Những ai được đăng ký khám, chữa bệnh BHYT tại 2 bệnh viện tuyến tỉnh?

Thứ hai - 19/04/2021 08:28
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Tỉnh Đồng Nai hiện có hơn 3,2 triệu dân. Trong đó, có hơn 2,5 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) với hơn 220 cơ sở khám, chữa bệnh ký hợp đồng với BHXH tỉnh.
fe6b4bef1907eb59b216.jpg 
Bệnh nhân đang chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai
4 nhóm đối tượng được đăng ký BHYT tuyến tỉnh
Bà Nguyễn Thị Quy, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, theo Thông tư 40/2015 ngày 16-11-2015 của Bộ trưởng Bộ  Y tế quy định đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến khám, chữa bệnh BHYT, căn cứ tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh, những trường hợp được đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ở 2 bệnh viện tuyến tỉnh (Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất) gồm: Những đối tượng thuộc quản lý của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh; người có công với cách mạng; người từ 80 tuổi trở lên. Ngoài ra, theo Công văn số 1456 ngày 21-4-2017 của Sở Y tế, những trường hợp mắc 1 trong số 53 bệnh cần điều trị dài ngày ở tuyến tỉnh trở lên cũng được đăng ký thẻ BHYT tại 2 bệnh viện tuyến tỉnh.
Người dân thuộc các nhóm đối tượng trên nếu muốn mua thẻ BHYT thì liên hệ với các đại lý thu, cơ quan BHXH tỉnh, xuất trình các giấy tờ liên quan để được mua thẻ BHYT. Giá mỗi thẻ BHYT trong năm 2021 là hơn 804 ngàn đồng/thẻ.
Nhằm điều chỉnh lại các đối tượng tham gia BHYT theo đúng quy định, đầu tháng 4-2021, BHXH tỉnh đã điều chỉnh hơn 80 ngàn thẻ BHYT của người dân đang đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất về các bệnh viện, phòng khám tuyến dưới. Hầu hết những người bị điều chuyển đều thuộc nhóm đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình.
Cụ thể, trước khi BHXH tỉnh điều chỉnh nơi đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai có hơn 128,5 ngàn thẻ BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu. Sau điều chỉnh, bệnh viện còn hơn 82,7 ngàn thẻ. Tương tự, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất trước điều chỉnh là gần 89 ngàn thẻ BHYT, sau điều chỉnh còn hơn 49,6 ngàn thẻ BHYT.
3beae09cb174432a1a65.jpg 
Khám, chữa bệnh BHYT cho người dân tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất
Phân bổ thẻ BHYT phải đảm bảo quyền lợi cho người dân
Phó Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho hay, Sở Y tế đã nắm được thông tin một số bệnh nhân đang điều trị dài ngày tại 2 bệnh viện tuyến tỉnh bị chuyển thẻ BHYT đến một cơ sở y tế khác gây xáo trộn đến việc khám, chữa bệnh và khiến người dân búc xúc. Sở Y tế đang làm việc với BHXH tỉnh để giải quyết vấn đề này. Quan điểm của Sở Y tế là việc phân bổ thẻ BHYT phải đảm bảo quyền lợi cho người dân; phải phù hợp với năng lực khám, chữa bệnh của từng cơ sở y tế; phải đúng quy định của Thông tư 40/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Cũng theo Thông tư 40, nếu năng lực tiếp nhận của các cơ sở y tế hạng 3, hạng 4 trên địa bàn huyện, thành phố không đáp ứng được việc khám, chữa bệnh BHYT ban đầu cho người tham gia BHYT thì người dân được phép đăng ký BHYT ở bệnh viện tuyến tỉnh. “Ví dụ trên địa bàn TP.Biên Hòa hiện có gần 900 ngàn thẻ BHYT. Đây là số lượng thẻ rất lớn, không thể chia hết cho các bệnh viện hạng 3, phòng khám đa khoa tư nhân mà bắt buộc phải có những đối tượng được đăng ký ở bệnh viện tuyến tỉnh. Ngoài ra, những đối tượng khác như bệnh nhân ung thư, tiểu đường đang điều trị insulin, những bệnh nhân đang phải lọc thận, viêm gan siêu vi B cũng không thể điều trị ở các bệnh viện tuyến dưới hoặc các phòng khám đa khoa tư nhân vì hầu hết những đơn vị này không đủ phương tiện, thuốc men phù hợp. Nếu chuyển họ về các trạm y tế, các phòng khám hoặc các trung tâm y tế tuyến huyện thì mỗi lần đi khám, chữa bệnh, họ phải xin giấy chuyển tuyến rất phiền hà cho người dân. Những đối tượng này ngành y tế chủ trương vẫn cho đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu ở các bệnh viện tuyến tỉnh dù họ thuộc diện BHYT hộ gia đình hay đối tượng khác” - BS Lê Quang Trung nhấn mạnh.
Lãnh đạo Sở Y tế cũng thừa nhận, khi chính sách thông tuyến BHYT tuyến huyện và thông tuyến tỉnh điều trị nội trú có hiệu lực, việc phân bổ thẻ BHYT cũng không ảnh hưởng nhiều đến các bệnh viện hạng 2, hạng 3, các phòng khám đa khoa tư nhân. Bởi nếu cơ sở đồng hạng có chất lượng khám, chữa bệnh không tốt, người dân dù có thẻ BHYT đăng ký ban đầu tại cơ sở đó vẫn có quyền đến một cơ sở y tế đồng hạng khác để khám, chữa bệnh mà vẫn được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT. Tuy nhiên, đối với 2 bệnh viện tuyến tỉnh, việc phân bổ thẻ BHYT lại có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi nếu không có thẻ BHYT tại 2 bệnh viện này, người dân khi đến khám bệnh ngoại trú tại đây sẽ không được BHYT thanh toán. Số lượng thẻ BHYT nếu giảm cũng sẽ kéo theo số lượng bệnh nhân đến khám giảm, dự toán BHYT giảm dẫn đến không đủ kinh phí để các bệnh viện tuyến tỉnh hoạt động tốt.
Bảo Ngọc

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây