(CTT-Đồng Nai) - Sau hơn 25 năm tồn tại và thực hiện nhiệm vụ giáo dục khoa học, quảng bá lịch sử và văn hóa địa phương, Bảo tàng Đồng Nai đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào đổi mới, trưng bày, phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu văn hóa, lịch sử của người dân và du khách.
Du khách nước
ngoài đến tham quan, tìm hiểu văn hóa, lịch sử Đồng Nai tại bảo tàng
Tái hiện lịch sử, văn hóa Đồng Nai
Bảo tàng Đồng Nai thành lập năm 1976, xây dựng mới ở vị trí hiện tại vào năm 1993, đến năm 1998 cơ bản hoàn thành. Nội dung trưng bày thường trực của bảo tàng gồm 14 chủ đề, phản ánh lịch sử tự nhiên và xã hội Đồng Nai ở nhiều góc độ khác nhau như: Thiên nhiên Đồng Nai; văn hóa người Việt và các dân tộc ít người; nghề thủ công truyền thống; Đồng Nai thời tiền sơ sử; Đồng Nai thời kỳ khai phá và thuộc Pháp; phong trào đấu tranh cách mạng từ khi Đảng cộng Sản Việt Nam ra đời (1930 - 1945); thời kỳ chống Pháp (1945 - 1954), thời kỳ chống Mỹ (1954 - 1975); Đồng Nai trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc (1975 - 1995).
Số lượng hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Đồng Nai phong phú, đa dạng với hơn 20 ngàn hiện vật (gốc và phụ trợ), trong đó có nhiều bộ sưu tập hiện vật và hiện vật quý hiếm. Ngoài ra Bảo tàng Đồng Nai còn trưng bày ngoài trời với hơn 20 hiện vật gốc thể khối, kích thước lớn là các phương tiện vũ khí chiến đấu của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Hình thức trưng bày cố định trực quan, nhiều tổ hợp và tạo dựng được một số mô hình ma nơ canh tĩnh tái hiện đời sống vật chất và tinh thần của các dân tộc sinh sống trên địa bàn Đồng Nai.
Theo Phó Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Nguyễn Xuân Nam, nguyên nhân trưng bày ở bảo tàng xuống cấp là do không được bổ sung đổi mới thường xuyên; các bộ sưu tập có giá trị độc đáo, tiêu biểu chưa thể hiện được tính nổi bật hấp dẫn. Một số mảng trưng bày bị trùng lắp, nét đặc trưng riêng của địa phương mờ nhạt; thông tin hiện vật trưng bày còn đơn giản; không gian tương tác với công chúng hầu như không có (phòng khám phá, khu vui chơi giải trí không có, các hoạt động giáo dục chưa đa dạng hấp dẫn…).
Website Bảo tàng Đồng Nai xây dựng chuyên mục tham quan 360 thực tế ảo tiền sảnh, tầng 1 và tầng 2
Các ảnh tư liệu trưng bày tại bảo tàng bị mờ nhạt, bay màu; trang thiết bị phục vụ trưng bày của những năm 90 đã bắt đầu lạc hậu, hệ thống chiếu sáng cũ kĩ với những bóng đèn sợi đốt, huỳnh quang. Vật liệu dựng hệ thống đai vách, các tổ hợp mỹ thuật chưa đảm bảo độ bền, công nghệ in ấn chưa phong phú, chất lượng và tính thẩm mỹ kém; các thiết kế đồ họa về câu trích, chú thích, mảng đai, màu sắc…chưa hỗ trợ nhiều cho tư liệu, hiện vật. Các hiện vật độc đáo, nhưng câu chuyện kể chưa có hoặc không hấp dẫn, gần như các trưng bày đều không có thiết bị hỗ trợ bảo quản hiện vật…
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số
Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tháng 12-2021, Chính phủ đã ban hành chương trình “Số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030" nhằm xây dựng hệ thống dữ liệu cơ sở quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.
Từ chủ trương, đường lối của Đảng, các chương trình, kế hoạch của Chính phủ, Đồng Nai đã cụ thể hóa bằng nhiều kế hoạch. Đặc biệt, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 10-12-2020 chỉ rõ mục tiêu tổng quát của tỉnh trong 5 năm tới là: “Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, ý chí và khát vọng phát triển; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; tích cực, chủ động tham gia cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ tư…phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa".
Triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh, những năm qua, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đồng Nai đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, số hóa trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, chú trọng chuyển đổi số trong số hóa hồ sơ, tư liệu, bảo vật quốc gia, hiện vật trưng bày tại bảo tàng… Đến nay, Bảo tàng Đồng Nai đã cập nhật, số hóa hơn 9 ngàn hiện vật, thông tin hiện vật và các di tích đã xếp hạng vào phần mềm quản lý thông tin do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cung cấp.
Để đa dạng hóa cách tiếp cận cho công chúng trên các nền tảng công nghệ số, Bảo tàng Đồng Nai đã thực hiện số hóa công nghệ 3D một số bảo vật quốc gia; giới thiệu không gian tham quan bảo tàng ở một số phòng chuyên đề bằng hình ảnh 3D trên website; thực hiện các phim tư liệu trong chương trình Hành trình di sản, phát sóng trên Đài PT-TH Đồng Nai; đồng thời đưa các hình ảnh, video clip giới thiệu di sản văn hóa Đồng Nai trên các trang mạng xã hội.
Bảo tàng Đồng Nai sử dụng máy chiếu trong trưng bày, công chiếu các phim tư liệu, hình ảnh đã số hóa, phục vụ nhu cầu tham quan của các tầng lớp nhân dân
Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nguyễn Việt Sơn chia sẻ: “Bảo tàng đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin với phần mềm quản lý hiện vật do Cục Di sản văn hóa cung cấp. Cụ thể là nhập thông tin hồ sơ kiểm kê hiện vật 2 di tích với 300 hiện vật và gần 9 ngàn hiện vật tại bảo tàng đã được đưa vào phần mềm quản lý. Việc ứng dụng công nghệ vào quản lý hiện vật không chỉ góp phần tăng năng suất, hiệu quả công việc, xây dựng tác phong làm việc khoa học, hiện đại, chính xác mà qua đó còn tạo điểm nhấn giúp quảng bá hình ảnh con người, vùng đất, văn hóa Đồng Nai đến với bè bạn gần xa".
Bên cạnh đó, Bảo tàng Đồng Nai hoàn thành kiểm kê và hệ thống hóa dữ liệu các loại hình di sản văn hóa phi vật thể như tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống…vào hệ thống quản lý di sản theo đề án Ngân hàng dữ liệu quốc gia của Viện Văn hóa nghệ thuật. Trên cơ sở đó từng bước hoàn thiện hồ sơ từng loại hình, trình cấp có thẩm quyền công nhận các loại hình di sản phi vật thể của tỉnh. Bước đầu, Bảo tàng Đồng Nai hoàn thành hồ sơ Lễ hội chùa Ông và Lễ hội Sayangva của đồng bào Chơro ở Đồng Nai trình Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể.
Tác giả: Hòa Bình
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập