Phòng, chống dịch Covid-19 là điểm sáng nhất của ngành y tế trong năm 2021

Thứ ba - 25/01/2022 10:22
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Sáng ngày 20-1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác y tế năm 2022 do Bộ Y tế tổ chức. Tại điểm cầu Đồng Nai có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng.
f8e6ae2f18d0d58e8cc1.jpg
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội
Chuyển trạng thái đúng lúc
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những kết quả mà ngành y tế đã đạt được trong năm qua, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ngành y tế đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để phòng chống dịch; chuyển trạng thái từ theo đuổi Zero Covid sang kiểm soát linh hoạt, hiệu quả, an toàn với dịch bệnh. Thời điểm chưa có vaccine, chưa có thuốc đặc trị, chưa có nhiều kinh nghiệm, hiểu biết về virus, chúng ta đặt mục tiêu xem sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, buộc phải áp dụng các biện pháp hành chính để chống lây lan dịch bệnh.
Trong những thời điểm khó khăn, ngành y tế đã giữ được bình tĩnh, bản lĩnh để tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước ban hành nhiều quyết sách quan trọng; kêu gọi sự đoàn kết, thống nhất, chia sẻ trong Nhân dân; triển khai tăng cường y tế cơ sở; không để đổ vỡ hệ thống y tế trên phạm vi cả nước, đặc biệt là ở TP.HCM và các tỉnh, thành có dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Đồng thời, góp phần đưa ra những chiến lược quan trọng. Đó là chiến lược vaccine, thành lập quỹ vaccine, thành lập Tổ ngoại giao vaccine, phát động chiến dịch tiêm vaccine lớn nhất từ trước đến nay miễn phí cho toàn dân. Dùng mọi biện pháp để đưa được vaccine về nước. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế, 100% người dân từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm mũi 1, 95% đã được tiêm mũi 2. Đây là kết quả rất đáng tự hào. Số ca nhiễm, nhập viện và tử vong giảm, đặc biệt là TP.HCM.
Ở thời điểm mới có trong tay 47 triệu liều vaccine nhưng ngành y tế đã quyết tâm, tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 nhằm chuyển trạng thái Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, thay đổi tư duy và các biện pháp chống dịch. Lực lượng y tế làm việc bất kể ngày đêm để sớm kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Chúng ta chọn cách tiếp cận toàn dân, lấy xã, phường làm pháo đài, người dân là chiến sĩ, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động từng người dân tham gia bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình, cộng đồng. Lực lượng y tế đã triển khai 700 trạm y tế lưu động để giúp người dân tiếp cận y tế nhanh nhất, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự.
Vừa chống dịch vừa đánh giá, rút kinh nghiệm, hình thành được lý luận và công thức phòng chống dịch. Trong đó, 3 trụ cột chính là: Cách ly trong phạm vi hẹp nhất, giải tỏa sớm nhất có thể; Xét nghiệm khoa học, hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm, tầm soát có trọng tâm, trọng điểm; Điều trị từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở. Công thức chống dịch là: 5K + vaccine + thuốc điều trị + các biện pháp điều trị phù hợp + công nghệ + ý thức của người dân…
 120163ecd513184d4102.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai
Không ngủ quên trên vòng nguyệt quế
Thủ tướng Chính phủ dự báo tình hình năm 2022 có những diễn biến tích cực. Tuy nhiên, không vì thế mà ngành y tế được ngủ quên trên vòng nguyệt quế, không được lơ là, chủ quan. Ngành y tế cần tuân thủ nghiêm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Bình tĩnh, chắc chắn, bản lĩnh trong lúc khó khăn, đưa ra những quyết định chính xác. Chọn cách tiếp cận toàn dân, từ cơ sở, lấy xã phường làm pháo đài, lấy người dân là trung tâm, chủ thể trong phòng chống dịch. Tổ chức thực hiện quyết liệt, có trọng tâm, hiệu quả, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Càng khó khăn, càng phức tạp càng phải phát huy dân chủ, tranh thủ trí tuệ tập thể.
Ngành y tế cần tiếp tục đoàn kết, phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được. Quyết liệt hành động để khắc phục những hạn chế, yếu kém, trước hết là công tác quản lý nhà nước ngành y tế. Bám sát Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ để thể chế hóa, cụ thể hóa thành các biện pháp, chính sách, chương trình hành động phù hợp, tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả. Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế dự phòng và y tế cơ sở. Khẩn trương rà soát các chính sách, chế độ để thu hút được nguồn nhân lực y tế trong phòng, chống dịch nói riêng và khám, chữa bệnh nói chung. Tăng cường xã hội hóa để phát triển ngành y tế. Linh hoạt trong hợp tác công - tư. Đầu tư phát triển KHCN, chuyển đổi số. Về lâu dài phải lo đào tạo nhân lực ngành y tế; nâng cao trình độ năng lực của cán bộ y tế bằng các biện pháp đào tạo, bồi dưỡng; có chính sách thu hút nhân lực vào học ngành y, có chính sách để sau ra trường, các bác sĩ về cơ sở nhiều hơn, nhất là vùng sâu, vùng xa.
Cụ thể hóa chương trình phòng chống dịch trong năm 2022-2023 với mục tiêu bảo vệ người dễ bị tổn thương, người có nguy cơ cao, người tham gia tuyến đầu chống dịch. Không để xảy ra khủng hoảng về y tế, không để đổ bể hệ thống y tế. Nắm chắc tình hình, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, đặc biệt là các biến chủng mới.
Thần tốc hơn nữa tốc độ bao phủ vaccine trên nguyên tắc an toàn, khoa học, hiệu quả. Chủ động về thuốc, chống đầu cơ, chống buôn lậu, tiêu cực, tham nhũng trong vấn đề này…
Việt Anh
 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây