Vang danh gốm truyền thống Biên Hòa

Chủ nhật - 31/12/2023 22:32
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) Gốm Biên Hòa là sản phẩm được định danh từ hàng trăm năm nay. Với những người yêu nghề gốm, gốm Biên Hòa luôn có sự khác biệt so với các loại gốm khác qua các yếu tố: đất, men và lửa.

Vận chuyển gốm mộc vào lò chuẩn bị mẻ gốm mới
Vận chuyển gốm mộc vào lò chuẩn bị mẻ gốm mới

Ấn tượng về làng gốm ven sông

Từ hàng trăm năm trước, gốm Biên Hòa phát triển mạnh dọc theo sông Đồng Nai tại địa bàn P.Tân Vạn ngày nay. Thời đó, nghề gốm phát triển cực độ và trở thành danh xưng Làng gốm Tân Vạn. Mỗi sản phẩm gốm ở đây luôn được những người thợ gốm đã gửi gắm vào đó cả sự nhiệt huyết, sáng tạo và niềm đam mê cùng với trách nhiệm nghề, để tạo nên những dòng sản phẩm về gốm đất đen và gôm đất trắng vô cùng độc đáo.

Gốm Biên Hòa được tạo nên từ nguyên liệu chính là đất sét. Gốm có 2 loại chính là gốm đất đen và gốm đất trắng (gốm trắng). Trong đó, gốm đất đen thường được nung tự nhiên không phủ men, còn gốm trắng thường dùng trang trí, phủ men tạo hình hoa văn trang trí khá công phu. Ngày nay, gốm trắng Biên Hòa có thể nung bằng lò truyền thống hoặc lò gas hiện đại. Tuy nhiên, để có sản phẩm gốm đất đen thì bắt buộc phải nung gốm trong lò truyền thống bằng củi. Các lò gốm truyền thống ở Tân Vạn xưa kia được làm theo quy cách lò nghiêng, có hình dáng như một con cá heo, có chiều dài từ vài chục đến cả trăm mét. Hai bên thân lò có các mắt lửa (nơi để bỏ củi dọc theo thân lò).

Đối với gốm truyền thống, nung gốm là khâu quan trọng quyết định thành bại của mẻ gốm. Do đó, để có được mẻ gốm thành công, các lò thường có đội thợ lửa riêng để canh lò, thêm bớt mắt lửa dọc thân lò hợp lý nhất. Theo các thợ lửa, quy trình cho 1 mẻ gốm hoàn thành từ khi bắt đầu xếp gốm mộc (gốm chưa được nung) vào lò cho đến khi ra lò khoảng 1 tuần. Gốm mộc sau khi được xếp vào lò sẽ bắt đầu công đoạn sấy khô gốm trong lò khoảng 2 ngày bằng cách đốt củi cuối lò cho tăng nhiệt trong lò để sấy gốm. Sau khi gốm đã được sấy khô hoàn toàn, thợ lửa bắt đầu công việc lên lửa cho mắt lò đầu tiên, bắt đầu quy trình nung gốm. Quá trình nung gốm, nhiệt độ trong lò phải luôn duy trì ổn định ở trên dưới 1200 độ C. Độc đáo ở chỗ, toàn bộ quy trình nung gốm không hề có một thiết bị công nghệ nào mà hoàn toàn dựa vào "con mắt nghề" của các người thợ lửa. Màu sắc của từng sản phẩm gốm cũng không giống nhau bởi nó phụ thuộc vào từng vị trí lửa gần hay xa, hoặc lửa chỉ táp thoáng qua trên sản phẩm cũng cho ra một màu hoàn toàn khác nhau.

Mỗi mẻ gốm sẽ tốn khoảng 20 tấn củi và cho ra được nhiều thể loại, kích cỡ của các sản phẩm gốm khác nhau. Theo ông Tâm, những người đam mê đồ gốm rất thích gốm Biên Hòa bởi nó được nung trên lò lửa, tạo ra những màu sắc độc và lạ. Gần đây, khi các đoàn khách du lịch tới tham quan đều rất thích thú với nghề làm gốm thủ công. Ông Tâm đang ấp ủ sẽ kết hợp vừa là cơ sở gốm vừa tạo sân chơi cho các em thiếu nhi, khách du lịch tham quan, trải nghiệm nghề gốm.

Các sản phẩm gốm đất đen sau khi hoàn chỉnh
Các sản phẩm gốm đất đen sau khi hoàn chỉnh

Giữ danh cho gốm

Theo thời gian, cùng với những quy định của nhà nước, các cơ sở gốm phải di dời vào cụm công nghiệp để sản xuất tập trung, có sự kiểm soát về môi trường. Tuy nhiên, theo một số chủ cơ sở gốm truyền thống cho rằng, để xây dựng 1 lò gôm truyền thống hiện nay phải mất đến trên dưới 30 tỷ. Đây là con số quá lớn so với quy mô hoạt động cũng như lợi nhuận cho DN sau khi tham gia.

Ngày nay, nghề làm gốm truyền thống không còn nhiều, nhu cầu sử dụng chính là trang trí. Những sản phẩm gốm Biên Hòa được ưa chuộng cả trong nước lẫn quốc tế. Đặc biệt, sản phẩm gốm đất đen ngày nay thường cung cấp cho thị trường phía Trung và Bắc hoặc xuất khẩu sang các nước châu Âu, châu Mỹ…

Ngày nay, để đáp ứng các quy định cũng như sự tiện ích trong sản xuất, nhiều cơ sở đã sử dụng lò công nghiệp để sản xuất gốm. Tuy vẫn giữ được những nét riêng nhưng sự lung linh, đa dạng sắc màu trên 1 sản phẩm gốm, không còn như dùng lò thủ công bởi lò hiện đại luôn có sự chính xác, trong khi lò thủ công phụ thuộc vào sự hòa quyện lửa tự nhiên bên trong lò.

Gốm truyền thống Biên Hòa ban đầu được sản xuất nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong đời sống người dân, như: bình, lu, hũ… Để có được một sản phẩm gốm Biên Hòa, ngoài nguyên liệu, các tiêu chí để cho ra được sản phẩm gốm có màu sắc cơ bản sẽ bắt đầu trải qua các công đoạn, từ người thợ in, thợ chấm men, thợ lửa cho đến thợ hoàn thiện sản phẩm.

Tác giả: Nam Hữu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây