Làm quen với nghiên cứu khoa học (NCKH) là hoạt động được khuyến khích trong học sinh. Trong đó, các em có 2 sân chơi lớn dành cho hoạt động này là cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh phổ thông và cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng (STTTNNĐ).
Các cuộc thi này ngày càng lan tỏa, thu hút nhiều học sinh tham gia nhưng đồng thời cũng làm dấy lên lo ngại rằng nhiều trường, nhiều học sinh vì chạy theo thành tích mà không trung thực trong hoạt động NCKH.

Khi hướng dẫn học sinh, giáo viên cần giáo dục cho học sinh về đức tính trung thực khi nghiên cứu khoa học. Trong ảnh: Học sinh Trường Song ngữ Lạc Hồng làm mô hình cầu chịu lực trong Ngày hội STEM
Khi hướng dẫn học sinh, giáo viên cần giáo dục cho học sinh về đức tính trung thực khi nghiên cứu khoa học. Trong ảnh: Học sinh Trường Song ngữ Lạc Hồng làm mô hình cầu chịu lực trong Ngày hội STEM
Hướng dẫn học sinh về đạo đức NCKH
Một giáo viên ở H.Xuân Lộc chia sẻ: “Bây giờ các đề tài nghiên cứu của học sinh và cả sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên được rao bán nhiều quá. Nếu nhà trường, giáo viên mà chạy theo thành tích thì chỉ việc liên hệ là có người làm sẵn đề tài cho. Nếu cứ như vậy thì học sinh sẽ không học được gì khi tham gia các sân chơi sáng tạo nữa”.
Ngược lại, cũng có giáo viên cho rằng, những đề tài được “rao bán” trên các trang mạng xã hội chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu sử dụng đúng cách thì dựa trên những cái đã có sẽ giúp cho giáo viên và học sinh sáng tạo ra đề tài mới.
Tuy nhiên, giáo viên này cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Cũng có nhiều trường hợp có hành vi dối trá khi lấy các đề tài đó để đi thi hay để phục vụ việc xét khen thưởng sáng kiến kinh nghiệm mà không cần chủ động sáng tạo. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho không ít người có cái nhìn tiêu cực về các cuộc thi”.
Thầy Nguyễn Văn Cư, giáo viên Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (TP.Biên Hòa) cho rằng, giáo viên nên cung cấp cho học sinh các hướng dẫn cụ thể về đạo đức NCKH, bao gồm những hành vi không chấp nhận được như: vi phạm bản quyền, gian lận dữ liệu và sao chép công trình nghiên cứu của người khác. Biện pháp kỷ luật cũng quan trọng nhưng là lựa chọn cuối cùng. Nếu phát hiện bất kỳ hành vi vi phạm đạo đức NCKH nào của học sinh, giáo viên nên đưa ra các quyết định nghiêm khắc như: đình chỉ dự án, từ chối hướng dẫn và báo cáo với nhà trường.
Để học sinh trung thực trong NCKH
Là giáo viên có nhiều năm tham gia hướng dẫn học sinh NCKH, thầy Nguyễn Văn Cư cho rằng, có rất nhiều cách để kiểm tra tính trung thực của các đề tài nghiên cứu, sáng tạo trong học sinh. Chẳng hạn, kiểm tra trích dẫn và nguồn gốc tài liệu. Việc này giúp phát hiện những trường hợp sao chép nội dung, đạo ý tưởng hoặc đạo văn trong báo cáo so với những đề tài đã công bố trước đó. Hoặc giáo viên có thể kiểm tra độ chính xác của dữ liệu và phương pháp nghiên cứu của học sinh thông qua các chỉ số đánh giá dữ liệu để đảm bảo rằng chúng đáp ứng các tiêu chuẩn đạo đức và chuyên môn; kiểm tra tính đồng nhất và nhất quán của kết quả nghiên cứu nhằm giúp phát hiện những nội dung sao chép, đạo văn trong quá trình nghiên cứu.
Một hình thức được dùng phổ biến nhất trong các cuộc thi KHKT và STTTNNĐ là tổ chức phỏng vấn. Giáo viên có thể tổ chức phỏng vấn hoặc thảo luận với học sinh để đánh giá tính trung thực của học sinh trong quá trình NCKH.
“Các giám khảo chấm thi KHKT thường hỏi học sinh về nhật ký nghiên cứu, các phiên bản của sản phẩm nghiên cứu từ lúc ý tưởng sơ khai ban đầu cho tới khi hoàn thiện. Nếu một nghiên cứu thật sự nghiêm túc thì các thông tin sẽ hoàn toàn khớp với nhau. Việc này giúp giáo viên hiểu rõ hơn về quá trình nghiên cứu của học sinh và tìm ra những dấu hiệu của đạo đức trong báo cáo hoặc thảo luận” - thầy giáo Cư cho hay.
Ngoài ra, giáo viên có thể sử dụng công cụ là phần mềm online hoặc offline để phát hiện các trường hợp sao chép nội dung, đạo ý tưởng hoặc đạo văn trong báo cáo nghiên cứu của học sinh. Đây cũng là hình thức mà Sở GD-ĐT TP.HCM đã áp dụng khi chấm thi cuộc thi KHKT năm nay.
Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Công Trứ (H.Trảng Bom) Thân Trúc Điệp cho rằng, đối với các cuộc thi KHKT, STTTNNĐ, tính mới luôn là một trong những yếu tố rất quan trọng trong tiêu chí chấm điểm. Tiêu chí chấm cuộc thi KHKT dựa trên quá trình làm việc của học sinh, sự phát triển của học sinh qua quá trình thực hiện đề tài chứ không phải chỉ chấm các sản phẩm. Vì vậy, Ban giám khảo biết cách để kiểm tra tính trung thực của học sinh và có cái nhìn công tâm nhất trong việc đánh giá.
Điều quan trọng nhất trong quá trình hướng dẫn học sinh NCKH là giáo viên cần luôn sát cánh cùng học sinh, hướng dẫn học sinh đối mặt với những thách thức, khó khăn, trở ngại trong quá trình nghiên cứu, tìm cách giải quyết chúng một cách trung thực và đúng đắn, từ đó mới cảm nhận được quả ngọt và hạnh phúc của người đi tìm chân lý.
Trên hết, mục đích của hoạt động NCKH trong học sinh là nhằm tạo môi trường, sân chơi thoải mái, khuyến khích tăng động lực về phát triển bản thân cho học sinh. Qua đó, giúp học sinh thấy được những lợi ích to lớn trong việc hoàn thiện chính mình.