Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử

Thứ năm - 02/05/2019 22:51
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Thương mại điện tử (TMÐT) là một trong những kênh bán hàng hữu hiệu cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Năm 2018, TMÐT Việt Nam tiếp tục phát triển toàn diện với tốc độ tăng trưởng trên 30% và dự báo sẽ đạt quy mô 13 tỷ USD vào năm 2020.​

Tại Ðồng Nai, chỉ số TMÐT hiện đứng hàng thứ 7 cả nước. Theo Sở Công thương, Ðồng Nai đang có nhiều giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển TMÐT trên địa bàn thời gian tới.

Cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Năm 2016, anh Ðinh Phước Tâm, chủ thương hiệu gỗ nội thất Hố Nai Tâm Thảo (phường Tân Hòa, TP. Biên Hòa) bước chân vào sản xuất đồ gỗ. Là đơn vị mới nhưng nhờ kinh nghiệm khi làm mảng thiết kế website cho các tổ chức, doanh nghiệp trước đó, anh Tâm đã ứng dụng để quảng bá sản phẩm của mình.


 Các doanh nghiệp tìm hiểu bán hàng trên sàn thương mại điện tử Postmart.

Thông qua trang mạng Facebook và trang web mang tên đồ gỗ Hố Nai, chỉ hơn một năm sau khi bán hàng online, xưởng sản xuất đồ gỗ mang lại cho anh Tâm doanh thu mỗi tháng hơn 1 tỷ đồng. “TMÐT, cụ thể hơn là bán hàng online là kênh nhanh nhất để sản phẩm của một doanh nghiệp mới, doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận với khách hàng. Ðiều đó càng đúng, càng cần thiết với các doanh nghiệp khởi nghiệp do mức độ nhận diện thương hiệu rất thấp, khó cạnh tranh trong bán hàng truyền thống như các công ty lớn với hệ thống cửa hàng, nhân viên kinh doanh cùng chi phí rất lớn”, anh Tâm cho hay.

Tương tự, đối với Công ty TNHH sản xuất - thương mại dịch vụ thực phẩm Nhật Hà (TP. Biên Hòa), việc bán hàng của đơn vị hầu hết được thực hiện qua mạng xã hội. Bà Nguyễn Trọng Nhật Hà, Giám đốc công ty cho hay, ban đầu doanh nghiệp chi hàng chục triệu đồng cho thiết kế và vận hành website bán hàng để có giao diện thuận lợi nhất cho người tìm kiếm. Bên cạnh đó, bà Nhật Hà cho biết bản thân thường xuyên tham khảo trang bán hàng của các công ty lớn để điều chỉnh trang web của công ty, nhờ đó nhiều loại thực phẩm, hàng đặc sản vùng miền mà doanh nghiệp phân phối được biết đến nhiều hơn.

Thực tế trên cho thấy, ứng dụng internet, mạng xã hội để bán hàng tạo thuận lợi cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng. Tuy nhiên, tình hình ứng dụng kinh doanh TMÐT tại Việt Nam nói chung và Ðồng Nai nói riêng còn gặp nhiều khó khăn. Theo Sở Công thương, kinh doanh trên môi trường TMÐT tiềm ẩn rủi ro nên đa phần các doanh nghiệp chỉ giao dịch và cung cấp các dịch vụ trực tuyến mà không thanh toán trực tuyến. Nhiều HTX, trang trại, cơ sở sản xuất chưa xây dựng website bán hàng; số lượng doanh nghiệp tham gia cổng TMÐT còn hạn chế, hầu hết các doanh nghiệp có website chủ yếu quảng bá sản phẩm nhưng không bán hàng trực tuyến…

Khuyến khích phát triển thương mại điện tử

Theo Kế hoạch phát triển TMÐT Ðồng Nai giai đoạn 2016 - 2020, mỗi năm, Sở Công thương sẽ hỗ trợ xây dựng website bán hàng cho 10 doanh nghiệp, HTX. Ðồng thời cung cấp các kỹ năng, công cụ để doanh nghiệp quản trị tốt nội dung, quảng bá, marketing hiệu quả cho website nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cổng TMÐT Ðồng Nai cũng đã được xây dựng nhằm tập hợp các doanh nghiệp sản xuất, đơn vị cung cấp hàng hóa, nông sản… trên địa bàn tỉnh có kênh thông tin hữu hiệu, đáp ứng nhu cầu tìm kiếm bạn hàng và khách hàng. Bên cạnh đó là tăng cường tập huấn về TMÐT cho doanh nghiệp…

Những nỗ lực của cơ quan quản lý và các doanh nghiệp cũng bước đầu cho thấy hiệu quả. Theo kết quả khảo sát năm 2018 của Hiệp hội TMÐT Việt Nam tại hàng ngàn doanh nghiệp trên cả nước, chỉ số TMÐT của tỉnh Ðồng Nai xếp hạng thứ 7 toàn quốc.

Cuộc khảo sát dựa trên 4 nhóm tiêu chí lớn gồm: nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin, giao dịch thương mại doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C), giao dịch TMÐT doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan Nhà nước tới doanh nghiệp (G2B). Ở tiêu chí nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin, Ðồng Nai xếp hạng thứ 6, trong đó riêng số lượng tên miền “.vn”, Ðồng Nai xếp hạng 5 sau TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Ðà Nẵng và Bình Dương với khoảng hơn 5.750 trang web lấy tên miền “.vn”.

Phó giám đốc Sở Công thương Nguyễn Trí Phương cho hay, bên cạnh việc thu hút đầu tư nước ngoài, Ðồng Nai rất chú trọng phát triển doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ gắn với tiêu thụ hàng hóa, nông sản, đặc sản của địa phương. Ðồng Nai khuyến khích các doanh nghiệp này tham gia, phát triển kênh bán hàng TMÐT. Theo lãnh đạo Sở Công thương, khi tham gia vào các sàn giao dịch TMÐT sẽ giúp các doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân có cơ hội mở rộng được mạng lưới bán hàng vì người tiêu dùng mua hàng hóa qua mạng mỗi năm tăng gần 40%.

Ðầu tháng 3 vừa qua, Sở Công Thương phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức hội nghị đưa các loại đặc sản của Ðồng Nai lên Sàn giao dịch Postmart.vn điện tử cho hơn 50 doanh nghiệp, HTX trên địa bàn. Mục tiêu của Postmart.vn là phối hợp với các tỉnh, thành giới thiệu, quảng bá, bán những loại đặc sản, thủ công mỹ nghệ đến tay người tiêu dùng, sau đó sẽ mở rộng dần để hình thành một chợ TMÐT có quy mô quốc gia. Với hệ thống 13.000 điểm giao dịch khắp cả nước, đến tận vùng sâu, xa, sản phẩm tham gia trên sàn sẽ được giao hàng nhanh.

Cũng theo ông Phương, ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ được giao trong kế hoạch phát triển TMÐT của Ðồng Nai giai đoạn 2016 - 2020, sắp tới, Sở Công thương cũng sẽ có các chương trình hỗ trợ khác để cá nhân, doanh nghiệp của tỉnh có cơ hội đưa hàng hóa, đặc sản vùng miền lên các sàn TMÐT nhằm quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường và từng bước nâng cao chỉ số xếp hạng TMÐT của tỉnh.

Văn Gia

Tác giả: Vương Văn Thế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây