Vững tin ở vùng đất mới

Thứ sáu - 07/10/2022 10:24
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Vượt qua quãng đường dài gần 2 ngàn km từ Hà Giang vào Đồng Nai lập nghiệp với hy vọng “vùng đất mới” sẽ thay đổi cuộc sống khó khăn, hơn 600 lao động quê tỉnh Hà Giang làm việc tại các nông trường cao su đã trải qua sự bỡ ngỡ, lạ lẫm ban đầu để bắt nhịp với công việc và gắn bó với nghề đến nay.

Anh Sùng Seo Vu gắn cạo mủ tại vườn cao su thuộc Nông trường Cao su An Viễng (H.Long Thành)
Anh Sùng Seo Vu gắn cạo mủ tại vườn cao su thuộc Nông trường Cao su An Viễng (H.Long Thành)

Ổn định với nghề

Trên con đường đất đỏ dẫn vào vườn cao su đang cho khai thác, chúng tôi bắt gặp tiếng nói cười rộn ràng của hàng trăm công nhân cạo mủ đến từ​​ tỉnh Hà Giang. Dưới những hàng cây cao su tươi tốt, những công nhân với bộ đồ bảo hộ màu xanh không ai bảo ai, tất cả đều hăng say, miệt mài cạo mủ với mong muốn làm vượt sản lượng trong ngày. Từ năm 2020 đến nay, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng công việc cạo mủ cao su và thu nhập của họ vẫn ổn định.

Hơn 2 năm nay, anh Sùng Seo Vu gắn bó với cây cao su tại Nông trường Cao su An Viễng (H.Long Thành). Công việc này đã giúp anh có thu nhập ổn định hằng tháng, gửi về quê nuôi con và tiết kiệm tiền sửa lại căn nhà cũ đã xuống cấp. Anh Sùng Seo Vu cho biết, khi còn ở quê, anh chủ yếu làm ruộng và chăn nuôi nhưng thu nhập không đủ nuôi con và trang trải cuộc sống. Năm 2019, anh được bạn bè giới thiệu vào Đồng Nai làm công nhân cao su. Lần đầu tiên xa quê nhưng anh Vu lại có một niềm tin mãnh liệt với vùng đất này.

Anh Vu cho hay, nghề cao su đã mang lại nhiều niềm vui, kinh tế được cải thiện, các con được đến trường và gia đình không còn sống cảnh thiếu trước, hụt sau. “Ban đầu chưa quen việc có khó khăn, nhưng khi quen với nghề thì tôi thấy công việc này hợp với sức mình, thu nhập lại ổn đinh. Từ đó, tôi quyết định gắn bó với nghề và đưa vợ cùng vào làm” - anh Vu bày tỏ.

Hàng ngày, anh Vu chạy xe máy chở vợ đi cạo mủ khắp các vườn cây cao su. Lúc đầu, vợ anh chưa có kinh nghiệm, làm còn chậm, chính anh là người hướng dẫn kỹ thuật cạo và hỗ trợ, động viên vợ nâng cao tay nghề, tăng thu nhập để cải thiện kinh tế gia đình. Nhờ đó, đến nay, 2 vợ chồng anh đều là những công nhân có tay nghề giỏi của nông trường. Anh Vu còn được bầu làm Tổ trưởng Công đoàn và vinh dự được giới thiệu, kết nạp vào Đảng.

Chị Cháng Thị Máy cũng gắn bó với nghề cạo mủ cao su gần 3 năm nay. Chị Máy cho biết, từ khi đặt chân đến Đồng Nai lập nghiệp, thu nhập của các công nhân đến từ tỉnh Hà Giang luôn ổn định, năm sau cao hơn năm trước, trung bình từ 9-10 triệu đồng/tháng. “Chúng tôi mua được xe máy, sắm đồ dùng trong nhà, gửi tiền về quê xây nhà, mua trâu. Tôi rất yên tâm với cuộc sống ở đây và sẽ gắn bó lâu dài với nghề” - chị Máy chia sẻ.

Công nhân Hà Giang tất bật bữa cơm sau giờ làm
Công nhân Hà Giang tất bật bữa cơm sau giờ làm

Xây dựng nơi lưu trú cho công nhân

Cặp vợ chồng Lù Văn Nghiêm và Cháng Thị Máy có 3 người con (1 người đã đi làm, còn 2 người đang đi học). Vì vậy, cả 2 vợ chồng chị ráng làm để có tiền cho con vào đại học. Ngoài ra, hàng tháng anh chị còn hỗ trợ cho cha mẹ già nên cần rất nhiều chi phí.
“Điều chúng tôi yên tâm khi gắn bó với vùng đất này đó là lãnh đạo Tổng công ty Cao su Đồng Nai và các nông trường luôn quan tâm, lo lắng đến đời sống cho công nhân. Ngoài ra, hỗ trợ lao động khó khăn, tặng quà lao động vượt sản lượng, lao động tay nghề giỏi và xây dựng khu lưu trú, tạo chỗ ở miễn phí cho chúng tôi yên tâm làm việc” - chị Máy bộc bạch.

Theo Công đoàn Tổng công ty Cao su Đồng Nai, trước tình trạng thiếu hụt lao động trong 3 năm trở lại đây, tổng công ty đã tổ chức các đoàn đi thu tuyển lao động tại các tỉnh phía Bắc. Trong đó, hơn 600 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang đã vào làm việc tại các nông trường cao su Đồng Nai. Để chăm lo cho số công nhân này, tổng công ty phối hợp với Công đoàn và các nông trường quan tâm đến đời sống, nơi ở cho người lao động. Đặc biệt, đầu tư xây dựng các khu nhà lưu trú để công nhân không lo lắng về chỗ ở của mình.

Hiện khu nhà lưu trú dành cho công nhân tại Nông trường Cao su An Viễng có 60 căn đang tạo nơi ở ổn định, tiện nghi cho hàng trăm công nhân cao su đến từ tỉnh Hà Giang. Tại đây, các gia đình công nhân được bố trí ở từng phòng riêng biệt, được trang bị giường, quạt, bếp nấu ăn đến các vật dụng sinh hoạt. Hằng tháng, công nhân còn được Công đoàn tặng các nhu yếu phẩm như: gạo, mì tôm, nước tương, nước mắm, khẩu trang… Sự quan tâm này đã giúp nhiều công nhân là người dân tộc thiểu số đến từ tỉnh Hà Giang cảm thấy rất yên tâm khi từ chọn và gắn bó với vùng đất mới.

Ngoài lo lắng nơi ăn chốn ở cho công nhân, lãnh đạo Tổng công ty Cao su Đồng Nai và các nông trường đã sâu sát, gần gũi và giúp đỡ để họ hòa nhập với văn hóa, lối sống tại Đồng Nai. Đặc biệt, lãnh đạo nông trường và các cấp Công đoàn đã quan tâm, bồi dưỡng, đào tạo tay nghề để họ trở thành những công nhân nòng cốt, có tiếng nói, từ đó góp phần tạo sự đoàn kết trong lực lượng lao động này với nông trường.

Tác giả: Phong Lan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây