Xây dựng nền công nghiệp tự chủ

Thứ hai - 24/04/2023 14:52
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế, là động lực trực tiếp tạo ra giá trị gia tăng, giúp tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa. Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ và đưa sản phẩm hàng hóa của mình vươn ra thị trường thế giới, do vậy phát triển CNHT cũng là con đường để tự chủ sản xuất, xây dựng thương hiệu quốc gia.

Hỗ trợ kết nối khách hàng để tham gia vào chuỗi cung ứng là điều DN rất cần. Trong ảnh, Đồng Nai hỗ trợ DN CNHT trong tỉnh kết nối với đối tác Nhật Bản
Hỗ trợ kết nối khách hàng để tham gia vào chuỗi cung ứng là điều DN rất cần. Trong ảnh, Đồng Nai hỗ trợ DN CNHT trong tỉnh kết nối với đối tác Nhật Bản

Để phát triển, cộng đồng doanh nghiệp (DN) sản xuất mong muốn Nhà nước có chính sách luật hóa, tạo điều kiện thụ hưởng thêm các chương trình hỗ trợ.

Liên kết để phát triển

Phát triển CNHT là yêu cầu tất yếu song đây là vấn đề rất khó khăn, không chỉ một mình cộng đồng DN hay địa phương đơn lẻ nào có thể thực hiện thành công. Là vùng kinh tế lớn nhất cả nước, khu vực Đông Nam bộ có nhiều điều kiện để phát triển CNHT trong tương lai, điều đó đòi hỏi các địa phương phải liên kết, hỗ trợ nhau phát triển. Trong khuôn khổ chương trình hội thảo Hỗ trợ DN nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu do Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) phối hợp với Báo Tuổi Trẻ vừa tổ chức, các tỉnh thành trong vùng đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác.

Theo đó, các địa phương trong vùng sẽ hỗ trợ DN và vừa tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, hướng đến xây dựng nền công nghiệp tự chủ của Việt Nam. Cụ thể là sẽ phối hợp chặt chẽ trong công tác tổ chức các hội nghị liên kết vùng trong định hướng phát triển công nghiệp theo lợi thế của từng địa phương; nghiên cứu, đề xuất giải pháp, cơ chế, chính sách cho phát triển công nghiệp và CNHT... Các bên cũng phối hợp tổ chức hội nghị, hội thảo, hỗ trợ cho DN vừa và nhỏ tham gia vào được chuỗi cung ứng toàn cầu. Phối hợp nghiên cứu, góp ý, đề xuất xây dựng Luật công nghiệp; liên kết hình thành vùng nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho rằng xây dựng ngành công nghiệp tự chủ là khát vọng lớn ở tầm quốc gia và các địa phương cần nỗ lực, hợp tác cùng nhau để thực hiện nhiệm vụ chung.

Đồng Nai gia tăng tỷ trọng công nghiệp hỗ trợ

Đối với Đồng Nai, trong cơ cấu xuất khẩu mặt hàng công nghiệp tính đến nay có đến hơn một nửa kim ngạch xuất khẩu thuộc về nhóm hàng công nghiệp hỗ trợ. Hiện Đồng Nai là một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp lớn nhất Việt Nam. Các doanh nghiệp Đồng Nai được các nhãn hàng trên thế giới đánh giá cao về tính năng động, có khả năng hoàn thành được nhiều đơn hàng khó, số lượng lớn trong thời gian ngắn.

Đồng Nai phấn đấu đến hết năm 2025, CNHT chiếm khoảng 21-23% giá trị toàn ngành công nghiệp của tỉnh. Tỉnh cũng sẽ tìm cách tạo cầu nối liên kết giữa CNHT với các DN sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh hợp tác chặt chẽ với nhau, phát triển thêm các khu, cụm CNHT cùng với các chính sách khuyến khích kèm theo. Bà Nguyễn Hoàng Quyên, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương) cho biết thêm, Đồng Nai sẽ thường xuyên phối hợp với Cục Công nghiệp cùng các đơn vị liên quan tăng cường trao đổi thông tin, triển khai các chính sách hỗ trợ một cách hợp lý, kịp thời để thúc đẩy DN CNHT trên địa bàn tỉnh phát triển.

Tác giả: Nam Vũ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây