UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch số 265 phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2030 với tổng kinh phí hơn 29,9 tỷ đồng. Mục tiêu nhằm kiểm soát được bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi và phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân.

Tiêm vaccine phòng bệnh dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho người dân
Tiêm vaccine phòng bệnh dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho người dân
Thành lập các đội bắt chó, mèo chạy rông
Theo kế hoạch này, chủ nuôi chó, mèo có trách nhiệm phải tiêm vaccine phòng dại cho vật nuôi; đăng ký, khai báo nuôi chó, mèo với chính quyền cấp xã; cam kết nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình. Chó, mèo khi đưa ra khỏi nhà phải được xích, rọ mõm, có người dắt đề phòng cắn người, từng bước áp dụng việc đánh dấu để nhận diện (đeo vòng, gắn chíp) cho chó, mèo đã được tiêm vaccine dại.
Hằng năm, UBND các cấp phát động 1 đợt tiêm vaccine phòng dại chính cho đàn chó, mèo. Ngoài ra, tuyên truyền cho người nuôi thường xuyên bổ sung cho đàn chó, mèo chưa được tiêm phòng.
UBND cấp huyện ra quyết định thành lập đội bắt chó chạy rông của địa phương để bắt giữ, xử lý các trường hợp chó, mèo thả rông ngoài đường không có người chăn dắt, không có dây xích, không đeo rọ mõm, chưa tiêm vaccine phòng dại. Tăng cường xử phạt các trường hợp vi phạm trong quản lý nuôi chó, mèo theo quy định.
Để đảm bảo an toàn sức khỏe và tính mạng, tất cả những người bị chó, mèo cắn, cào, phơi nhiễm, có nguy cơ nhiễm bệnh dại nhưng chưa được tiêm vaccine dại phải được điều trị dự phòng. Mỗi huyện, thành phố phải có ít nhất 1 điểm tiêm vaccine dại có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, nguồn lực cho điều trị dự phòng, đảm bảo đủ trang thiết bị, vaccine và huyết thanh kháng dại đã được cấp phép sử dụng.

Đồng Nai sẽ thành lập các đội bắt chó mèo thả rông
Đồng Nai sẽ thành lập các đội bắt chó mèo thả rông
Tăng cường giám sát bệnh dại trên động vật
Mới đây, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 1 trường hợp tử vong nghi do virus dại. Trước đó khoảng 4 tháng, người phụ nữ này bị chó nhà cắn nhưng do nhiều lý do nên chưa kịp đi tiêm vaccine phòng dại.
Nhằm không để tiếp diễn tình trạng trên, trong kế hoạch phòng chống bệnh dại của UBND tỉnh sẽ tăng cường việc giám sát chủ động bệnh dại trên động vật. Chủ nuôi chó, mèo, các tổ chức, cá nhân hành nghề khám chữa bệnh động vật có trách nhiệm chủ động theo dõi, giám sát sức khỏe của vật nuôi, có trách nhiệm báo cáo, cung cấp thông tin chính xác cho chính quyền địa phương, cán bộ thú y, y tế gần nhất khi phát hiện động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết do dại.
Hằng năm tổ chức lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng đối với bệnh dại trên chó, mèo nuôi trên địa bàn các huyện, thành phố.
Trường hợp xảy ra ổ dịch dại, các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát, xác minh tình hình dịch bệnh ngay khi nhận được thông tin, điều tra ổ dịch trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được thông tin về ổ dịch. Tổ chức điều tra, xác minh, lấy mẫu xét nghiệm, xử lý các trường hợp động vật mắc bệnh, nghi mắc dại.
Tổ chức kiểm soát vận chuyển chó, mèo ra vào địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Thú y và Thông tư số 25 của Bộ NN-PTNT về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn.
Xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh dại cấp xã trên địa bàn các huyện, thành phố, tiến tới xây dựng vùng an toàn dịch bệnh dại trên địa bàn TP.Biên Hòa và TP.Long Khánh. Phối hợp với các tổ chức quốc tế, các trường đại học, Cục Thú y nghiên cứu về đặc điểm dịch tễ, đặc điểm sinh học phân tử của virus dại trên địa bàn tỉnh, các phương pháp chẩn đoán, xét nghiệm bệnh dại và công tác quản lý chó, mèo, phòng chống bệnh dại, đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân.

Chó thả rông gây nhiều bức xúc cho người dân
Chó thả rông gây nhiều bức xúc cho người dân