mở rộng thêm thị trường sau khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết cũng như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực.
Tăng trưởng cao
Theo số liệu từ Sở Công Thương, tháng 3-2018, kim ngạch xuất khẩu dệt may của tỉnh đạt trên 201 triệu USD, tăng gần 90 triệu USD so với tháng trước và tăng 26% so với cùng kỳ 2017. Tính cả quý I, dệt may xuất khẩu trên 500 triệu USD, con số này đưa dệt may trở thành mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 2 của tỉnh chỉ sau giày, dép.
Thị trường xuất khẩu lớn của dệt may Đồng Nai ngày càng đa dạng với khoảng 70 quốc gia, trong đó có nhiều thị trường lớn như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Campuchia,... Trong quý I-2018, tăng trưởng cao nhất là thị trường Nhật Bản với mức tăng 84%, Pháp tăng 50%, Trung Quốc tăng 37%. Sở Công thương nhận định, sản phẩm của ngành dệt may của Đồng Nai được các đối tác nước ngoài đánh giá cao về chất lượng, tính chuyên nghiệp vì thời gian giao hàng nhanh. Từ cuối năm 2017, nhiều đơn đặt hàng lớn từ các nước đã có xu hướng dịch chuyển về Việt Nam và Đồng Nai đón nhận được một số lượng lớn. Theo ghi nhận, đến thời điểm này có không ít doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nhận được đơn hàng đến cuối năm 2018.
Sản xuất tại Công ty cổ phần Đồng Tiến.
Nhờ xuất khẩu được mở rộng nên ngay từ những tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp đã tăng tốc sản xuất. Tại Công ty cổ phần Đồng Tiến, một trong 5 doanh nghiệp xuất khẩu may lớn của Đồng Nai, cuối năm 2017 công ty đã đưa vào sử dụng nhà máy mới tại KCN Amata trị giá đầu tư 138 tỷ đồng. Đồng Tiến cũng tiếp tục đầu tư xây dựng nhà máy thứ 2 tại cụm công nghiệp Đồng Phú Cường với các tiêu chí xanh - sạch - đẹp, hiện đại. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO, không ngừng cải tiến theo công nghệ Clean để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. “Trong năm 2017, công ty đã sản xuất, xuất khẩu hơn 21 triệu sản phẩm các loại với doanh thu trên 1.700 tỷ đồng, vượt 16% so với kế hoạch và tăng 22% so với năm 2016. Trong năm 2018 này, mục tiêu mà Đồng Tiến đặt ra là giá trị sản xuất, xuất khẩu tăng 10% so với năm 2017”, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tiến Nguyễn Văn Hoàng cho hay.
Tìm cách tận dụng lợi thế từ Hiệp định CPTPP
Theo các chuyên gia, sau khi Hiệp định CPTPP được ký kết, ngành dệt may Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng phải tích cực tìm kiếm thị trường ở các quốc gia này, bởi dệt may là một trong những ngành hàng được hưởng ưu đãi nhiều nhất.
Về việc không có Mỹ trong hiệp định CPTPP, quốc gia chiếm 48% tỷ trọng xuất khẩu dệt may của Việt Nam, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhận định, điều này không quá lo ngại vì từ trước tới nay dệt may vào thị trường Mỹ vẫn liên tục phát triển. Ngoài thị trường Mỹ thì còn có Nhật Bản, quốc gia đứng thứ hai và những thị trường đầy tiềm năng khác, đặc biệt là Australia, Canada, 2 thị trường có quy mô sử dụng hàng dệt may khá lớn với khoảng 10 tỷ USD/năm, trong khi thị phần xuất khẩu của Việt Nam còn nhỏ, chỉ khoảng 500 triệu USD/năm.
Bên cạnh đó, tuy hiện thời Mỹ không tham gia nhưng về lâu dài, triển vọng của CPTPP cũng rất lớn vì hiệp định này sẽ còn được mở rộng. Tương lai có thể sẽ có thêm Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Thái Lan… tham gia khi các quốc gia này cảm nhận được lợi ích. Nhờ vậy, thị trường xuất khẩu cho hàng dệt may sẽ thuận lợi hơn.
Ngoài CPTPP, Việt Nam cũng tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước trong khu vực và châu Âu, Nga… nên có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may từ 3 - 3,5 tỷ USD một năm. Đặc biệt năm 2018, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, ngành dệt may sẽ có cơ hội nhận được các đơn đặt hàng lớn từ các nước trong khối EU.
Cơ hội có nhưng để tận dụng là không dễ, tại hội thảo “Bối cảnh hội nhập APEC 2017 và Hiệp định CPTPP - Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam” được tổ chức ngày 29-3 ở TP. Hồ Chí Minh, ông Hà Duy Tùng, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính cho hay, doanh nghiệp cần hiểu rõ những cam kết giữa Việt Nam và các nước thành viên trong Hiệp định CPTPP. “Muốn hưởng được các ưu đãi về thuế khi xuất khẩu, cần phải nhanh chóng chuẩn bị những điều kiện để có thể đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa. Đối với hàng dệt may phải đảm bảo tỷ lệ nội địa hóa từ khâu sợi, còn nếu nhập khẩu nguyên liệu thì phải từ các nước trong khối, việc đảm bảo chứng nhận xuất xứ hàng hóa không phải dễ”, ông Tùng nhận định.
CPTPP có hiệu lực rất nhanh
“Khác với TPP, Hiệp định CPTPP có khả năng sẽ có hiệu lực rất nhanh ngay từ đầu năm 2019. Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp đang rất gần. Do vậy, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp cần sớm chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón nhận và thực thi CPTPP”, Phó vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương Ngô Chung Khanh nói tại hội thảo “Bối cảnh hội nhập APEC 2017 và Hiệp định CPTPP - Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam”.
Văn Gia
Tác giả: Vương Văn Thế
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập