Nhằm tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên môi trường mạng và tăng tính tương tác, trao đổi thông tin giữa cơ quan BHXH và người dân, đơn vị sử dụng lao động, BHXH tỉnh đã đăng ký và đưa vào hoạt động trang thông tin chính thức của BHXH tỉnh trên ứng dụng Zalo.
Đây chỉ là một trong những rất nhiều điển hình của việc chủ động tích cực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) ngày càng được đẩy mạnh trên địa bàn tỉnh những năm qua. Giải pháp có ý nghĩa đột pháp này đã góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành và phục vụ các tổ chức, cá nhân.
Người dân đến thủ tục hành chính tại cơ quan BHXH tỉnh
Tạo thuận tiện cho người dân
Theo Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành, kênh truyền thông này đã đem lại tác động rất tích cực, hiệu quả, đảm bảo truyền tải thông tin đến người dân, người lao động nhanh, thuận tiện và dễ tiếp cận. Đặc biệt thông qua tính năng Chat, cơ quan BHXH dễ dàng tư vấn, giải đáp chế độ chính sách, hướng dẫn lập và nộp hồ sơ, TTHC lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN một cách nhanh chóng, thuận tiện bằng cách cung cấp các đường link TTHC và các văn bản, biểu mẫu liên quan để tạo thói quen người dân tự tìm hiểu pháp luật liên quan khi cần thực hiện các TTHC.
Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thànhcho biết, trong khi hầu hết các TTHC của cơ quan BHXH có tính thiết yếu, liên quan mật thiết đến an sinh xã hội, việc ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC điển hình như việc triển khai ứng dụng Zalo trong tuyên truyền và tiếp nhận một số TTHC qua ứng dụng Zalo, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp thực hiện giãn cách xã hội đã giúp đảm bảo phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Đồng Nai là địa phương đi đầu trong cả nước sớm hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai và cung cấp công khai cho người dân tra cứu trên mạng internet. Theo đó, người dân chỉ cần tải ứng dụng hoặc vào trang thông tin điện tử liên quan của sở là có thể tra cứu được các thông tin về số tờ, số thửa, loại đất sử dụng, thông tin quy hoạch đất đai... Theo Sở Tài nguyên - môi trường, dịch vụ này nhằm công khai, minh bạch các dữ liệu liên quan đến đất đai, góp phần cải cách TTHC, phục vụ người dân một cách toàn diện, nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc mua bán, chuyển nhượng đất đai, tránh được những rắc rối phát sinh.
Hướng tới sự chuyên nghiệp
Là một trong những địa phương nổi bật trong công tác cải cách hành chính của tỉnh, theo Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch Lương Hữu Ích, huyện luôn coi trọng việc tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước; xác định đây là nhiệm vụ hàng đầu trong thực hiện cải cách hành chính trên địa bàn huyện.
Nhiều năm qua, trên địa bàn huyện Nhơn Trạch đã triển khai các phần mềm trong hoạt động chỉ đạo công tác hành chính, giải quyết hồ sơ như phần mềm I-Ofice, Egov, phần mềm quản lý cán bộ, công chức. Ứng dụng chứng thư số, chữ ký số của Ban Cơ yếu Chính phủ trong việc số hóa văn bản điện tử (ký điện tử) để trao đổi văn bản trên môi trường điện tử. Triển khai hệ thống nhắn tin chủ động liên quan đến các các văn bản chỉ đạo, điều hành mang tính chất đột xuất, quan trọng, giấy mời họp, kết quả giải quyết TTHC cho người dân.
Bên cạnh đó, 100% cán bộ công chức cấp huyện, xã đảm bảo có kỹ năng ứng dụng CNTT một cách thành thạo; 100% Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện, xã được quản lý qua hệ thống camera giám sát.
Ngoài ra, huyện tiếp tục triển khai hệ thống đánh giá thái độ phục vụ của cán bộ, công chức qua Website đảm bảo người dân trực tiếp tham gia đánh giá thái độ phục vụ của cán bộ, công chức qua hệ thống. Qua đó, đảm bảo sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan hành chính Nhà nước trên đạ bàn huyện luôn đạt trên 95%.
Điển hình là việc phần mềm một cửa Egov đã được sử dụng đồng bộ nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát giải quyết TTHC.Các cơ quan hành chính nhà nước ở cấp tỉnh, huyện, xã trao đổi bằng 100% văn bản điện tử qua trục liên thông. Các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu cho người dân, doanh nghiệp được triển khai đồng bộ, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia.
Bên cạnh đó, một số cơ sở dữ liệu quan trọng (như cơ sở dữ liệu đất đai, bảo hiểm xã hội, dân cư…) phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành đã phát huy hiệu quả. Hệ thống xử lý hồ sơ công việc, hồ sơ TTHC “một cửa” trên môi trường mạng được đưa vào vận hành, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức. Hệ thống tiếp nhận phản ánh kiến nghị về TTHC phát huy tác dụng tốt, trở thành kênh tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước…
Có thể khẳng định rằng, việc coi trọng ứng dụng CNTT trong cải cách thủ tục hành chính đã góp phần quan trọng tạo nên sự công bằng, minh bạch và hiệu quả trong cải cách hành chính, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Trang Thư