Tình trạng nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) cục bộ trong 9 tháng của năm
2019 trên địa bàn Đồng Nai vẫn ở mức cao, thời gian nợ kéo dài. Trong tổng số
495,5 tỷ đồng tiền nợ bảo hiểm, có 357,1 tỷ đồng là nợ BHXH, còn lại là nợ bảo
hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), nợ lãi.
Người lao động bị chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội đến Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh để được giúp đỡ, đòi quyền lợi
Do không được hưởng
quyền lợi chính đáng nên việc người lao động (NLĐ) tìm đến các cơ quan quản lý
nhà nước để khiếu nại việc bị chủ doanh nghiệp (DN) chiếm dụng tiền đóng BHXH
diễn ra khá phổ biến.
Phạt tù cao nhất là 7 năm
Thượng tá Lê Văn Khuyện,
Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế (Công an tỉnh) cho hay,
theo quy định của Luật BHXH năm 2014, Luật BHYT sửa đổi năm 2014, Luật Việc làm
năm 2013 thì việc tham gia BHXH, BHYT, BHTN là nghĩa vụ của NLĐ cũng như người
sử dụng lao động. Khoản 1 Điều 186 Bộ luật Lao động khẳng định: “Người sử dụng
lao động, NLĐ phải tham gia BHXH bắt buộc, BHYT bắt buộc, BHTN và được hưởng các
chế độ theo quy định của pháp luật”.
Căn cứ Khoản 1 Điều 216 Bộ luật Hình sự
năm 2015, người có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động mà gian dối
hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc đóng không đầy đủ BHXH cho người lao
động từ 6 tháng trở lên, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn đóng
BHXH trước đó mà vẫn tiếp tục vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình
sự.
Thủ đoạn gian dối có thể được hiểu là việc giả mạo các hóa đơn, chứng từ
liên quan đến việc sử dụng lao động hoặc cố tình khai báo không trung thực với
cơ quan BHXH về nghĩa vụ đóng BHXH của người có nghĩa vụ đóng bảo hiểm; thực
hiện giao kèo, thỏa thuận trái pháp luật để ép hoặc yêu cầu NLĐ không tham gia
bảo hiểm để người sử dụng lao động trốn tránh việc đóng BHXH cho cơ quan chức
năng theo quy định.
Mặc dù vậy, Thượng tá Khuyện cũng lưu ý, không phải mọi
trường hợp trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà còn
có những điều kiện ràng buộc. Đó là: trốn đóng hoặc đóng không đầy đủ BHXH từ 6
tháng trở lên trong cả quá trình đóng bảo hiểm của NLĐ; trốn đóng bảo hiểm từ
50-300 triệu đồng; trốn đóng cho từ 10-50 NLĐ; đã bị xử phạt vi phạm hành chính
về hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN rồi nhưng vẫn vi phạm. Những trường hợp vi
phạm này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tiền từ 50 triệu đồng
đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm.
Một số vướng mắc
Giám đốc
BHXH tỉnh Phạm Minh Thành cho biết, kể từ khi Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa
đổi, bổ sung năm 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018, cơ quan BHXH tỉnh
đã phát hiện và chuyển sang cơ quan điều tra Công an tỉnh 10 hồ sơ có dấu hiệu
trốn đóng BHXH. Tuy nhiên, việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử gặp mốt số
khó khăn. Bởi có những DN vi phạm nhưng chưa bị xử phạt vi phạm hành chính nên
cơ quan điều tra chưa xác định đủ yếu tố cấu thành tội phạm hoặc có những trường
hợp doanh nghiệp xảy ra vi phạm trước thời điểm Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu
lực.
Ông Doãn Cao Sơn, Phó trưởng phòng Kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án
kinh tế, chức vụ (Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh) cho hay, điển hình là vụ việc
trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN tại Công ty cổ phần Vietbo (Khu công nghiệp Sông Mây,
huyện Trảng Bom). Đây là DN 100% vốn đầu tư nước ngoài, có 200 NLĐ tham gia
BHXH, BHYT, BHTN. Kết quả thanh tra liên ngành của đoàn thanh tra liên ngành về
BHXH của tỉnh xác định, đến cuối tháng 9-2018, công ty này còn nợ BHXH, BHYT,
BHTN khoảng 20,5 tỷ đồng. Tính từ ngày 1-1-2018 đến 30-9-2018, số tiền nợ khoảng
3,3 tỷ đồng. Do các lỗi vi phạm, UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành
chính công ty này số tiền 150 triệu đồng. Sau đó, vụ việc được chuyển đến cơ
quan điều tra Công an tỉnh để thụ lý giải quyết theo thẩm quyền.
Qua nghiên
cứu các tài liệu hồ sơ vụ việc, cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát tỉnh nhận thấy
chưa đủ căn cứ pháp lý để khởi tố vụ án hình sự về tội trốn đóng BHXH, BHYT,
BHTN cho NLĐ đối với Công ty cổ phần Vietbo vì quyết định xử phạt vi phạm hành
chính của UBND tỉnh có hiệu lực từ ngày 24-10-2018 nhưng phải đợi 6 tháng sau,
nếu Công ty cổ phần Vietbo không đóng hoặc đóng không đầy đủ các loại bảo hiểm
theo quy định thì vụ việc mới được coi là có dấu hiệu phạm tội.
Mặt khác,
quyết định xử phạt vi phạm hành chính không tách bạch được hành vi chậm đóng bảo
hiểm của Công ty cổ phần Vietbo từ ngày 1-1-2018 đến 30-9-2018 mà gộp chung với
hành vi chậm đóng bảo hiểm từ các năm trước, dẫn đến không đảm bảo căn cứ pháp
lý trong việc nhận định, đánh giá từ ngày 1-1-2018 đến ngày bị xử phạt hành
chính, Công ty cổ phần Vietbo đã trốn đóng bảo hiểm như thế nào để làm căn cứ
định tội. Ngoài ra, chủ thể bị xử phạt vi phạm hành chính là Công ty cổ phần
Vietbo nếu công ty này tiếp tục vi phạm theo quy định thì chỉ có thể khởi tố
được pháp nhân là Công ty cổ phần Vietbo chứ không thể khởi tố, xử lý hình sự
được đối với cá nhân là ông Wang Pi Hung, Tổng giám đốc công ty.
Ngoài Công
ty cổ phần Vietbo, còn một số công ty khác (như: Công ty TNHH KL Texwell Vina,
Công ty cổ phần Lilama 45-1, Công ty cổ phần Lilama 45-4, Công ty TNHH Kumsung
Vina…) nợ số tiền lớn trong thời gian kéo dài nhưng vì những lý do như: chủ DN
bỏ trốn về nước, chủ DN không có khả năng chi trả các khoản nợ hoặc hành vi
chậm, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN của chủ DN diễn ra trước ngày 1-1-2018 cũng gây
khó khăn cho các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý.
Phó giám đốc Sở Lao
động - thương binh và xã hội Phạm Văn Cộng trăn trở, trước đây Sở có tham mưu
cho UBND tỉnh cấm xuất nhập cảnh đối với những cá nhân đại diện cho doanh nghiệp
vi phạm liên quan đến bảo hiểm. Giải pháp này đã đem đến hiệu quả nhất định,
giúp cơ quan chức năng thu được số tiền nợ lớn. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp lại không
đồng ý giải pháp này vì cho rằng chỉ được cấm xuất nhập cảnh với những người đại
diện hợp pháp cho DN là chủ của DN. Còn những người là đại diện cho DN nhưng chỉ
là làm thuê, không phải là chủ DN thì không được cấm xuất nhập cảnh với họ. Điều
này lại gây cho Sở và cơ quan chức năng nhiều khó khăn trong thu hồi nợ.
Kiên
quyết xử lý để răn đe
Trước những quy định còn mang tính định tính, chung
chung và có cách hiểu khác nhau của Bộ luật Hình sự năm 2015, để kịp thời đáp
ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm, khắc
phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn xét xử, ngày 15-8-2019, Hội đồng
Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP
hướng dẫn áp dụng Điều 214 của Bộ luật Hình sự về tội gian lận BHXH, BHTN, Điều
216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ. Nghị quyết có hiệu lực thi hành
kể từ ngày 1-9-2019.
Theo ông Doãn Cao Sơn, nghị quyết đã giải thích rõ một
số từ ngữ được quy định trong các điều này như: lập hồ sơ giả, trốn đóng BHXH,
gian dối để không đóng, không đóng đầy đủ tiền BHXH, BHYT, BHTN… Nghị quyết cũng
hướng dẫn một số tình tiết quy định khung hình phạt, truy cứu trách nhiệm hình
sự trong một số trường hợp cụ thể, xử lý hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho
NLĐ trước ngày 1-1-2018, xác định tư cách tố tụng của cơ quan BHXH…
Tuy
nhiên, ông Sơn cho rằng, để việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với các
hành vi gian lận, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN theo quy định đảm bảo có căn cứ,
đúng pháp luật, cần phải có sự phối hợp tốt giữa cơ quan thanh tra của đơn vị
bảo hiểm cũng như các cá nhân, đơn vị có liên quan.
“Chúng tôi sẽ lựa chọn
một số vụ việc điển hình để tiến hành khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử bảo đảm
kịp thời, nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật và phục vụ nhiệm vụ chính trị
của địa phương” - ông Doãn Cao Sơn nhấn mạnh.
Về vấn đề này, ông Ngô Văn
Toàn, Phó giám đốc Sở Tư pháp cho biết, để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng
của NLĐ, khắc phục tình trạng nợ đọng BHXH tại các DN, Sở đã chủ trì, phối hợp
với các sở, ban, ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật BHXH,
BHYT, BHTN, soạn thảo tài liệu hỏi - đáp pháp luật về BHXH.
“Cần phải công
khai danh sách các đơn vị, DN nợ BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng,
cảnh báo đơn vị vi phạm, khuyến khích đơn vị chủ động khắc phục. Đồng thời, cần
tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị sử dụng lao động nhằm kịp
thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN” -
ông Toàn đề xuất.
Chủ tịch UBND tỉnh CAO TIẾN DŨNG nhấn mạnh: “Mặc dù tỷ lệ nợ BHXH của Đồng Nai thấp hơn bình quân chung của cả nước nhưng số nợ cục bộ cao, nhiều DN nợ trong thời gian dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ. BHXH tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, các địa phương bằng nhiều cách làm khác nhau thu cho bằng được số tiền các DN nợ BHXH, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ”.
Hạnh Dung - Hồ Thảo