Một trong những xu thế xuất hiện nhiều trên thị trường bán lẻ giữa bối cảnh dịch Covid-19 là người tiêu dùng ngày càng mua sắm theo hướng tiêu dùng đa kênh, đa phương tiện, kết hợp các kênh phân phối truyền thống và hiện đại.
Người dân chọn mua các loại thực phẩm thiết yếu thông qua một ứng dụng trên điện thoại thông minh.
Trong đó, “giỏ hàng” của người tiêu dùng theo xu hướng mua sắm này có nhiều thay đổi dưới tác động của dịch bệnh, trong đó có nhiều sản phẩm hàng Việt.
Hiện nay, bán lẻ đa kênh là xu thế tất yếu của thị trường, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa trực tuyến (online) và trực tiếp (offline). Tại hội nghị trực tuyến Kết nối cung - cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế do Bộ Công thương phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức vào đầu tháng 10 vừa qua, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) nhận định, trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch Covid-19 và bắt đầu phục hồi kinh tế như hiện nay, việc kết hợp phương thức phân phối hiện đại - thương mại điện tử và phương thức phân phối truyền thống là giải pháp tất yếu căn cơ cho hoạt động kết nối cung cầu, đảm bảo lưu thông hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Với các bước triển khai mạnh mẽ và đồng bộ trên các kênh thương mại điện tử, kết hợp giữa thương mại điện tử và thương mại truyền thống, việc ứng dụng công nghệ đã phát huy tối đa được lợi thế của các bên, tăng tính hiệu quả và tối ưu hóa được các khâu trong lưu thông hàng hoá, kết nối cung cầu và với mục tiêu cao nhất là thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá và đảm bảo đời sống người dân, nhất là đối với những địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Đại diện nhiều siêu thị tại Đồng Nai cho biết, trong thời gian gần đây, xu hướng tiêu dùng đã có nhiều sự chuyển biến cả ở các kênh bán hàng truyền thống lẫn đặt hàng trực tuyến. Theo đó, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, bên cạnh các mặt hàng thực phẩm tươi sống, lượng tiêu thụ các mặt hàng tiêu dùng như: mì gói, thực phẩm đóng hộp, sữa, các loại khẩu trang, nước sát khuẩn, sản phẩm vệ sinh… tăng cao. Đây là các mặt hàng mà nhiều doanh nghiệp trong nước có thế mạnh, các sản phẩm hàng Việt chiếm tỉ trọng cao trên các kệ hàng.
Bà Hoàng Thị Tố Uyên, Phó giám đốc Co.opmart Biên Hòa chia sẻ, siêu thị áp dụng nhiều kênh đặt hàng trực tuyến với nhiều ưu đãi tích điểm thưởng cho khách hàng. Bên cạnh đó, siêu thị còn triển khai bán hàng trên các nhóm mua chung trực tuyến trên Zalo. Với hình thức này, khách hàng có thể lựa chọn mua hàng theo hình thức combo hoặc mua lẻ tùy nhu cầu, nhóm mua chung, góp phần tăng tương tác cho khách hàng. Trong đó, các gói sản phẩm theo combo, nhất là các gói nông sản, thực phẩm theo combo được nhiều người lựa chọn, đặt mua.
Phó giám đốc Sở Công thương Lê Văn Lộc cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục linh động các hình thức xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu trực tuyến để hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp địa phương tìm kiếm các kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng số… Đồng thời, tiếp tục phát huy hiệu quả các hình thức, các kênh phân phối truyền thống và hiện đại trong tình hình mới.
Phan Anh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập