Đến thời điểm hiện tại, mô hình hoạt động của y tế cơ sở cần phải thay đổi để phù hợp với thực tế. Bởi hiện nay, vì nhiều lý do cả khách quan lẫn chủ quan mà người dân không còn mấy mặn mà với hệ thống y tế gần dân nhất này.

Điều dưỡng trạm y tế P.Trảng Dài tích cực tham gia công tác tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân trên địa bàn
Điều dưỡng trạm y tế P.Trảng Dài tích cực tham gia công tác tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân trên địa bàn
Thực hiện đạt 6/7 chỉ tiêu
Hệ thống y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh hiện có 170 trạm y tế xã, phường, thị trấn với 850 giường lưu cấp cứu; 8 trung tâm y tế đa chức năng làm nhiệm vụ y tế dự phòng, dân số, khám, chữa bệnh, quản lý các trạm y tế; 3 trung tâm y tế có chức năng y tế dự phòng, dân số, quản lý các trạm y tế. Tỉnh đã giải thể 6 phòng khám đa khoa khu vực thuộc các trung tâm y tế.
Trong 5 năm từ 2017-2022, tỉnh Đồng Nai thực hiện đạt 6/7 chỉ tiêu liên quan đến y tế cơ sở. Đó là: 85% trạm y tế thực hiện được tối thiểu 80% danh mục kỹ thuật của tuyến xã; 95% trung tâm y tế huyện thực hiện được tối thiểu 85% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện; 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 90% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe; 100% trạm y tế ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn được đầu tư cơ sở vật chất; 100% trạm y tế có bác sĩ làm việc.
Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Lê Quang Trung cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay của y tế cơ sở là vấn đề nhân lực. Hiện, mới chỉ có 146/170 trạm y tế có bác sĩ định biên, còn 24 trạm y tế không có bác sĩ định biên. Do vậy, các bệnh viện, trung tâm y tế huyện, thành phố phải thực hiện cử luân phiên bác sĩ về trạm y tế để làm việc từ 1-2 ngày/tuần theo định kỳ. Tuy nhiên, các trung tâm y tế cũng đang thiếu bác sĩ nên việc cử bác sĩ làm nhiệm vụ luân phiên không được thường xuyên. Công tác tuyển dụng, bổ sung bác sĩ cho các trạm y tế khó khăn trong khi có rất ít viên chức là y sĩ được cử đi thi liên thông lên bác sĩ trúng tuyển.
Chính bởi không có bác sĩ đa khoa nên đến nay, có 1/7 chỉ tiêu liên quan đến phát triển y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh đó là có ít nhất 90% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh BHYT (ước thực hiện năm 2022 chỉ đạt 82,4%).
Về điều kiện cơ sở vật chất của y tế cơ sở, bên cạnh nhiều trạm y tế, trung tâm y tế được đầu tư xây mới, sửa chữa, còn nhiều trạm y tế, trung tâm y tế đã xuống cấp, thiếu trang thiết bị máy móc, thuốc men phục vụ cho hoạt động. Một số dự án đã có chủ trương nhưng tiến độ thực hiện xây dựng, sửa chữa còn chậm. Theo thống kê của Sở Y tế, giai đoạn 2022-2025, nhu cầu kinh phí để xây mới 60 trạm y tế và sửa chữa, cải tạo 46 trạm y tế, mua sắm bổ sung trang thiết bị cho 20 trạm là hơn 1 ngàn tỷ đồng.

Cán bộ y tế Trung tâm y tế H.Thống Nhất kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn
Cán bộ y tế Trung tâm y tế H.Thống Nhất kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn
Cần làm mới mô hình cũ
Giám đốc Trung tâm y tế H.Long Thành Nguyễn Thi Văn Văn kiến nghị lãnh đạo tỉnh và ngành Y tế cần có chính sách bền vững để thu hút cán bộ có trình độ chuyên môn cao về công tác tại khối y tế dự phòng, các trạm y tế. Cần đảm bảo đủ tiền lương và các chế độ, chính sách cho viên chức y tế cơ sở, phụ cấp cho nhân viên y tế thôn, ấp, cộng tác viên dân số.
Ngoài ra, kiến nghị triển khai gói y tế cơ bản dự phòng thanh toán BHYT, ban hành mã quy định mã bệnh thông thường được khám, chữa bệnh đối với bác sĩ y học dự phòng. Cho phép các trạm y tế xã liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, cá nhân thực hiện khám, chữa bệnh cho người dân. Mục tiêu vừa để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân, vừa để trạm y tế có thêm nguồn thu, từ đó tăng thu nhập, giữ chân nhân viên y tế làm việc lâu dài tại trạm.
Trong khi đó, BS Lưu Văn Tường, Giám đốc Trung tâm y tế H.Cẩm Mỹ kiến nghị các cơ quan chức năng sớm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Trung tâm y tế và các trạm y tế đã xuống cấp để đảm bảo hoạt động của đơn vị. Đồng thời, tăng cường biên chế cho khối y tế dự phòng, y tế cơ sở để đáp ứng được mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân và đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh.
“Việc nâng cao năng lực cho bác sĩ ở tuyến cơ sở rất cần thiết nhưng gần đây trung tâm gặp khó khăn do học phí học bác sĩ chuyên khoa I, II rất cao. Nhiều trường hợp thi đậu nhưng không thể theo học do khó khăn về kinh phí. Chúng tôi kiến nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm hơn nữa, thực hiện chính sách hỗ trợ sớm để đời sống của cán bộ y tế ổn định, tránh tình trạng nghỉ việc, bỏ việc” – BS Tường kiến nghị.
Phát biểu tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định số 2348 ngày 5-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới mới đây, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn cho hay, UBND tỉnh đã đề xuất đề án hỗ trợ thu nhập cho nhân viên y tế. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phải làm sao để các y, bác sĩ làm việc ở trạm y tế, trung tâm y tế phát huy được năng lực của bản thân. Do vậy, vấn đề ứng xử, môi trường làm việc của nhân viên y tế ở tuyến cơ sở là điều đáng quan tâm. Lãnh đạo tỉnh đề nghị ngành Y tế nghiên cứu giải pháp để tháo gỡ vướng mắc này, để hệ thống y tế cơ sở thực sự gần dân, sát dân, hiểu dân và chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn. Riêng vấn đề máy móc, trang thiết bị, cơ sở vật chất, tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm, đầu tư cho các trạm y tế, trung tâm y tế, đảm bảo hoạt động của các đơn vị.